THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 08:09

Lắng nghe tiếng nói trẻ em

19/12/2021 | 14:05
“Sự tham gia của trẻ em luôn là nội dung ưu tiên trong các kế hoạch hành động của Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH). Lấy trẻ em làm trung tâm, lắng nghe trẻ em và hành động vì lợi ích tốt nhất của trẻ cần là kim chỉ nam xuyên suốt trong hoạt động của tất cả các bên liên quan trong chăm sóc, bảo vệ và phát triển trẻ em”, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em chia sẻ tại Hội thảo công bố báo cáo Tiếng nói trẻ em Việt Nam.
Thảo luận nhóm về quyền tham gia của trẻ em.

Thảo luận nhóm về quyền tham gia của trẻ em.

Hỏi trẻ em nghĩ gì - Điều đơn giản nhưng không được thực hiện thường xuyên

Quyền được lắng nghe không chỉ là một quyền của trẻ em mà còn là một nguyên tắc quan trọng được quy định trong Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Tuy nhiên, người lớn - những người đưa ra quyết định về cuộc sống của trẻ em ở trường, ở nhà và trong cộng đồng, ở cấp cao hơn, trong các cơ quan nhà nước - không phải lúc nào cũng biết và hiểu trẻ cảm thấy như thế nào và trẻ em muốn gì. Và việc đơn giản nhất là hỏi trẻ em nghĩ gì cũng không thường xuyên được thực hiện.

Báo cáo tiếng nói trẻ em Việt Nam năm 2020 cho thấy: Cứ 10 trẻ em thì có 9 trẻ cho rằng mình không có hoặc có ít cơ hội để bày tỏ ý kiến của mình với người có thẩm quyền ra quyết định. Trong khi đó, gần 90% trẻ em nói rằng việc người lớn lắng nghe tiếng nói trẻ em là rất quan trọng. Tại cuộc thảo luận nhóm trẻ em tại Tiền Giang, các em cho rằng, người lớn cũng có ý kiến sai, thế nên trẻ em có thể chia sẻ ý kiến với người lớn để người lớn có quyết định đúng hơn.

Theo khảo sát trong 12 tháng qua, đa số trẻ em được bày tỏ ý kiến của mình ở nhà (74%) hoặc ở trường (59,7%), trẻ em chưa có nhiều cơ hội được tham gia ý kiến tại nơi trẻ sinh sống (7,6%) và với chính quyền địa phương (2,2%).

Trong các vấn đề trẻ em muốn bày tỏ ý kiến, việc học tập và trường học là hai nội dung trẻ quan tâm nhất (61,3%), tiếp đến là quyền bình đẳng giới (44,3%), sự an toàn của trẻ tại không gian trẻ sinh sống, học tập (43,4%) và các hoạt động vui chơi cho trẻ em (43,2%).

Tiếng nói trẻ em được lắng nghe trong quá trình ra quyết định chính sách

Chương trình Tiếng nói trẻ em Việt Nam 2020 đã tạo cơ hội cho trẻ em phản ánh những vấn đề mà các em quan tâm. Từ “lăng kính” của trẻ em, các vấn đề liên quan đến trẻ em được gửi tới những người có nghĩa vụ liên quan và chịu trách nhiệm thực hiện các quyền của trẻ em.

Kết quả của Tiếng nói trẻ em Việt Nam đã được sử dụng làm bằng chứng cho báo cáo bổ sung được đệ trình lên ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc, và ở cấp quốc gia, các kết quả của Tiếng nói trẻ em Việt Nam đã được các cơ quan nhà nước chính thức sử dụng làm tài liệu tham khảo cho một loạt các văn bản chính sách như: Báo cáo quốc gia năm 2020 về tiến độ triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Chương trình quốc gia về An toàn mạng dành cho trẻ em…

Lắng nghe ý kiến của trẻ em về việc chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ em, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt cũng như cam kết là một trong những người tiên phong trong việc chấm dứt mọi hình thức trừng phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ em ở Việt Nam. Tham dự đối thoại chính sách về chấm dứt trừng phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ em, bà Nga khẳng định: Tiếng nói của trẻ em và các tổ chức xã hội đóng vai trò quan trọng đối với các chính sách và chương trình bảo vệ trẻ em hiệu quả. Chúng ta cần tập hợp tất cả các bên liên quan với cùng một mục tiêu là chấm dứt mọi hình thức trừng phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ em, để đảm bảo rằng mọi trẻ em đều được sống trong mội trường an toàn.

Tiếng nói của trẻ em đã được lắng nghe.

Tiếng nói của trẻ em đã được lắng nghe.

Quyền tham gia của trẻ em cần được bổ sung bằng các mô hình thúc đẩy sự tham gia của trẻ em trong cộng đồng, trong gia đình, trong nhà trường, không chỉ ở Hà Nội mà còn ở tất cả các tỉnh/thành trên cả nước. “Trong giai đoạn tới, chúng ta sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng các hoạt động dành cho các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ, để bố mẹ cũng phải học hỏi, học cách lắng nghe, tôn trọng và đảm bảo quyền của con, em mình. Chúng tôi luôn cùng các cơ quan quản lý nhà nước khác, trường học, các đối tác là các tổ chức xã hội sẵn sàng tiếp tục lắng nghe, tiếp thu và hành động để thúc đẩy thực hiện quyền tham gia của trẻ em Việt Nam”, bà Nga khẳng định.

Ðược truyền cảm hứng bởi Chương trình Tiếng nói trẻ em Việt Nam và ghi nhận tầm quan trọng tiếng nói của trẻ em, Cục Trẻ em đã mời các tổ chức xã hội tham gia phụ trách và thực hiện việc thu thập ý kiến của trẻ em về hai dự thảo chương trình quốc gia quan trọng về bảo vệ trẻ em và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em giai đoạn 2021-2025. Kết quả là hơn 14.000 trẻ em tham gia vào quá trình này và các ý tưởng cũng như khuyến nghị của trẻ em đã được tổng hợp làm thông tin cơ sở cho Cục Trẻ em đề xuất, sửa đổi chương trình.

Vân Nhi
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Xông lá thuốc để phòng Covid-19, bé gái 14 tuổi bị bỏng nặng

Xông lá thuốc để phòng Covid-19, bé gái 14 tuổi bị bỏng nặng

2 năm trước

Ngày 18/12, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết tiếp nhận bé gái 14 được Bệnh viện Đồng Nai chuyển đến trong tình trạng bỏng nặng toàn thân do nước sôi.
Chủ tịch nước tặng thưởng học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2021

Chủ tịch nước tặng thưởng học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2021

2 năm trước

Chiều 18/12, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt tuyên dương và tặng Huân chương Lao động cho các học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế.
Nghệ thuật Xòe Thái trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Nghệ thuật Xòe Thái trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

2 năm trước

Di sản Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.