CHỦ NHẬT, NGÀY 05 THÁNG 05 NĂM 2024 11:21

Ma túy học đường: Nghịch lý, hiểm họa, cách phòng chống

11/12/2018 | 11:25
 
Một buổi học ngoại khóa tuyên truyền về tác hại của ma túy. Ảnh minh họa (Internet)
     
Có hiểu biết, sao vẫn “vướng” vào ma túy?
 
Chỉ cần có trí tuệ bình thường, con người cũng biết được nếu “dây” vào ma túy, coi như tàn đời. Vì, tham gia buôn bán ma túy trái phép là phạm pháp - bị trừng phạt rất nặng nề; nghiện ma túy là “khuynh gia, bại sản”, kết cục là trại cai nghiện và bệnh tật; “dây” vào ma túy là mất hết bạn bè, người thân, trở thành gánh nặng cho xã hội. Là những người hiểu biết và có lòng tự trọng, ai cũng tìm cách tránh xa ma túy.
Ấy thế mà, theo thống kê  của Bộ Công an, cả nước hiện nay có gần 200.000 người nghiện, 70% trong số đó là những người trẻ tuổi - đang còn ở tuổi đi học, trong đó có hàng ngàn người đang là học sinh phổ thông. Đây rõ ràng là một nghịch lý, bởi vì chỉ cần đọc báo, nghe đài, xem tivi thì người ta đã biết sợ ma túy rồi. Vậy mà những người trẻ khỏe, có tri thức vẫn sử dụng ma túy. Đây là nỗi đau của gia đình, nhà trường và cả xã hội. 
 
Ngoài ra, những người làm công tác tuyên truyền, giáo dục phòng tránh ma túy cũng tỏ ra lúng túng vì công việc của mình chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Ma túy có tác hại to lớn và nhãn tiền như vậy, tại sao nhiều học sinh, sinh viên vẫn lao vào? Đây là câu hỏi cần có lời giải đáp.
 
“Ma hồn trận” ma túy và sự yếu kém của chúng ta
 
Trước hết, chúng ta phải thấy được rằng, với những kẻ làm ăn buôn bán phi pháp và muốn làm giàu nhanh chóng thì sản xuất và buôn bán ma túy mang lại lợi nhuận khổng lồ. Trước những món tiền lớn, một số người bất chấp mọi thứ, kể cả sinh mạng của mình; vì vậy, dù bị triệt phá ở khắp mọi nơi, việc sản xuất và buôn bán ma túy vẫn diễn ra rầm rộ. Thứ hai, khi đã nghiện ma túy, con người rất khó cai nghiện, khó từ bỏ việc sử dụng ma túy. Thứ ba, người sản xuất và kinh doanh ma túy cũng biết sử dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để không ngừng cho ra nhiều loại ma túy có sức hấp dẫn lớn. Theo danh mục của Bộ Công an, hiện nay có gần 100 loại ma túy khác nhau lưu hành trái phép trên thị trường. Đó là những loại ma túy tổng hợp tinh vi hay còn thô sơ; tên gọi của những loại ma túy này cũng vô cùng phong phú, đa dạng như “cỏ Mỹ”, bùa lưỡi, tem giấy, kẹo mút… Thứ tư, dù là những người có học, nhưng một bộ phận học sinh, sinh viên vẫn có lối suy nghĩ bồng bột, non nớt; các em dễ bị lôi kéo bởi thói ăn chơi đua đòi; dễ bị ảnh hưởng bởi lối sống gấp, lối sống hưởng thụ... Thứ năm, dù chúng ta đã cố gắng nhưng công tác quản lý, xuất nhập khẩu các chất ma túy, các chất độc dược có tính gây nghiện còn nhiều sơ hở, thiếu sót. Đấy là chưa kể có những kẻ lợi dụng vị trí công tác để buôn bán ma túy. Và cuối cùng là công tác tuyên truyền pháp luật về ma túy còn ít và kém sinh động, kém hiệu quả.
 
Ngoài ra, cũng cần phải thấy rằng, một số gia đình nuông chiều, đáp ứng quá đầy đủ các yêu cầu vật chất của con. Tổ chức Đoàn, Đội, nhà trường chưa thực sự là những nơi để các em có thể trao đổi, chia sẻ về quan điểm cuộc sống, tâm tư, hoài bão của mình. Một số em cảm thấy chơi vơi trước các hiện tượng tiêu cực của cuộc sống nên các em sử dụng ma túy để có cảm giác dễ chịu, để giải sầu, để quên đi những rắc rối mà mình gặp phải.
 
Theo số liệu của Bộ Công an, hiện nay cả nước có gần 200.000 người nghiện, 70% trong số này là những người trẻ tuổi, số học sinh phổ thông chiếm hàng ngàn. Đây là điều khiến nhiều người băn khoăn tới mức hoang mang.

 
Ảnh minh họa
 
Ma túy học đường diễn biến phức tạp, phòng chống ra sao?
 
Dù muốn, dù không, chúng ta cũng phải công nhận là ma túy đã len lỏi vào trường học, thậm chí đã trở thành trào lưu của một số nhóm học sinh, sinh viên. Việc đã có những em tổ chức sinh nhật bằng “tiệc ma túy” đã nói lên điều đó. 
 
Để phòng chống ma túy học đường, trách nhiệm đầu tiên thuộc Ngành Giáo dục. Ngành Giáo dục phải sử dụng “vũ khí đặc chủng” của mình là tuyên truyền và giáo dục. Các thầy cô kết hợp với tổ chức Đoàn, Đội biến hoạt động tuyên truyền về tác hại của ma túy thành hoạt động thường xuyên trong nhà trường. Cần làm cho hoạt động này sinh động, hấp dẫn.
 
Lãnh đạo nhà trường cần kết hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để tăng cường công tác đảm bảo an ninh trường học. Nói một cách ngắn gọn, dễ hiểu: Không để cho các loại ma túy lọt vào trong trường học. Trường học hiện nay đã được xây dựng khu biệt, lại kín cổng, cao tường nên khá thuận lợi trong việc kiểm soát ma túy.
 
Thắt chặt quan hệ giữa nhà trường và gia đình để tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của từng học sinh là điều vô cùng cần thiết trong cuộc chiến phòng chống ma túy học đường. Thực tế chỉ ra rằng, con em của những gia đình khá giả và những học trò cá biệt dễ “dây” vào ma túy. Nắm bắt được những đối tượng này, nhà trường sẽ có những biện pháp phù hợp, hiệu quả.
Để con em chúng ta khỏe mạnh cả về tâm hồn lẫn thể chất, nhà trường cần thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc phòng chống ma túy học đường.
 
Ma túy có tác hại to lớn và nhãn tiền, tại sao nhiều học sinh, sinh viên vẫn lao vào? Đây là câu hỏi cần có lời giải đáp.

Nguyên Hồ/Tc GĐ&TE

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.