THỨ TƯ, NGÀY 08 THÁNG 05 NĂM 2024 10:00

Lớp đạo diễn trẻ sẽ mang tới màu sắc mới cho sân khấu

06/05/2018 | 11:00

 
NSƯT Xuân Bắc và NSND Tự Long trong vở hài kịch thiếu nhi “Truyền thuyết ngọc rồng” - Chương trình hài kịch kết hợp hiệu ứng 3D khá ấn tượng và độc đáo. 

Không còn ranh giới giữa các loại hình sân khấu
 
Xu thế của sân khấu thế giới bây giờ là không còn ranh giới giữa các loại hình sân khấu. Tức là, trong kịch có thể múa, ca hát và diễn kịch. Hệ thống đào tạo diễn viên sân khấu các nước trên thế giới khá bài bản, người diễn viên sân khấu  rất đa tài, có thể hát opera, hát nhạc trẻ, nhảy dance…, để từ một tác phẩm sân khấu trong cùng một thời điểm, khán giả được thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. 
 
Tất nhiên, ở Việt Nam, làm được điều đó tương đối khó. Ngay bản thân khán giả Việt Nam đang quen với việc đến nhà hát để xem một vở kịch, nếu họ xem một lúc mà không thấy cười là họ chán nản. Do đó, để làm được một vở mang xu thế mới lạ, kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật với nhau, phải có thời điểm nhất định. 
 
 
Trong vở kịch “Sống tử tế”, điểm nhấn sáng tạo của đạo diễn Bùi Như Lai ở cách tạo dựng sân khấu thành hai phần riêng rẽ theo lối đồng hiện, đã nhận được sự khen ngợi của khán giả.
 
Khán giả trong tương lai sẽ yêu sân khấu hiện đại
 
Ở Nhà hát Tuổi trẻ, có nhiều đạo diễn đưa video art vào nghệ thuật. Có thể kể đến như vở “Mùa hạ cuối cùng” (tác giả: Lưu Quang Vũ) của NSƯT Chí Trung đưa máy chiếu clip vào đem lại hiệu ứng rất tốt. Nhưng hiện khán giả chỉ chấp nhận nó ở một chừng mực nào đó, và họ vẫn đang theo xu thế tả hết sức thực.
 
Đạo diễn Bùi Như Lai kể, có lần anh sang Áo xem một vở kịch về câu chuyện lịch sử thầy phù thủy Molie, nhưng các nhân vật ăn mặc hiện đại, phù thủy mặc comple, thắt calavát, hóa trang cực đẹp, cậu bé người rừng không nhất thiết phải “ăn lông ở lỗ” (theo lối tư duy của mình: PV). Và âm nhạc sống, luôn có ca sĩ ngồi một góc, khi nào cần ca khúc là chơi trực tiếp ngay, sân khấu đạt tới đẳng cấp như thế, và khán giả vui vẻ, hạnh phúc thưởng thức. Hiện nay, Nhà hát Tuổi trẻ cũng đã “bắt nhịp” với xu hướng sân khấu đương đại, với một lối diễn, lối kể chuyện hiện đại, đan xen trong kịch có các màn biểu diễn ca hát và có ban nhạc sống để hút khách.
 
Đạo diễn Bùi Như Lai cũng cho biết, trước đây, anh đã từng làm kịch đương đại không cần lệ thuộc vào cái gì. Đôi khi, sân khấu chỉ có mấy cái ghế, kết hợp âm nhạc, chuyển động, kịch đọc, diễn viên chỉ đứng đọc, không cần bục bệ, di chuyển, không cần âm nhạc, không cần cái gì hỗ trợ cả, và khán giả chấp nhận, nhưng đó là khán giả rất trẻ. Và tất nhiên, lời thoại, kịch bản phải cô đọng, không lan man, xây dựng mục tiêu, chủ đề phải rất rõ ràng để khán giả tiếp nhận được tốt nhất. 
 
"Tôi từng đưa đoàn tới diễn cho rất nhiều trường học để đưa nghệ thuật vào phát triển đời sống cảm xúc và giới trẻ nhiệt tình hưởng ứng. Tôi tin, trong một tương lai không xa, sân khấu sẽ đẳng cấp, bởi vì mọi hình thái phát triển của xã hội theo biểu đồ hình sin, có thăng, có giáng. Khi nó xuống điểm đáy rồi sẽ đi lên. Hiện giờ đang đi lên, mỗi thể loại đều có gương mặt trẻ, dám làm, dám nghĩ, sáng tạo, từ kịch đến cải lương, sân khấu truyền thống hay múa rối, múa đương đại. Họ dần khai phá cái hiện đại. Và tôi nghĩ, khán giả trong tương lai sẽ yêu sân khấu hiện đại" - đạo diễn Bùi Như Lai tỏ rõ hy vọng.


 
Vở kịch “Mùa hạ cuối cùng” (tác giả: Lưu Quang Vũ) được NSƯT, đạo diễn Chí Trung kết hợp sân khấu với điện ảnh, tạo nên đột phá về mặt hình ảnh, mang tinh thần hiện đại cho vở diễn.
 
Lợi thế khi đạo diễn sân khấu chuyển từ diễn viên sang
 
Có một số người e ngại về khả năng của lớp đạo diễn trẻ hiện nay, vì chủ yếu họ từ diễn viên chuyển sang làm đạo diễn nên chưa thể có nhiều tác phẩm. NSND Anh Tú - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết: “Hầu hết, các đạo diễn trẻ hiện nay đều được đào tạo chuyên ngành đạo diễn bài bản tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Không có lý do gì có thể ngăn họ không được sáng tác. Thời buổi “người khôn, của khó” về sân khấu, đạo diễn, biên kịch thiếu và yếu, sự xuất hiện của những đạo diễn được đào tạo chính quy, chuyên nghiệp là vô cùng cần thiết”.
 
Đánh giá về những lợi thế của lớp đạo diễn trẻ tại Nhà hát Kịch Việt Nam, NSƯT Hoàng Lâm Tùng cho rằng: Các đạo diễn trẻ may mắn được làm việc trong môi trường lớn, có nhiều đạo diễn “gạo cội” nên học hỏi được nhiều điều. Thêm vào đó, nhiều đạo diễn trẻ có quãng thời gian hoạt động nhất định trong sân khấu nên những điều cơ bản họ đều đã biết, vì vậy sẽ thuận lợi hơn. Tuổi đời của lớp đạo diễn trẻ cũng rất phù hợp để phát triển sân khấu kịch nói lâu dài. 
 
NSƯT Xuân Bắc - Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cũng cho rằng: Các đạo diễn trẻ muốn cất lên tiếng nói của mình một cách nghiêm túc nên không vội vàng phải có ngay tác phẩm. Chúng tôi muốn khi mình có tác phẩm đầu tiên thì phải là tác phẩm chọn lọc rồi, chứ không đơn thuần là các tác phẩm nhằm giải tỏa sự mông lung khi không có nghề nữa. Nghệ sĩ Xuân Bắc khẳng định, lớp đạo diễn trẻ chắc chắn sẽ mang tới một màu sắc mới cho sân khấu. Tuy nhiên, cần có thêm những chương trình để lớp đạo diễn trẻ được trổ tài và trau dồi thêm. 
 
 
Đạo diễn Bùi Như Lai.
 
“Sân khấu bây giờ đã đổi mới nhiều, không chỉ đơn thuần là kịch không thôi, mà kết hợp nhiều loại hình khác như nghe nhìn, video art… Đó mới là hướng đi sống còn của sân khấu, bởi vì, nếu sân khấu mãi cổ điển như trước đây thì sẽ không ai đến với sân khấu” - Đạo diễn Bùi Như Lai, Trưởng đoàn 1 Nhà hát Tuổi trẻ. 

Hồng Nga/TC GĐ&TE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...