CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 09:21

Mái tóc của con

26/08/2020 | 09:42
 
1.Giờ trưa, mẹ nhận được điện thoại của con: Mẹ cho con làm một chút mái (tóc mái) nhé! Ba đứa thân nhau chúng con cùng làm, các bạn được bố mẹ đồng ý rồi ạ, con đã hỏi bố, bố con bảo hỏi mẹ xem sao.
 
Qua điện thoại, mẹ nói với con, để chiều tối cả nhà mình thống nhất nhé. Mẹ biết lần này con có vẻ không được vui.
 
Làm sao để phân định được giữa rộng lượng và nuông chiều? Rộng lượng, chăm chút sở thích của con là đáp ứng mọi đòi hỏi của con? Yêu thương con là để con muốn nói gì thì nói, thích làm gì thì làm? Làm sao để trong yêu thương vẫn có giới hạn. Yêu thương con là con được quyền lấn lướt? Yêu thương con là phải thỏa hiệp với những điểm chưa được ở con? Một thời gian, không ít lần bố mẹ thường trách nhau, khi thì bố trách mẹ nuông chiều con, lúc thì ngược lại. Những chuyện có khi rất nhỏ, từ đồ ăn, quần áo mặc của con hay những sinh hoạt, giải trí... mà bố mẹ quan niệm khác nhau. Sau mỗi lần như thế, lúc bình tĩnh, bố mẹ rút ra bài học kinh nghiệm: Sự nuông chiều của cha mẹ chính là thương yêu, chiều chuộng. Cha mẹ nuông chiều con sẽ thường đáp ứng gần như toàn bộ những gì mà con trẻ yêu thích, mong muốn, chẳng hạn như đi du lịch, mua đồ chơi, quần áo… Sự nuông chiều quá mức có thể làm cho trẻ có tâm lý ỷ lại, thiếu trách nhiệm, đôi khi ương bướng, nhõng nhẽo, không nghe lời.
 
Để rồi, nhà mình cùng thống nhất là mọi việc cần bàn bạc và đưa đến thống nhất, đặc biệt là nuôi dạy con. Nếp nhà thế, nên mỗi việc gì con đều hỏi cả bố lẫn mẹ. 

                                                                                                     
Ảnh minh họa
 
Chuyện con xin làm lại mái tóc, khiến mẹ nhớ đến tâm sự của một người bố có con gái vào tuổi vị thành niên: Mấy tháng nay rồi, con gái cứ kì kèo xin bố cho xỏ khuyên mũi. Mình chưa bao giờ từ chối ý thích của nó, nhưng lần này băn khoăn quá. Chỉ sợ đó là một ý thích ngông cuồng của trẻ con, rồi về sau lại ân hận cũng khó làm lại. Xỏ lỗ hay xăm mình không như nhuộm tóc xanh đỏ, nghịch xong rồi nhuộm lại. Nó sẽ để lại dấu vết trên cơ thể, khó mà xóa đi được, lại còn đau và nguy cơ nhiễm trùng nữa. Con cứ thuyết phục mãi, nào là hồi bé con nghịch, ngã xe đạp sứt chân tay rồi nó vẫn lành lại đấy thôi. Nào là cái lỗ này nó kín ở trong mũi, không đeo khuyên thì cũng không ai nhìn thấy. Nào là nó như lỗ khuyên tai thôi mà, lâu mà không đeo thì nó cũng liền lại... Cuối cùng thì mình đã đồng ý, không phải vì bị nó thuyết phục mà chỉ muốn câu giờ để kiểm tra xem sau một thời gian nó có từ bỏ ý thích đó hay không. Nó vẫn không thay đổi thì mình yên tâm, đó là ý thích thực sự chứ không phải là đua đòi. Cũng là vì mình hiểu quan niệm về cái đẹp, về trang sức của bọn trẻ sẽ khác với thế hệ mình. Cái mà mình cho là nghịch mắt thì chỉ nghịch với thế hệ mình thôi, chứ với bọn trẻ là bình thường. Và điều cuối cùng, mình hiểu là nó chỉ phải xin bố vì nó muốn làm điều đó sớm hơn 1 năm, chứ năm sau nó đã đủ 18 tuổi thì mình có muốn cấm cũng chẳng được khi đã là ý thích của nó và không hại gì đến ai cả. 


Ảnh minh họa
 
2. Cuộc sống thật hạnh phúc kể từ khi được làm cha mẹ. Trên tất cả những lo lắng, phiền muộn, bạn yêu thương và nâng niu đứa con của mình hơn bất cứ điều gì mà mình có. Nhưng suy cho cùng thì yêu thương cũng là cả một nghệ thuật và cha mẹ cần phải yêu thương con đúng cách. Sự yêu thương phù hợp không những giúp tư duy của trẻ phát triển tốt mà còn giúp hình thành nhân cách tốt trong trẻ. 
 
Sự rộng lượng của cha mẹ đối với con cái là không ích kỷ, gây khó khăn, áp đặt đối với con. Cha mẹ sẽ cho phép con làm theo ý thích của mình trong phạm vi có thể. Sự rộng lượng sẽ giúp trẻ có ấn tượng tốt đẹp đối với cha mẹ và sẽ vâng lời hơn.
 
Là cha mẹ, rất cần phải phân biệt sự khác nhau giữa rộng lượng và nuông chiều con cái. Theo một số quyển sách nói về việc nuôi dạy trẻ thì: Nuông chiều có nghĩa là bao bọc, bảo vệ con cái quá mức, cung cấp vật chất cho con quá nhiều nhưng lại dựa trên suy nghĩ chủ quan của bản thân rằng cái đó trẻ thích, cái đó trẻ cần mà không xuất phát từ suy nghĩ của con trẻ. Khi trẻ muốn mua toàn bộ số đồ chơi mà trẻ yêu thích, nếu cha mẹ đáp ứng theo hoàn toàn thì đó chính là sự nuông chiều. Khi dây giày của trẻ bị tuột, trẻ có thể tự buộc lại, nhưng cha mẹ lại làm việc đó thay trẻ, không để trẻ tự làm, như vậy gọi là nuông chiều. Sự nuông chiều này vô tình đã cướp đi của trẻ cơ hội để phát huy tính tự lập.
Trên đường đi làm về chiều nay, chuyện con xin làm lại mái tóc khiến mẹ suy nghĩ, vừa mừng vì con đã biết làm đẹp cho mình, nhưng lo, sợ nhà mình không đưa ra sự thống nhất. Làm sao để con không thất vọng khi ý thích của mình không nhận được sự đồng ý? Nhưng mẹ tin con vẫn vui trong hạnh phúc được làm con của bố mẹ kể cả có nhận được sự đồng ý hay không.
 Nuông chiều có nghĩa là bao bọc, bảo vệ con cái quá mức, cung cấp vật chất cho con quá nhiều nhưng lại dựa trên suy nghĩ chủ quan của bản thân rằng cái đó trẻ thích, cái đó trẻ cần mà không xuất phát từ suy nghĩ của con trẻ.
 

Thành Sơn/GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...