THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 06:27

Mang thai an toàn – Sinh con khỏe mạnh

20/11/2020 | 10:50

Một lớp học tiền sản tại Kisds Plaza. Ảnh: Kisdsplaza


Lên kế hoạch sinh con


Nếu chưa sẵn sàng có con ngay sau khi kết hôn, các cặp vợ chồng trẻ nên áp dụng các biện pháp tránh thai an toàn như sử dụng bao cao su cho nam hoặc nữ, dán miếng ngừa thai, uống thuốc tránh thai, cấy que tránh thai…


Khi đã sẵn sàng để thụ thai, cả hai vợ chồng cần có sự chuẩn bị tốt về sức khỏe và tâm lý để em bé sinh ra được khỏe mạnh và chăm sóc tốt nhất.


Để chuẩn bị sức khỏe trước khi mang thai, bạn nên đi khám tiền sản. Bác sĩ sẽ tìm hiểu về tiền sử bệnh của vợ chồng và gia đình hai bên, các loại thuốc mà bạn đang sử dụng… Có thể bạn phải ngưng uống một số thuốc làm ảnh hưởng đến việc thụ thai. Bác sĩ sẽ cho biết bạn nên ăn những gì trước khi mang thai, nên tập thể dục như thế nào, tiêm phòng các loại vắc-xin nào. Cụ thể, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần tiêm phòng uốn ván; tiêm phòng cúm, sởi, rubella trước khi mang thai ít nhất 3 tháng. Thời gian mang thai tránh để nhiễm cúm, viêm gan B, sởi, quai bị, rubella... vì những bệnh này có thể làm tăng nguy cơ mắc dị tật ở thai nhi.


Bác sĩ sẽ đưa ra các khuyến cáo như bỏ rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện vì chúng có thể khiến người phụ nữ sinh non, sẩy thai hoặc trẻ sinh ra nhẹ cân. Nam giới nếu hút thuốc lá nhiều, số lượng tinh trùng sẽ thấp, hút thuốc lá làm ảnh hưởng đến khả năng thụ thai.


Phụ nữ cần khám phụ khoa định kỳ trước và trong thời gian có thai để kịp thời phát hiện các bệnh lý, viêm nhiễm đường sinh sản, ảnh hưởng đến khả năng mang thai và sự phát triển của thai nhi.


Bác sĩ cũng có thể đề nghị bạn đến gặp bác sĩ chuyên khoa nếu bạn bị tim mạch, đái tháo đường, hen suyễn hay huyết áp cao, các bệnh lý gan, thận. Các chứng bệnh này cần phải được kiểm soát trước khi mang thai. Nếu trước đây bạn ít khi đi khám sức khỏe, bác sĩ sẽ đề nghị bạn xét nghiệm máu và pap smear (xét nghiệm tế bào cổ tử cung) để phát hiện các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Ngoài ra, các bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm các kiểm tra di truyền để đảm bảo đứa trẻ sinh ra không bị mắc các bệnh lý nghiêm trọng về di truyền.


Sức khỏe của thai phụ quyết định đến sự phát triển của thai nhi. Nếu không có sức khỏe tốt, chế độ dinh dưỡng phù hợp, thai nhi có thể bị suy dinh dưỡng, sinh non, sảy thai... Do đó, chăm sóc sức khỏe, chuẩn bị dinh dưỡng trước và trong khi mang thai là vấn đề vô cùng quan trọng.
Bữa ăn hàng ngày của thai phụ cần được cung cấp đủ 4 nhóm thực phẩm: đạm, mỡ, vitamin, đường, muối khoáng. Bổ sung muối i-ốt trong bữa ăn hàng ngày. Ăn nhiều thực phẩm giàu sắt và axit folic

.
Thai phụ cần tránh làm việc quá sức, làm việc nặng vì có thể ảnh hưởng đến thai nhi, tăng nguy cơ sảy thai. Cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi, tránh căng thẳng. Tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại. Tránh uống thuốc kháng sinh và một số loại thuốc khác.

Mẹ bầu cần có chế độ ăn uống lành mạnh để mẹ khỏe, con khỏe. Ảnh: KT


Chuẩn bị kiến thức làm cha mẹ và chăm sóc con


Phụ nữ trước khi có thai và trong quá trình mang thai cần tìm hiểu kỹ các kiến thức và kỹ năng làm mẹ, chăm sóc con để không bị bỡ ngỡ. Các ông chồng nên đồng hành cùng vợ trong các lớp tiền sản hoặc các hội thảo về chăm sóc thai nhi, chăm sóc trẻ sơ sinh. Đưa vợ đi khám thai định kỳ, chăm sóc hỗ trợ vợ, không để vợ phải lo lắng, phiền muộn hay làm việc quá sức.


Sau khi có con, cuộc sống của gia đình bạn chắc chắn sẽ bị xáo trộn. Bạn phải chuẩn bị sẵn tâm lý là mình sẽ không còn thời gian rảnh rỗi cafe, shopping thường xuyên cùng bạn bè mà thay vào đó là thời gian dành cho con. Những khi con quấy khóc, ốm đau, thức đêm… làm cho cả bố và mẹ đều cảm thấy rất mệt mỏi, áp lực. Những điều này ảnh hưởng rất nhiều đến công việc và sinh hoạt hàng ngày của vợ chồng bạn. Nếu như cả hai vợ chồng chưa có sự chuẩn bị trước về mặt tâm lý sẽ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm sau sinh. Vì vậy, trước hết bạn cần chuẩn bị các kiến thức cơ bản về việc chăm sóc trẻ sơ sinh. Có thể tham khảo một vài cuốn sách về cách nuôi dạy con hoặc hỏi thăm bạn bè và người thân đang nuôi con nhỏ. Đồng thời hãy giữ mối liên hệ thân thiết với bạn bè, đồng nghiệp vì đó là những người có thể chia sẻ buồn vui, giải tỏa căng thẳng và mệt mỏi cùng bạn.


Chăm sóc mẹ và bé sau sinh


Sau sinh, bạn nên tiếp xúc da kề da với con và cho con trẻ bú sữa mẹ càng sớm càng tốt. Cố gắng nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, tiếp tục duy trì cho con bú bên cạnh việc cho con ăn dặm, ăn cháo cho đến khi trẻ đủ 24 tháng tuổi.


Khi sản phụ về nhà, các gia đình nên bố trí phòng ở của sản phụ sao cho thoáng, sạch và đồ đạc hợp lý, tránh tạo môi trường cho vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi.


Các bà mẹ sau sinh cần ăn đa dạng các nhóm thực phẩm khác nhau để có đầy đủ dinh dưỡng giúp cơ thể tạo sữa tốt hơn. Nên uống nhiều nước, uống nước ấm, không ăn quá mặn hoặc quá ngọt, hay quá chua hoặc quá cay.


Khám sàng lọc sơ sinh, tầm soát thính lực sơ sinh, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cho trẻ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.


Thường xuyên theo dõi chiều cao và cân nặng của trẻ. Bé sơ sinh có thể tăng từ 1 – 1,2kg/tháng trong 3 tháng đầu. Càng về sau, cân nặng của bé sẽ càng tăng chậm, khoảng 600gr mỗi tháng trong giai đoạn bé từ 4-6 tháng tuổi và khoảng 300 - 400gr trong giai đoạn sau đó. Trong vòng 12 tháng, chiều dài của trẻ có thể tăng 1,5 lần và chu vi vòng đầu tăng 11cm. Nếu con bạn tăng chiều cao và cân nặng quá chậm, bạn có thể tham khảo ý kiến của các bác sĩ nhi khoa hoặc dinh dưỡng.


Thường xuyên theo dõi thân nhiệt cho trẻ, nếu nhiệt độ trên 38 độ, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.


Chăm sóc sức khỏe của mẹ và bé sau sinh cũng quan trọng không kém thời kỳ mang thai. Đây là lúc người phụ nữ cần được nghỉ ngơi để phục hồi cơ thể toàn diện và cũng là bước đệm quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ sau này.

Bình Yên/TC GĐ&TE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.