THỨ SÁU, NGÀY 17 THÁNG 05 NĂM 2024 09:48

Một số giải pháp để công tác cai nghiện thực sự hiệu quả

30/10/2019 | 14:32

 

Thay đổi từ nhận thức


Hiện nay, việc cai nghiện ở các quốc gia trên thế giới không quan tâm đến tỷ lệ tái nghiện, không đưa tỷ lệ tái nghiện vào chỉ tiêu thống kê, không lấy đó là thước đo hiệu quả của cai nghiện. Vì là một loại bệnh tâm thần, muốn hay không thì tái sử dụng ma túy thường xuyên diễn ra. Cái mà họ quan tâm nhất là làm sao chăm sóc sức khỏe, phục hồi toàn diện cho người nghiện trên cơ sở xây dựng một chương trình cai nghiện bài bản, khoa học về tổ chức và chuyên môn. Thành công của cai nghiện là một quá trình không thể tính số lần điều trị, không kể thời gian bao lâu, miễn sao sau mỗi lần điều trị, người nghiện có tiến triển tốt về sức khỏe, tâm lý, hành vi… Ví dụ, sau mỗi lần cai nghiện, sức khỏe tâm thần người nghiện tốt hơn lần cai trước, sức khỏe thể trạng nâng cao, các bệnh mãn tính và bệnh cơ hội thuyên giảm, các hành vi bạo lực giảm, tần suất sử dụng ma túy giảm, số lần sử dụng bơm tiêm chung giảm, dần nhận thức được những giá trị của cuộc sống về đạo đức, các mối quan hệ gia đình, xã hội, coi trọng lao động, công việc… Sự phục hồi cao nhất là những người hòa nhập cộng đồng tốt đẹp như có gia đình hạnh phúc, tham gia công tác xã hội, có việc làm thu nhập ổn định, tham gia các hoạt động giúp đỡ người nghiện ma túy… Đó mới chính là bản chất, hiệu quả của cai nghiện. Người cai nghiện được phục hồi tốt sẽ giảm và kéo dài thời gian không tái sử dụng hoặc có thể đoạn tuyệt với ma túy.


Đã đến lúc chúng ta cần hòa nhập với nhận thức và thực tiễn cai nghiện của thế giới để thống nhất từ nhận thức đến hành động.

 
Học viên cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện số 1 Thanh Hóa. Ảnh T.Vân


Cai nghiện là quá trình phục hồi


Không hiểu cai nghiện là quá trình phục hồi, chỉ nghĩ về tỷ lệ tái nghiện sẽ dẫn đến sự nóng vội và ngự trị của nhận thức và phát ngôn như: "không thể cai nghiện được", "đã chi quá nhiều ngân sách cho cai nghiện trong nhiều năm nhưng tỷ lệ tái quá cao, cần xem lại có nên chi nhiều kinh phí nữa không"… Điều đó để lại nhiều hệ lụy không tốt như: Dẫn đến sự đau đớn, lo sợ, buông xuôi của những gia đình có người nghiện; Làm cho nhân dân thiếu tin tưởng, hoài nghi vào công tác cai nghiện của Nhà nước, từ đó tăng tính kỳ thị, hạn chế tham gia vào công việc "Cộng đồng chung tay giúp đỡ người nghiện ma túy"; Làm cho cán bộ làm nhiệm vụ cai nghiện hoang mang vào công việc của mình.


Thứ hai, tác động trực tiếp đến công tác hoạch định chính sách, đầu tư nguồn lực. Việc hoài nghi giá trị cai nghiện hoặc đơn giản hóa nghiệp vụ chuyên môn dịch vụ cai nghiện dẫn đến đầu tư cho cai nghiện nếu không lạc hướng, xa rời thực tiễn thì cũng chi li, dè dặt quá thấp so yêu cầu chính đáng của công tác này.


Nhiều cơ sở cai nghiện chật hẹp, xuống cấp, trang thiết bị nghèo nàn không được đầu tư, không có gì để đảm bảo thực hiện chuyên môn. Một cán bộ phải phụ trách số lượng học viên quá lớn, không thể đảm bảo thời gian, chất lượng hoạt động, chế độ đãi ngộ thấp đối với nhiệm vụ đặc thù nên không thu hút được cán bộ trình độ, năng lực.


Tại cộng đồng, kinh phí đầu tư cho cai nghiện quá hạn hẹp, có khi không đủ cho mỗi người nghiện được cai một lần chứ không nói cai nhiều lần và để thực hiện các biện pháp xã hội. Có thể nói, đầu tư cho cai nghiện cộng đồng hiện nay mang tính chất phong trào hơn là đầu tư cho chuyên môn cai nghiện.


Tiếp đó, gây ra sự tách rời, đùn đẩy trách nhiệm giữa cơ sở cai nghiện và cộng đồng trong việc phục hồi cho người nghiện. Chính quyền cơ sở cho rằng tái nghiện cao nguyên nhân chính do cơ sở cai nghiện "làm ăn không đến đầu đến đũa". Trách nhiệm của địa phương là theo dõi, nắm tình hình và "đã làm hết sức mình". Cần lưu ý rằng, cai nghiện là quá trình "lâu dài", đồng thời, các "biện pháp xã hội" chủ yếu thực hiện tại cộng đồng. Cộng đồng là phần quan trọng hữu cơ của quy trình cai nghiện. Chính cộng đồng, nơi người cai nghiện trở về cọ sát với cuộc sống, với các "biện pháp xã hội" được gia đình, chính quyền thực hiện một các có trách nhiệm thực sự, sẽ là "cái nôi" giúp họ hồi phục hoàn toàn. Chính quyền cơ sở cần phải thấy trách nhiệm nặng nề của mình khi báo cáo tỷ lệ tái nghiện 100%.


Ngoài ra, vì không được đầu tư nguồn lực cần thiết, cấp trên không hiểu tác dụng cai nghiện, giá trị của phục hồi, chỉ chăm chú vào "hạ thấp" tỷ lệ tái nghiện để báo cáo trong các hội nghị nên cán bộ cơ sở cai nghiện có khi không còn chú tâm nâng cao chất lượng hoạt động phục hồi, coi cai nghiện là một công việc hành chính khô cứng. Điều này cũng tạo ra sự thiếu trung thực trong thống kê báo cáo kết quả cai nghiện cả ở cộng đồng để đáp ứng mong muốn của những người muốn cai là "ăn ngay".


Học viên cai nghiện tham gia lao động, sản xuất. Ảnh T.Vân


Từ nhận thức đến hành động


Để thực sự đổi mới công tác cai nghiện, để cai nghiện đi đến đích thì việc đầu tiên là đổi mới nhận thức. Từng cán bộ có trách nhiệm phải thấm nhuần bản chất, tác dụng, hiệu quả của cai nghiện. Làm sao giữa cán bộ chiến lược lãnh đạo, quản lý với cán bộ chuyên môn cai nghiện cùng chung một tiếng nói, không có ý kiến ngược dòng, không nghi ngờ về tác dụng, hiệu quả cai nghiện.


Mạng lưới cơ sở, dịch vụ cai nghiện cần phải được đầu tư, kiện toàn lại cán bộ, cơ sở vật chất, thực sự là "máy cái" trong việc phục hồi cho người nghiện với một bộ máy hoàn hảo, hoạt động có chất lượng, lấy điều trị sức khỏe, tâm lý làm trọng tâm hoạt động, lấy chuẩn Quốc tế về điều trị nghiện làm mục tiêu vươn tới. Xây dựng và thực hành các bộ công cụ đánh giá, chỉ số phục hồi của người nghiện qua mỗi lần cai nghiện. Mối quan hệ thực hiện quá trình phục hồi giữa cơ sở cai nghiện và chính quyền nơi người nghiện trở về cần phải quy định chặt chẽ trong các văn bản pháp luật có tính bắt buộc.


Thay đổi căn bản, cần coi cộng đồng là một trọng tâm của quy trình cai nghiện, của quá trình phục hồi. Nhưng sẽ chẳng thể làm gì với nguồn ngân sách hạn hẹp trong khi cơ chế huy động các nguồn khác thiếu tính thực tiễn "được chăng hay chớ", nguồn nhân lực cho cai nghiện chắp vá, kiêm nhiệm, không có cán bộ chuyên trách, không có chuyên môn.


Thực tiễn đã có nhiều mô hình được đánh giá hiệu quả, là điểm sáng của công tác cai nghiện cần được nhân rộng như: mô hình xây dựng cơ sở cai nghiện thân thiện; mô hình kết nối cơ sở cai nghiện và cộng đồng; mô hình hỗ trợ tư vấn, chuyển gửi, giúp người cai nghiện cộng đồng; mô hình huy động các tổ chức phi chính phủ giúp người cai nghiện; mô hình thành lập và bảo trợ các câu lạc bộ, tổ nhóm người cai nghiện giúp đỡ lẫn nhau; mô hình Đội công tác xã hội tình nguyện giúp đỡ người cai nghiện… Chương trình dự phòng nghiện và Tòa án ma túy mới nhen nhóm nhưng đã phát huy hiệu quả cần được đúc kết triển khai rộng rãi.


 

Lê Hiền/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

7 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.