THỨ NĂM, NGÀY 09 THÁNG 05 NĂM 2024 01:41

Kỷ nguyên số mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy bình đẳng giới

19/07/2018 | 14:13

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Ảnh: Anh Tuấn

Diễn đàn quy tụ sự tham gia của trên 300 đại biểu đến từ các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu, trường đại học, các địa phương, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và các chuyên gia, các nhà khoa học.

Việt Nam trong nhóm các nước có tình trạng bình đẳng giới tốt nhất

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng cần hướng đến không chỉ ở Việt Nam mà là của tất cả các quốc gia trên thế giới, là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của xã hội.

Hòa với xu thế chung của thời đại, trong những năm qua, hệ thống pháp luật và chính sách của Việt Nam về thúc đẩy bình đẳng giới đã không ngừng được xây dựng, sửa đổi, bổ sung theo hướng tiến bộ. Nhiều chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án liên quan đến bình đẳng giới được ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Luật bình đẳng giới ra đời năm 2006 đánh dấu một giai đoạn mới thay đổi về chất trong thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam. Các chính sách khác về giảm nghèo, hỗ trợ khởi nghiệp, tạo việc làm... đều chỉ rõ những ưu tiên các đối tượng thụ hưởng là nữ.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua. "Tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động khá cao đạt trên 70%. Phụ nữ làm chủ doanh nghiệp và chủ cơ sở kinh doanh đạt 31,6%. Các chỉ số phát triển giới, chỉ số khoảng cách giới và chỉ số bất bình đẳng giới đều đạt ở mức trung bình cao. Theo Báo cáo Phát triển con người năm 2016, Việt Nam được xếp ở nhóm 1 trong 5 nhóm xếp hạng về bình đẳng giới - nhóm các quốc gia có tình trạng bình đẳng giới tốt nhất trên thế giới".

TS. Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội phát biểu

Cũng làm rõ những thành tựu đáng ghi nhận trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới, TS Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, về tham chính, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội khóa XIII đạt 24,4%, đưa Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới.

Đặc biệt, về giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam đã đạt được những thành tựu như khoảng cách giới trong lĩnh vực này gần như được xóa bỏ khi không có sự chênh lệch giữa trẻ em trai và trẻ em gái, phụ nữ và nam giới tham gia hệ thống giáo dục và đào tạo. Thậm chí ở cấp THCS, THPT và đại học, tỷ lệ nữ giới nhập học còn cao hơn nam giới.

Theo TS Đào Quang Vinh, lao động nữ ngày càng tham gia sâu rộng vào các lĩnh vực việc làm, kể cả những lĩnh vực trước đây hầu như không có sự hiện diện của lao động nữ như: công nghệ thông tin, kỹ sư, thợ chuyên môn kĩ thuật.

Bàn Chủ tọa Diễn đàn

Định kiến giới cản trở sự phát triển của cả nam và nữ

Mặc dù đạt nhiều thành tựu, tuy nhiên theo các đại biểu, Việt Nam cũng đối mặt nhiều thách thức về bình đẳng giới. Sự tham gia của phụ nữ trong quản lý và lãnh đạo ở các cấp còn thấp; trình độ chuyên môn kỹ thuật của nữ vẫn thấp hơn so với nam giới; lao động nữ có thu nhập bình quân thấp hơn nam giới khoảng 10%; lao động nữ là đối tượng dễ bị rủi ro và tổn thương hơn khi doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm nhân công... Có tới 98% số doanh nghiệp do nữ làm chủ được nêu trên có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tập trung vào lĩnh vực thương mại, lợi nhuận thấp... Nữ chủ doanh nghiệp còn nhiều hạn chế về trình độ chuyên môn, kỹ năng quản trị doanh nghiệp, khó khăn trong tiếp cận nguồn tín dụng chính thức.

Ngoài ra, phụ nữ còn gặp phải những vấn đề khác như bạo lực gia đình, bóc lột lao động, xâm hại tình dục.

Theo các đại biểu, một trong những nguyên nhân của tình trạng bất bình đẳng giới hiện nay được xác định là những định kiến về giá trị và cách suy nghĩ truyền thống của xã hội về cách ứng xử và vai trò của nam giới và phụ nữ. Những suy nghĩ, định kiến này đang cản trở những tiềm năng phát triển của cả nam giới và phụ nữ.



Điều phối viên về Giới khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, Ngân hàng thế giới – bà Helle Bouchhave trình bày tham luận “Lồng ghép giới vào luật pháp và chính sách”

Bà Helle Buchhave, Điều phối viên về Giới khu vực Đông Á, Thái Bình Dương cho biết: Hệ thống chính sách pháp luật tại Việt Nam hiện nay có thể tác động đến vấn đề giới ở nhiều lĩnh vực, điển hình là việc chủ sử dụng lao động thích thuê lao động là nam giới hơn nữ giới; một số công việc không sử dụng lao động nữ do các nhà hoạch định chính sách thấy có hại cho chức năng làm mẹ đối với nữ giới được quy định tại Bộ luật Lao động (sửa đổi) hay khoảng cách về tiếp cận đất đai trong Luật Đất đai.

Giám đốc UN Women tại Việt Nam – bà Elisa Fernandez trình bày tham luận “Bình đẳng giới và Mục tiêu phát triển bền vững: Thách thức và khuyến nghị cho Việt Nam trong kỷ nguyên số và hội nhập” tại Diễn đàn

Cách mạng 4.0 tạo thuận lợi cho khởi nghiệp

Theo TS. Dương Kim Anh - Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ, cách mạng công nghiệp 4.0 tạo thuận lợi cho khởi nghiệp, giúp phụ nữ và các đối tượng yếu thế có thể tự tin khởi sự, điều hành doanh nghiệp với số vốn đầu tư không lớn nhưng vẫn có thể mang lại lợi nhuận cao. Phụ nữ sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với công nghệ cao, với tiến bộ và công bằng xã hội. Nhưng mặt trái, cách mạng 4.0 có thể gây ra sự bất bình đẳng, nó có thể phá vỡ thị trường lao động khi tự động hóa thay thế lao động chân tay, robot có thể thay thế con người trong nhiều lĩnh vực.

Hiện cả nước có khoảng 200.000 doanh nghiệp do phụ nữ thành lập. Dưới áp lực của sự phát triển công nghệ, nền kinh tế mỗi ngày một tự động hóa cao, nhiều ngành nghề sẽ biến động lao động, việc làm rất lớn.

Các đại biểu chụp ảnh chung tại Diễn đàn

TS Đào Quang Vinh nhấn mạnh Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác sẽ được hưởng lợi, cũng như chịu tác động từ cuộc cách mạng số trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ. Lao động nam và nữ chỉ có thể tận dụng được các cơ hội của kỷ nguyên số và hội nhập khi họ được trang bị vốn nhân lực tốt, được tiếp cận các cơ hội việc làm và kinh doanh bình đẳng, được hỗ trợ bởi các chính sách công bằng và hiệu quả. Các doanh nghiệp cần trở lên nhanh nhẹn hơn để có thể nắm bắt các cơ hội và hình thức kinh doanh mới linh hoạt. Người lao động cũng cần phải có kỹ năng và khả năng thích ứng để giúp tạo môi trường làm việc linh hoạt hơn...

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, chương trình hành động, các biện pháp tuyên truyền giáo dục, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý sản xuất thì điều quan trọng hơn là tất cả mọi người, cả nam và nữ đều cần tự giác thay đổi quan niệm về phân biệt đối xử, nữ giới phải nâng cao trình độ, sự hiểu biết để vừa tự bảo vệ, vừa tích cực tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội.

Nhân viên nữ mang thai được chăm sóc đặc biệt

Tiếp nối Chương trình Diễn đàn đa phương, các đại biểu được tham quan Khu Tổ hợp Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên để tìm hiểu rõ hơn về những chính sách đặc biệt chăm sóc cho nhân viên nữ tại đây.

Để giảm thiểu bất bình đẳng giới trong lao động, có những công ty đã chú trọng vào nâng cao chất lượng làm việc và nghỉ ngơi của người lao động nhất là lao động nữ. Samsung Việt Nam là một ví dụ điển hình. Với tỷ lệ nhân viên nữ chiếm trên 70%, Samsung Việt Nam chú trọng đưa ra những chính sách đặc biệt chăm sóc cho nhân viên nữ, nhất là đối tượng nhân viên nữ mang thai và và nuôi con nhỏ.

 Nữ công nhân mang bầu được Sam Sung Việt Nam chăm sóc chu đáo. Họ được nghỉ ngơi khi làm việc thấy mệt tại phòng Mommy room.

Hiện tại, ở nhà máy Sam sung Việt Nam có khoảng 20.000 nhân viên nữ đang trong chế độ thai sản. Tất cả những nhân viên này đều được đang được hưởng những chế độ chăm sóc đặc biệt. Họ không phải đi công tác xa nhà, không phải làm thêm giờ, không làm việc ca đêm. Ngoài ra, nhân viên nữ kể từ khi đăng ký thông tin thai sản có thể xin nghỉ hưởng 50% lương để ở nhà chăm sóc thai nhi. Họ được ăn khẩu phần dinh dưỡng cho bà bầu và bữa ăn phụ miễn phí. Các nhà máy của Samsung Việt Nam có phòng Mommy cho nhân viên mang bầu và nuôi con nhỏ có thể sử dụng vắt sữa, ăn bữa ăn phụ, nghỉ ngơi đọc sách nếu mệt khi đang làm việc. Họ được khám bệnh, chăm sóc thai nhi, cung cấp kiến thức về sinh sản, dinh dưỡng và tiêm chủng… Tất cả những điều đó, khiến cho các lao động nữ ở Samsung Việt Nam yên tâm công tác trong kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp 4.0.

Việt Cường / TC Gia đình & Trẻ em

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.