THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 08:37

Lan tỏa tinh hoa của quan họ cổ

17/11/2018 | 16:29

Độc đáo hát canh quan họ

Dân ca quan họ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tuy nhiên, không nhiều người biết rằng hát quan họ hiện nay xuất phát từ hát canh - tục hát cổ nhất của quan họ. Bên cạnh hát chúc, hát mừng, hát thờ, hát hội thì hát canh là một trong những hình thức sinh hoạt quan họ độc đáo, mang tính đặc trưng của dân ca quan họ Bắc Ninh. 

Các liền chị trang điểm cho nhau 

Hát canh quan họ thực chất là hình thức “quan họ du ca tại gia”, nghĩa là “hát chơi” quan họ trong nhà chứa. Chữ “chơi” ở đây được hiểu là “nghề chơi”. Và chỉ với những người sành quan họ mới thực sự hiểu và mê đắm lối hát chay, hát mộc tinh tuý này.

CLB quan họ truyền thống Nhị Hà giao lưu hát canh với CLB Đặng Xá

Lan toả và lưu truyền những câu ca quan họ cổ

Gần 3 năm nay, CLB quan họ truyền thống Nhị Hà đã trở thành địa chỉ thân quen của các liền anh, liền chị yêu quan họ cổ ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Các thành viên ở đây có độ tuổi từ 24 – 74 tuổi, đến từ các ngành nghề khác nhau: bác sĩ, hoạ sĩ, nhà báo, giảng viên đại học… nhưng đều có điểm chung là say mê quan họ cổ. Để hát được quan họ cổ cần có thâm niên một đến vài chục năm, hiểu biết về văn hóa Kinh Bắc và thuộc nhiều câu hát thì mới đạt đến độ tinh túy của "nghề chơi". CLB được các nghệ nhân truyền dạy hát quan họ, như anh Hai Chiến hiện là một trong số rất ít người còn lại ở hội Lim mở canh hát tại nhà.

Đã trở thành một thói quen đẹp, mỗi tháng 1 lần vào dịp cuối tuần, các liền anh, liền chị CLB Nhị Hà lại rộn rã quy tụ ở Hào Nam để thể hiện niềm đam mê, trổ tài lối "chơi" quan họ đậm chất Kinh Bắc, và hàng tháng CLB Nhị Hà lại háo hức khăn áo xuống hát giao lưu cùng các CLB ở Bắc Ninh.

Trong trang phục mớ ba mớ bảy truyền thống, các liền chị dường như trẻ lại với tuổi thanh xuân

Cuối tuần vừa qua, trong một buổi giao lưu giữa CLB Nhị Hà và CLB Đặng Xá (làng Đặng Xá, xã Vạn An, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) đã tái hiện tục hát canh rất thú vị. Hoạ sĩ Đỗ Dũng – Chủ nhiệm CLB quan họ truyền thống Nhị Hà cho biết, một canh hát đúng lề lối thường kéo dài từ 7-8h tối cho đến 2-3h sáng, trình tự được chia thành 3 chặng. Đầu tiên là hát giọng cổ hay giọng lề lối như: “La rằng”, “Đường bạn”, “Kim lan”, “Tình tang”, “Cây gạo”, “Cái ả cái hời”… Chặng giữa là hát những bài thuộc hệ thống giọng lẻ, giọng vặt. Ở chặng này, người ca không phải tuân theo trình tự các giọng bắt buộc như chặng đầu. Chặng cuối, quan họ khách thường hát những câu giã bạn để xin phép chủ ra về, còn quan họ chủ thì hát đối những lời ca giữ khách. Cả khách và chủ đều trong tâm trạng quyến luyến, bịn rịn, không muốn rời nhau nên cả hai bên thường ca những câu xúc động như: “Người ơi, người ở đừng về”, “Tạm biệt từ đây”, “Chia rẽ đôi nơi”, “Kẻ Bắc người Nam”, “Con nhện giăng mùng”… và dùng dằng hẹn đến hội sau với câu “Đến hẹn lại lên”...

Gắn kết, sẻ chia, giữ gìn sức khoẻ

Điểm thú vị của quan họ là lời hay ý đẹp trong từng lời hát, ca từ, nội dung đều hướng thiện, nói về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đôi lứa, cách đối nhân xử thế của con người sao cho có tình có nghĩa, có trước có sau. Những lời hát đậm chất thi ca đó cứ tự nhiên thấm vào các liền anh, liền chị học và làm theo. Chính vì thế người hát quan họ luôn có lối sống đẹp, nền nã, nho nhã, khiêm nhường, nhẫn nhịn, yêu thương và gắn kết.

Nhờ có tình yêu quan họ, các liền anh, liền chị không còn gặp stress trong cuộc sống

Không chỉ giữ gìn tinh hoa văn hóa của cha ông, những canh hát quan họ còn mang đến những lợi ích về sức khỏe và hun đúc cho mỗi người một lối sống cao đẹp và nhân văn hơn. Được đi, được hát, được thể hiện mình chính là động lực tìm được niềm vui trong cuộc sống của những người yêu quan họ.

CLB không chỉ là nơi để sinh hoạt văn hoá đơn thuần mà cao hơn là sự gắn kết, sẻ chia giữa các thành viên có chung một tình yêu quan họ. Đa số những liền anh, liền chị tham gia CLB Nhị Hà là người về hưu, nhưng họ cảm thấy như mình được trẻ lại, hứng khởi sáng tác những bài hát mới, giúp cho quan họ trường tồn, lan toả và phát triển.

Trong quá trình tham gia CLB, PGS.TS. Nguyễn Tuấn Hưng - Phó Chủ nhiệm CLB Nhị Hà còn nhận ra một tác dụng ưu việt của tình yêu với quan họ, đó là cách rèn luyện sức khoẻ, hát là cách tập thở đúng cách, làm cho phổi được rèn luyện; hơn nữa còn là cách thức rèn luyện trí nhớ, giảm được các bệnh tuổi già, nhất là bệnh Alzheimer.

Chị Hai Chính (Nguyễn Thị Như Chính - nguyên giảng viên trường ĐH Thương Mại Hà Nội) chia sẻ: Nhờ có quan họ, chúng tôi luôn yêu đời, yêu người. Đó là những giá trị vô giá mà văn hóa cha ông để lại cho chúng ta. Quan họ làm cho người ta sống nhân văn, yêu đời và yêu người hơn. Chính vì thế mà chúng tôi càng nỗ lực hơn nữa để truyền đạt và lan tỏa những tinh hoa của cha ông đến những tình yêu quan họ, đặc biệt là giới trẻ.

Hồng Nga / TC Gia đình & Trẻ em - Ảnh: Tạ Toàn

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...