CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 05:09

Lạng Sơn: Đảm bảo người khuyết tật được thụ hưởng đầy đủ chính sách trợ giúp

23/10/2019 | 14:42

 Triển khai công tác trợ giúp NKT, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện. Hiện nay, 100% NKT đủ điều kiện theo quy định đều được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng. Tính đến hết tháng 5/2019, tỉnh đã chi trả trợ cấp cho 9.132 NKT, 1.004 gia đình nhận chăm sóc NKT tại cộng đồng. Ngoài ra, còn tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng NKT tại Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp của tỉnh.
 


NKT được học nghề và tạo việc làm tại Nhà may Sài Gòn (TP. Lạng Sơn).


Thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, các sở, ngành: Y tế, Tài chính, Hội đồng Giám định y khoa tỉnh tổ chức tập huấn triển khai việc xác định mức độ khuyết tật và chính sách đối với NKT; Tổ chức các lớp tập huấn "Nâng cao kỹ năng phát hiện sớm và can thiệp sớm các dạng khuyết tật thường gặp tại cộng đồng, đặc biệt là khuyết tật ở trẻ em; công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng" cho cán bộ y tế huyện và xã; Tổ chức khám sàng lọc để cung cấp dụng cụ trợ giúp cho NKT tại 23 xã trọng điểm của 10 huyện. Hiện tại, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh có địa điểm khám cho NKT; 100% các trạm y tế thực hiện chỉ tiêu chăm sóc NKT tại cộng đồng, các cơ sở xã đều có sổ theo dõi NKT, thuận tiện cho việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn chăm sóc.


Về công tác giáo dục và đào tạo: Đến hết năm học 2018 - 2019, tỉnh có 1.457 học sinh là NKT đến lớp. Các trường đã tạo điều kiện giúp đỡ học sinh KT để các em được đến lớp, không phân biệt, không kỳ thị, tạo cơ hội, động viên các em tham gia vào các hoạt động vui chơi, học tập. Tỉnh đang thực hiện điểm công tác giáo dục hòa nhập tại Trường THCS xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng, trên cơ sở đó thực hiện đại trà tại các đơn vị có học sinh KT.


Công tác dạy nghề cho NKT được triển khai lồng ghép với Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, với nhiều nghề phù hợp như: bện chổi chít, may, tẩm quất massage... Trong quá trình học nghề, NKT được hỗ trợ chi phí, trợ cấp học bổng, miễn học phí. Theo kết quả khảo sát của tỉnh, có tới 6.436 NKT không có việc làm, chiếm 60,98% trên tổng số NKT, số người có việc làm chủ yếu ở khu vực nông thôn, có thu nhập thấp. Việc nhận NKT vào làm việc được rất ít các cơ sở thực hiện. Toàn tỉnh chỉ có Nhà may Sài Gòn đường Bắc Sơn, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Lạng Sơn đã đào tạo nghề cho 40 NKT và hiện đang đào tạo và tạo việc làm cho 9 NKT câm điếc học nghề và làm nghề may có chỗ ăn, nghỉ miễn phí, thu nhập ổn định 4.500.000 đồng/người/tháng; 1 cơ sở đan chổi chít tạo việc làm cho 4 NKT có việc làm thu nhập bình quân 3.000.000 đồng/tháng/người; Câu lạc bộ Người khiếm thị TP. Lạng Sơn làm nghề Tẩm quất có 14 người tại 5 cơ sở, thu nhập 5.000.000 đồng/người/tháng.
Cùng với đó, công tác trợ giúp NKT tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, tiếp cận giao thông công cộng cũng được quan tâm và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều cuộc thi đấu thể thao được tổ chức để NKT được tham gia góp phần tăng cường sức khỏe, cải thiện đời sống tinh thần, xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập cộng đồng. Sở Xây dựng đã xây dựng và thực hiện các kế hoạch trợ giúp NKT tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng; kiểm tra, giám sát việc áp dụng quy chuẩn trong thi công một số công trình xây dựng; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 320 người là các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng. Ngoài ra, phối hợp với Trường Tiểu học Lê Văn Tám (xã Hoàng Đồng, TP. Lạng Sơn) xây dựng 1 đường dốc dành cho trẻ KT tiếp cận sử dụng các không gian công cộng trong trường. Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Bến xe phía Bắc tỉnh Lạng Sơn cải tạo đường tiếp cận xe lăn và công trình vệ sinh cho NKT. Năm 2019, nghiên cứu lựa chọn công trình công cộng, nhà ở, đường và hè phố phù hợp để thực hiện đầu tư, lắp đặt một số bộ phận đảm bảo để NKT có thể đến và sử dụng; Thực hiện miễn, giảm giá vé cho NKT khi tham gia phương tiện vận tải. Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện đầy đủ, đảm bảo các điều kiện về kỹ thuật, nội dung, địa chỉ truy nhập trên Cổng thông tin điện tử http://www.langson.gov.vn/khuyettat giúp NKT tiếp cận sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong khai thác, tìm kiếm thông tin trên mạng Internet, thư điện tử, soạn thảo văn bản word, exel...


Ngoài ra, Lạng Sơn còn phát triển tổ chức của NKT, với 1 tổ chức hội cấp tỉnh là Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em, 3 tổ chức hội cấp huyện là: Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi huyện Bình Gia, huyện Hữu Lũng và Hội Bảo trợ NKT TP. Lạng Sơn.


Ông Đàm Văn Chính, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Lạng Sơn cho biết: Việc tổ chức thực hiện các chính sách, chế độ cho NKT trên địa bàn tỉnh luôn được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, UBMT Tổ quốc tỉnh; sự tham gia, phối hợp của các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Phát huy được vai trò quản lý nhà nước về NKT ở địa phương, UBND các cấp đã chủ động xây dựng kế hoạch lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, có mục tiêu, giải pháp cụ thể, phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan chuyên môn để tổ chức thực hiện. Về cơ bản, các chính sách NKT đang được thực hiện đã đi vào cuộc sống. Đời sống của NKT ngày càng được cải thiện, vai trò NKT trong cộng đồng xã hội được phát huy, nhận thức vấn đề về NKT trong xã hội ngày càng được nâng lên. Lạng Sơn đã thực hiện tốt chế độ trợ giúp bảo trợ xã hội, đảm bảo 100% đối tượng là NKT theo quy định được xác minh và thực hiện chế độ kịp thời. Tổ chức xác định mức độ khuyết tật theo đúng thời gian và theo quy định, đảm bảo 100% NKT được cấp giấy chứng nhận khuyết tật theo quy định. Công tác khám sàng lọc cho trẻ KT, chỉnh hình được thực hiện tốt.


Thời gian tới, Lạng Sơn đề nghị các bộ, ngành trung ương tăng cường đầu tư kinh phí thực hiện các chương trình trợ giúp NKT, xem xét tăng mức trợ cấp cho đối tượng NKT; Đánh giá tình hình thực hiện bố trí vốn và kinh phí cho thực hiện Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020. Bộ LĐTBXH có kế hoạch điều tra, thống kê rà soát NKT hoặc ban hành các tiêu chí thống nhất để hướng dẫn các địa phương thực hiện. Bộ Giao thông Vận tải ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện giao thông tiếp cận để địa phương triển khai thực hiện; có cơ chế chính sách bổ sung nguồn kinh phí đầu tư phát sinh cho các hạng mục phục vụ giao thông tiếp cận; cơ chế, chính sách hỗ trợ lãi xuất vay vốn cho các doanh nghiệp vận tải khách đầu tư, cải tạo phương tiện giao thông bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật cho NKT tiếp cận; Có văn bản quy định số lượng học sinh khuyết tật trên một lớp đủ điều kiện được thành lập lớp dạy học sinh khuyết tật để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.
 


Lãnh đạo Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh cùng Tổ chức Trả lại tuổi thơ (Mỹ) trao xe lăn cho NKT huyện Lộc Bình.

 

Đỗ Hồng Anh/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

7 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.