THỨ BA, NGÀY 07 THÁNG 05 NĂM 2024 01:57

Lâm Đồng: Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về giảm nghèo

18/09/2020 | 08:32

Thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; Thông tư số 06/2017/TT-BTTTT ngày 02/06/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn thực hiện Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, hàng năm Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng các Kế hoạch để triển khai việc tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thông tin và truyền thông và Kế hoạch đầu tư mua sắm trang bị phương tiện tác nghiệp phục vụ thông tin tuyên truyền tại các huyện, xã khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Chỉ tính riêng trong năm 2017, Sở đã in 15.000 cuốn ấn phẩm tuyên truyền “Cẩm nang dành cho hộ nghèo”, Cẩm nang được in ấn bằng 3 thứ tiếng (tiếng Việt, tiếng K’Ho và tiếng H’Mông) phát cho hộ nghèo tại các địa phương và vừa được đọc - phát trên hệ thống truyền thanh cơ sở (ưu tiên các địa bàn có đông hộ nghèo và cận nghèo, đồng bào DTTS. Qua đó góp phần giúp người dân tiếp cận được với các thông tin về hỗ trợ giảm nghèo của Trung ương và của tỉnh. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn đăng tải toàn bộ nội dung “Cẩm nang dành cho hộ nghèo” bằng tiếng Việt trên Trang thông tin điện tử của các huyện, thành phố.
 

Bàn giao thiết bị tuyên truyền cổ động cho xã


Bên cạnh đó, trong các năm 2017-2019, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với UBND các huyện: Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, Đơn Dương, Đam Rông, Đạ Huoai, Lâm Hà, Lạc Dương, Đạ Tẻh và Cát Tiên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ thông tin và truyền thông ở cơ sở. Cụ thể: tổ chức 10 lớp cho hơn 1.600 cán bộ làm công tác thông tin truyền thông cơ sở gồm: cán bộ phòng VHTT, đài TTTH huyện; Cán bộ VHXH thuộc UBND các xã; Cán bộ Đài Truyền thanh cơ sở; Trưởng đoàn thể huyện; Trưởng đoàn thể cấp xã (Cán bộ Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên…); Cán bộ thôn, tổ dân phố và cán bộ làm công tác mặt trận, công tác văn hóa, tuyên truyền của thôn. Nội dung tập huấn bao gồm: Các đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016–2020; Kỹ năng xây dựng nội dung và thực hiện công tác tuyên truyền miệng cho đội ngũ cán bộ cơ sở để phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Kỹ năng viết tin, bài, thực hiện bản tin tuyên truyền trên đài truyền thành cơ sở và bảng tin, tài liệu không kinh doanh phục vụ tuyên truyền ở cơ sở; Kỹ năng vận hành, khai thác và sử dụng hiệu quả đài, trạm truyền thanh và các trang thiết bị tác nghiệp chuyên ngành.

Về đầu tư trang bị phương tiện tác nghiệp phục vụ thông tin tuyên truyền, năm 2017 đã thực hiện đầu tư, lắp đặt trang bị phương tiện tác nghiệp phục vụ thông tin tuyên truyền tại 04 xã khu vực III: Lộc Nam thuộc huyện Bảo Lâm; Đa Quyn thuộc huyện Đức Trọng; Đưng K’Nớ và Xã Lát thuộc huyện Lạc Dương. Năm 2018, Sở đã thực hiện đầu tư, lắp đặt trang bị phương tiện tác nghiệp phục vụ thông tin cổ động tại 08 xã trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Đan Phượng thuộc huyện Lâm Hà; Đạ Tông, Đạ Long thuộc huyện Đam Rông; Đồng Nai Thượng thuộc huyện Cát Tiên; Bảo Thuận thuộc huyện Di Linh; Đạ Ploa thuộc huyện Đạ Huoai và Lộc Bảo, Lộc Bắc thuộc huyện Bảo Lâm. Năm 2019, đầu tư phương tiện tác nghiệp phục vụ thông tin tuyên truyền tại 08 xã: Đinh Trang Thượng, Gia Bắc huyện Di Linh; Lộc Tân huyện Bảo Lâm; Đạ Pal, Quốc Oai huyện Đạ Tẻh; Mỹ Lâm huyện Cát Tiên; Phi Liêng huyện Đam Rông; Tân Thanh huyện Lâm Hà và đầu tư hệ thống Thông tin tuyên truyền cấp huyện tại huyện Đam Rông.

Theo đánh giá, được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến địa phương, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành nên trong quá trình triển khai thực hiện Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin được thuận lợi, đồng bộ đến các địa phương trên địa bàn tỉnh. Các chính sách của Đảng và Nhà nước, các chương trình, dự án trong công tác Giảm nghèo và Xây dựng nông thôn mới đã được tuyên truyền đến cán bộ và nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc tuyên truyền công tác giảm nghèo về thông tin cũng như các nội dung về xây dựng nông thôn mới thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông ở địa phương như phổ biến kinh nghiệm, gương điển hình trong công tác giảm nghèo đã khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên. Việc đầu tư trang thiết bị thông tin tuyên truyền, nâng cấp hệ thống Đài truyền thanh cơ sở và thay thế hệ thống loa cũng giúp tăng thêm sự phong phú trong công tác tuyên truyền, thu hút sự chú ý của người dân, giúp người dân tiếp cận các chính sách của Đảng và Nhà nước một cách nhanh chóng và thuận tiện, kịp thời.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn một số tồn tại, hạn chế như: Thiết bị đầu tư ở thời điểm công nghệ truyền thanh còn lạc hậu, nhiều nguồn khác nhau dẫn đến chưa đồng bộ, hư hỏng thường xuyên, chính sách sau đầu tư như duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp chưa hợp lý đã khiến nhiều hệ thống bị xuống cấp, ảnh hưởng đến chất lượng. Bên cạnh đó, các thiết bị chủ yếu sử dụng ngoài trời nên dễ bị hư hỏng, xuống cấp, ảnh hưởng đến chất lượng thông tin - truyền thông cơ sở; các địa phương chưa được đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác tuyên truyền lưu động do kinh phí hạn chế. Chưa có chính sách đối với cán bộ phụ trách đài truyền thanh cơ sở, nên thường xuyên thay đổi dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong công tác đào tạo, tập huấn sử dụng, vận hành hệ thống đài.

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lâm Đồng phấn đấu đảm bảo 100% cán bộ làm công tác thông tin cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác thông tin truyền thông, ưu tiên cán bộ xã, thôn, cán bộ truyền thanh cơ sở, báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở; Đảm bảo các xã, thôn tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được trang bị phương tiện tác nghiệp đối với hoạt động thông tin cơ sở. Trên cơ sở đó, tỉnh tiếp tục thực hiện dự án đầu tư trang thiết bị phương tiện tác nghiệp phục vụ thông tin tuyên truyền tại các xã, ưu tiên những xã chưa có phương tiện tác nghiệp phục vụ thông tin tuyên truyền và các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn trang bị cho cán bộ phụ trách truyền thanh cơ sở và cán bộ văn hóa xã những kiến thức kỹ năng cơ bản để thực hiện các bản tin; Bồi dưỡng, phát triển mạng lưới cán bộ tuyên truyền viên, báo cáo viên cơ sở; nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông tại cơ sở. Xây dựng các phóng sự về các mô hình giảm nghèo bền vững phát sóng trên Đài Phát thanh Truyền hình và hệ thống phát thanh cấp huyện, xã.

Tỉnh Lâm Đồng có địa hình phức tạp, trải dài, hiện nay vẫn còn nhiều xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tại một số địa phương tuy đã có đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng hạ tầng mạng lưới của đài truyền thanh ở một số xã, thôn đầu tư lâu, bị xuống cấp, hư hỏng, không phát huy hết tác dụng của hệ thống loa truyền thanh đến các thôn, xóm để phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền. Vì vậy, tỉnh đề nghị các Bộ, ban, ngành tiếp tục quan tâm phân bổ thêm kinh phí để địa phương đầu tư trang thiết bị tác nghiệp phục vụ thông tin tuyên truyền trong những năm tiếp theo nhằm nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông.


 

Thu Hằng/GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.