THỨ TƯ, NGÀY 08 THÁNG 05 NĂM 2024 11:51

Lễ hội cổ truyền: Tự hào quá khứ, kỳ vọng tương lai

27/04/2018 | 17:40
 
Từ ngàn xưa...
 
Với đặc trưng nguồn gốc là những cư dân nông nghiệp trọng tĩnh, gắn bó cuộc sống của mình cùng vòng quay mùa vụ, người Việt yêu sự thanh bình và ổn định của cuộc sống êm đềm, không tách khỏi ngôi làng nơi mình sinh ra. Nói đến làng, tức là nói đến tính cộng đồng, tính tự trị, chẳng vậy mà sản sinh ra tâm thức gắn bó sâu nặng của những người nông dân với làng. Trong năm, có một thời điểm mà tình cảm ấy được bộc lộ một cách hết sức rõ ràng, được gửi gắm lòng tự hào về quá khứ và sự kì vọng đến tương lai, đó chính là lễ hội. 
 
Hoạt động lễ hội gồm hai phần chính: các nghi thức tế lễ của dân làng với vị Thành hoàng đã có công che chở, phù hộ và các hoạt động vui chơi, diễn xướng dân gian. Các nghi lễ thường được chuẩn bị rất công phu. Trước khi chính hội diễn ra, dân làng đã phải thực hiện từ trước đó vài ngày như: Làm lễ mở cửa đình, lễ tắm tượng, rước nước, lau chùi long ngai… Tùy vào sắc phong, sự tích của vị Thành hoàng mà có sự chu tất khác nhau. Sau phần lễ, phần hội thường được diễn ra trong không khí hân hoan, phấn khởi hơn, phần vì đã tròn trách nhiệm với thần linh phần, phần đây là một dịp hiếm hoi để tạm cất đi những lo lắng thường ngày để hòa vào những trò chơi dân gian như: cờ người, đánh đu, bắt chạch trong chum, thi nấu cơm. Lễ hội là một phần không thể thiếu của sinh hoạt văn hóa cổ truyền làng xã Việt Nam, đặc biệt là khu vực đồng bằng châu thổ Bắc bộ.
 
 
Các bậc cao niên chuẩn bị cho lễ hội từ sớm tinh mơ.
 
...Đến ngày nay
 
Mùa xuân, đến dự lễ hội của hai thôn Thuận Tốn và Đào Xuyên thuộc xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội là một trải nghiệm thú vị.
Lễ hội hai thôn Thuận Tốn và Đào Xuyên diễn ra từ ngày mồng 9 đến ngày 11 tháng hai Âm lịch hằng năm. Nét đặc trưng ở đây là sự liên kết trong hai làng trong tổ chức lễ hội, bởi theo thần tích thì hai vị thành hoàng của hai làng vốn là hai anh em. Thôn Thuận Tốn thờ người anh còn thôn Đào Xuyên thờ người em. Trước mỗi dịp lễ hội, các bậc cao niên trong làng lại quần tụ con cháu để kể về lai lịch cũng như sự linh ứng của hai vị: đình thờ hai vị thần là hai anh em Bát Bộ Ma Vương và Đại Ma Vương - đây là mỹ tự mà triều đình các giai đoạn phong cho hai ông, còn tên thật và sự tích như thế nào thì chưa có tài liệu nào nói rõ. Có một số truyền thuyết kể lại, sinh thời hai vị vốn là hai anh em học trò đi thi và trên đường về thì đột ngột ốm, rồi hóa tại thôn. Sau đó, do hai vị hiển linh, dân hai làng đã tôn các vị lên làm Thành hoàng. Điều này cũng được công nhận bởi triều đình thể hiện qua các sắc phong. Trong 15 đạo sắc phong thần có 10 sắc phong tặng cho vị Bát Bộ Ma Vương, sắc có niên hiệu sớm nhất là sắc Minh Mệnh thứ 2 (1821) và muộn nhất là sắc Khải Định thứ 9 (1924). Hiện còn 5 sắc phong tặng cho vị thần Đại Ma Vương, trong đó sắc sớm nhất là sắc có niên hiệu Cảnh Hưng thứ 28 (1767) và muộn nhất là Khải Định thứ 9 (1924). 
 
Ngày hội diễn ra với sự tham gia của mọi thành viên trong hai thôn, không kể già trẻ, trai gái. Từ trước đó, những thành viên tham gia rước kiệu đã được chọn lọc kĩ, và trong khoảng hai ngày trước chính hội, tại đình luôn tấp nập người ra vào chuẩn bị. Đến ngày hội, ai cũng hào hứng chờ đón màn rước kiệu - đặc biệt là cánh thanh niên. Điều kì lạ khi rước kiệu thường xuất hiện hiện tượng “kiệu bay”. Những lúc ấy, chiếc kiệu do bốn người khiêng lẽ ra phải thật nặng nề lại trở nên nhẹ và lướt đi nhanh như được thánh giáng. Kiệu lướt đến đâu, đám rước hò reo trợ oai đến đó. Năm nào mà kiệu thôn Thuận Tốn gặp kiệu thôn Đào Xuyên thì hội to hơn hẳn, người xem hội chạy vòng quanh, thậm chí cảm thấy hồi hộp khi chứng kiến hai chiếc kiệu to lớn quần thảo. Thật đúng là “Vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội”. 
 
 
 Một số hình ảnh ở lễ hội hai thôn Thuận Tốn và Đào Xuyên. 
 
Giá trị của bản sắc văn hóa
 
Giá trị di sản văn hóa phi vật thể cùng các thành tố vật thể cấu thành lễ hội là một nét đặc trưng trong đời sống tinh thần của người Việt. Đó là một kỉ niệm đẹp về thời kì khai làng mở nước, con người giao cảm, nương nhờ vào thiên nhiên để có đời sống ấm no nên có thái độ ứng xử rất nhân văn với tự nhiên, nhân cách hóa tự nhiên thành các vị Thần làng, Thành hoàng, Thổ địa, Thần mưa, Mẹ lúa... Lối sống khoan hòa ấy cần được gìn giữ, phát huy như một bản sắc riêng. Ngày nay, mặc dù trình độ khoa học kĩ thuật phát triển, kỉ nguyên của vũ trụ đã mở ra trước mắt nhân loại một tương lai không giới hạn, phần lớn các bí mật đều sáng tỏ và vai trò của các vị thần chỉ còn mang tính chất biểu tượng, song về bản chất, con người vẫn cần đến những chốn an ủi tinh thần cũng như sự giao cảm thông qua các sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Lễ hội cổ truyền là một kho tàng quý giá trong lịch sử văn hóa Việt Nam. 

 

 

Nguyễn Trọng Đức/GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...