THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 06:38

Lên rừng xuống biển khi hè về…

28/06/2020 | 11:34

Thú vị vườn quốc gia Cát Tiên

Nằm cách TP.HCM khoảng 160 cây số, đường đi khá thuận tiện, vườn quốc gia Cát Tiên có tổng diện tích gần 71.350 ha, nằm trên địa bàn 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước. Đi từ TP.HCM lên, sẽ vào rừng từ huyện Tân Phú ( Đồng Nai) bằng chuyến phà nhỏ qua con sông Đồng Nai.

  Qua phà qua sông Đồng Nai vào vườn quốc gia Cát Tiên

Vườn quốc gia Cát Tiên với không gian xanh trong lành, thảm thực vật phong phú với hàng trăm loài. Từ trung tâm của vườn quốc gia sẽ có xe đưa du khách đi tham quan cả khu rừng nhiệt đới xanh mướt từ các cây bằng lăng cổ thụ cho đến các loài phong lan đủ hương sắc, các loài dây leo rất lạ. Đặc biệt, ở đây có cây tung hơn 400 tuổi mà chỉ riêng một mảng bên hông cây đã cao khỏi đầu người. Đây là cây cùng loại với cây tung ở Angkor mà bộ rễ mọc choàng lên ngôi đền Ta Prohm được làm bối cảnh trong bộ phim nổi tiếng Bí mật ngôi mộ cổ của điện ảnh Hollywood. Ở đây cũng có nhiều cây trung quân mà lá của nó bộ đội dùng để lợp nhà trong kháng chiến do đặc tính không bị cháy do bom đạn…

Cây Tung 400 năm tuổi

Cây trung quân có lá không cháy dùng để lợp nhà

Rễ cây lâu năm chằng chịt như những chiếc võng trong rừng

Sau khi đi vào rừng ngắm thực vật thì khu vực Bến Cự sẽ là nơi nghỉ chân khá hấp dẫn với những tàn cây to bên bờ nước chảy róc rách. Vườn quốc gia còn có thác Mỏ Vẹt, thác Trời, thác Dựng.v.v…

Bến Cự

Giới thiệu các loại thực vật trong rừng Cát Tiên

Vào rừng

Bên cạnh thảm thực vật phong phú, đa dạng , vườn quốc gia Cát Tiên còn có vô số các loài động vật khác từ bướm cho đến cá sấu nước ngọt. Mỗi loài động vật được phân bổ thành từng khu vực như bàu cá sấu, bàu chim với nhiều loài chim quý như: Đuôi Cụt Bụng Vằn, Đuôi Cụt Cánh Xanh, Gà Tiền Mặt Đỏ, Gà Lôi Hông Tía.v.v…

Nếu đi hướng huyện Cát Tiên còn có khu văn hóa Óc Eo - được công nhận là khu di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia lưu giữ những hiện vật của vương quốc Phù Nam xưa, các hiện vật thờ: Linga – Yoni, Thần Phúc Ganesa, Thần Hủy Diệt ShiVa, Đấng Sáng Tạo Bradma…

“Đi bộ trên biển” thăm hải đăng cao và xưa nhất Đông Nam Á

Thăm thú ở vườn quốc gia Cát Tiên xong có thể đi về hướng biển của tỉnh Bình Thuận mà hải đăng Kê Gà – ngọn hải đăng cao và xưa nhất Đông Nam Á là một khám phá hấp dẫn. Mũi Kê Gà thuộc xã Tân Thành , huyện Hàm Thuận Nam, cách TP. Phan Thiết khoảng 30 km. Nơi đây yên ắng, không nhộn nhịp như biển Phan Thiết nhưng thanh bình , lý tưởng cho việc ngoạn cảnh. Muôn trùng những hòn đá tảng khổng lồ, lớn nhỏ chen xếp cạnh nhau được sóng biển vỗ vào bọt tung trắng xóa cùng với rất nhiều thuyền thúng nằm trên bờ tạo nên bức tranh biển diễm lệ. Phía bên kia bờ là đảo hòn Bà sừng sững ngọn hải đăng Kê Gà đã trơ gan cùng tuế nguyệt suốt 130 năm qua.

Mũi Kê Gà

Hải đăng Kê Gà

Hải đăng Kê Gà được người Pháp xây dựng năm 1899 cho thuyền bè làm định hướng qua lại. Hải đăng cao 35m, bên trong có 183 bậc thang dẫn lên đỉnh, nằm trên hòn đảo hòn Bà rộng khoảng 5ha. Cảnh vật mũi Kê Gà đã đẹp, cảnh nơi đây càng vạn phần đẹp hơn khi nhìn ra tứ hướng đều là biển xanh. Với hai hàng sứ cổ có tuổi đời hơn 100 năm, thân cây xù xì, uốn lượn đủ kiểu dáng dẫn lên ngọn hải đăng càng tạo nên không gian hoài cổ, huyền hoặc, xa vắng. Nghe kể rằng, khi xây ngọn hải đăng này đã có 82 người tử nạn ( chủ yếu là người châu Phi cùng với một người Việt) nên phía sau ngọn hải đăng vẫn còn ngôi miếu thờ cúng.

Những gốc sứ hơn trăm tuổi

Một góc hải đăng với niên đại 1899

Đặc biệt, điều ít ai biết là mỗi năm, vào các tháng 4,5 và 6 âm lịch, vào dịp rằm và 30 cuối tháng , đường ra hải đăng có thề “đi bộ”. Hiện tượng thiên nhiên này rất kỳ thú, nghĩa là ta có thể canh theo con nước lớn ròng, khi ra đảo có thể đi ca nô, thuyền thúng, đợt về , nước rút xuống, chỉ cần đi bộ trên mặt cát về phía bờ, nước chỉ cao tới bắp chân hoặc mắc cá chân (tùy thời điểm). Giai thoại kể rằng : ngày trước, khi phương tiện di chuyển ra đảo chưa phát triển, muốn sang đó, người lớn phải bơi ra hoặc đi trên bè không đảm bảo an toàn, trẻ em thì không thể vượt sóng giữa trùng khơi được, nên Trời xanh thương tình và “ưu đãi” cho các em nhỏ một năm ba tháng bằng cách rút nước xuống để các trẻ nhỏ có thể tung tăng đi bộ trên cát ra thăm đảo!

Du khách thích thú chụp ảnh với hải đăng Kê Gà

Vào con nước ròng dịp rằm và cuối các  tháng 4-5-6 âm lịch , khách có thể đi bộ trên biển khi nước ròng để vào bờ hoặc ra hải đăng.

 

Hồng Liên/GĐ&TE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...