CHỦ NHẬT, NGÀY 05 THÁNG 05 NĂM 2024 06:06

Lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

09/10/2020 | 09:55

Bộ VHTTDL tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi, bổ sung) nhằm hoàn thiện Hồ sơ trước khi trình Chính phủ. Bà Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình và ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế chủ trì Hội thảo.

Bà Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình phát biểu

Báo cáo tại Hội thảo, bà Trần Tuyết Ánh cho biết, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) được Quốc hội khóa 12, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2008. Luật PCBLGĐ gồm 6 chương, 46 điều. Trong đó có 09 điều (Điều 6, Điều 20, Khoản 3 Điều 26, Khoản 1 Điều 29, Điều 36, Điều 37, Điều 38, Điều 39 và Điều 41) giao Chính phủ, các Bộ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Hệ thống các văn bản này đã góp phần quan trọng đưa Luật PCBLGĐ vào thực tiễn. Trong quá trình thi hành Luật, một số nội dung hướng dẫn thi hành được rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời khiến Luật PCBLGĐ được thực thi hiệu quả và phù hợp với thực tế hơn. Nội dung Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật về cơ bản phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia vào văn bản pháp luật hiện hành.

Ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế phát biểu

Luật PCBLGĐ đã thể chế hóa bảo vệ các quyền cơ bản của con người trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; điều chỉnh các quan hệ gia đình và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong PCBLGĐ; tạo cơ sở pháp lý trong việc ban hành chính sách về PCBLGĐ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, BLGĐ vẫn là một vấn đề nhức nhối ở Việt Nam hiện nay.

Tháng 9/2020, công luận bàng hoàng về hai vụ việc bạo lực gia đình rất nghiêm trọng. Ở Bắc Ninh, một bé gái bị bố đẻ bạo hành đến gãy tay phải, bầm tím cơ thể và chỉ được giải cứu bởi lực lượng công an sau nhiều ngày bị đánh đập triền miên. Tại Long An, một người mẹ già 88 tuổi bị chính con gái đánh đập, đổ rác lên đầu rất nhiều lần trước khi qua đời. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng bạo lực gia đình xảy ra hàng ngày trên khắp Việt Nam. Phần lớn các vụ việc trong số đó bị khuất lấp, che giấu và không được xử lý, can thiệp kịp thời. Vai trò của các quy định pháp luật về PCBLGĐ lại được đặt ra.

Trong giai đoạn 2009-2019, theo thống kê của 63 tỉnh thành, tổng số vụ BLGĐ đã phát hiện trên cả nước là 297.498 vụ. Tuy nhiên, liệu các con số này đã phản ánh đúng tình hình BLGĐ ở Việt Nam hay chưa? Hiện nay, việc tổng hợp thông tin về BLGĐ được thực hiện theo ngành dọc. Mỗi cơ quan, tổ chức tổng hợp theo đối tượng, chức năng, nhiệm vụ song lại không có cơ chế chia sẻ dữ liệu. Do đó, số liệu bị rời rạc, thiếu nhất quán, trùng lặp và chưa phản ánh đầy đủ tình hình BLGĐ. Nguyên nhân chính của vấn đề này do những bất cập của Luật PCBLGĐ hiện hành.

Luật PCBLGĐ hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập khác, đặc biệt là các quy định về bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, xử lý thủ phạm gây ra bạo lực cũng như các biện pháp đảm bảo trong PCBLGĐ.

Thực hiện Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, trong đó giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, xây dựng, trình Dự án sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương lập đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Bộ đã ban hành kế hoạch, thành lập tổ công tác và triển khai các hoạt động xây dựng hồ sơ sửa đổi luật. Trong đó có tổ chức các cuộc tọa đàm, hội nghị nhằm thảo luận, xin ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, gửi lấy ý kiến của các Bộ, Ban, ngành, địa phương cũng như đăng trên Cổng thông tin điện tử Bộ để xin ý kiến nhân dân.

Tại hội thảo, các ý kiến góp ý đều đồng tình với việc ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, đặc biệt là xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình, người vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, tăng cường các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, nâng cao chất lượng của công tác hòa giải, thông tin tuyên truyền và khuyến khích xã hội hóa trong phòng, chống bạo lực gia đình. Từ đó góp phần xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, để gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người.

Việt Cường / TC Gia đình & Trẻ em

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.