THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 12:28

Một số giải pháp phòng chống bạo lực trên cơ sở giới trong đại dịch COVID-19

30/09/2020 | 10:31

Gần 90% phụ nữ không tìm kiếm sự trợ giúp từ bất cứ dịch vụ hỗ trợ nào. Ảnh minh họa: Trương Việt Hùng
 

Nhiều người không biết xử lý ra sao khi bị bạo lực gia đình (BLGĐ), bạo lực trên cơ sở giới (BLG)

Ở nước ta, mặc dù Đảng, Nhà nước đã quan tâm nhiều tới việc phòng, chống BLGĐ, BLG và ban hành những quy định điều chỉnh về lĩnh vực này nhưng tình trạng bạo lực vẫn rất phức tạp. Bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới trở thành vấn nạn của xã hội, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, tác động xấu đến cả thể chất và tinh thần, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em.

Theo thống kê chưa đầy đủ, bình quân mỗi ngày ở nước ta có 64 phụ nữ, 10 trẻ em và 7 người cao tuổi là nạn nhân của BLGĐ. Còn điều tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy: Nguyên nhân trực tiếp chủ yếu làm nảy sinh hành vi bạo lực giữa vợ và chồng là do người chồng nghiện rượu, say rượu (khoảng 60%). Những gia đình này thường có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu hiểu biết về pháp luật, công việc không ổn định.

Bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), cho biết: “Trong quãng thời gian dịch Covid-19 xảy ra, khi cả nước thực hiện cách ly xã hội, tổng đài ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã tiếp nhận 347 cuộc gọi của những phụ nữ cần hỗ trợ, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2019. Phòng tham vấn tiếp nhận 511 người đến tham vấn trực tiếp, tăng 48%; 72 phụ nữ đến các "ngôi nhà bình yên" ở Hà Nội và Cần Thơ trong thời gian này, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2019. Ví dụ, ngày 1/4/2020, cả nước bắt đầu thực hiện cách ly xã hội thì ngày 3/4/2020, nhân viên Trung tâm Phụ nữ và Phát triển đã hỗ trợ khẩn cấp, giải cứu 3 mẹ con bị BLGĐ đến Ngôi nhà Bình yên.

Trung bình mỗi tháng, tổng đài Đường dây nóng miễn phí 1800 1769 của Ngôi nhà Ánh Dương tại Quảng Ninh tiếp nhận khoảng 100 cuộc gọi thông tin, báo cáo các ca bạo lực trên cơ sở giới và cung cấp tư vấn qua điện thoại các vấn đề về bạo lực trên cơ sở giới. Theo chị Nguyễn Thị Như Quỳnh – nhân viên tư vấn tổng đài, trong thời gian dịch bệnh COVID-19, số cuộc gọi đến đường dây nóng nhiều hơn do phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ bị bạo lực cao hơn.

Cũng như rượu, ma túy hay các chất kích thích khác, Covid - 19 ko phải là nguyên nhân của bạo lực trên cơ sở giới mà chỉ là tác nhân thúc đẩy hành vi bạo lực xảy ra với cường độ và mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Cần phải khẳng định rằng, nguyên nhân gốc rễ của bạo lực trên cơ sở giới là bất bình đẳng giới và định kiến giới về vai trò của nam và nữ trong xã hội.

Điều đáng nói, có tới 1/3 số gia đình mỗi khi xảy ra vấn đề bạo lực thường không biết xử lý ra sao. Khoảng 25% số gia đình khi được hỏi cho rằng đây là việc riêng của mỗi nhà, hàng xóm không nên can dự vào. Gần như tất cả phụ nữ (90,4%) bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục đã không tìm sự giúp đỡ từ các đơn vị cung cấp dịch vụ chính thức, chủ yếu là do sợ bị tai tiếng, kỳ thị và phiền hà. Điều này cho thấy bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam vẫn còn bị che giấu và kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ Việt Nam năm 2019 mới được công bố đã cho thấy những câu chuyện chưa được kể này, từ đó chúng ta có thể hành động kịp thời để ngăn chặn và xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.

Thực tế, nhiều phụ nữ vẫn có nguy cơ cao bị bạo lực. Tình trạng bạo lực với phụ nữ vẫn được che giấu do định kiến giới còn khá phổ biến trong xã hội. Sự im lặng, kỳ thị của cộng đồng và “văn hóa đổ lỗi” là những rào cản khiến người bị bạo lực không dám lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ là nhận định của nhiều chuyên gia về giới và bình đẳng giới.

Điều tra năm 2019 cho thấy, bạo lực đối với phụ nữ gây ra những tổn thương về tinh thần, suy giảm sức khỏe, căng thẳng lâu dài và ám ảnh suốt cuộc đời. Đặc biệt đối với những phụ nữ mang thai có nguy cơ bị đánh đập, đấm hay đạp trong thời kỳ mang thai thường dẫn đến nguy cơ bị sẩy thai, thai chết lưu và nạo phá thai. Trẻ em cũng là nạn nhân của bạo lực khi sống trong gia đình có người mẹ bị đánh đập với những nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của trẻ. Có thể nói, bạo lực đối với phụ nữ đang có diễn biến xấu, gây nhức nhối trong xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em.

Tổng đài tư vấn miễn phí Ngôi nhà Ánh Dương. Ảnh H. Thanh
 

Với sự hỗ trợ của UNFPA, Cơ quan hợp tác phát triển Hàn Quốc - KOICA, mới đây, Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai thí điểm Mô hình một cửa cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại tỉnh Quảng Ninh với tên gọi “Ngôi nhà Ánh Dương”.

Mô hình Ngôi nhà Ánh Dương tiếp nhận, cung cấp hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của mọi hình thức bạo lực tại một đầu mối. Tại đây cung cấp các dịch vụ thiết yếu hoàn toàn miễn phí, 24/7 cho các nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới, bao gồm hỗ trợ tư vấn, tham vấn qua đường dây nóng và tại văn phòng, xây dựng kế hoạch trợ giúp, cung cấp nơi tạm lánh an toàn trong trường hợp khẩn cấp, chăm sóc và hỗ trợ y tế, chuyển tuyến và kết nối hỗ trợ tư pháp. Bên cạnh đó, Ngôi nhà Ánh Dương cũng hỗ trợ trang bị kỹ năng sống, kết nối dạy nghề và tạo việc làm, kết nối chuyển gửi để hòa nhập cộng đồng… cho các nạn nhân. Các dịch vụ được cung cấp tại Ngôi nhà Ánh Dương dựa trên nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm, nạn nhân được đối xử tôn trọng, bình đẳng và được bảo mật về thông tin.

Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTBXH) cho biết, việc mở các cơ sở hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới như Ngôi nhà Ánh Dương là điều hết sức cần thiết – đó sẽ là địa chỉ an toàn cho những người bị bạo lực trên cơ sở giới. “Chúng tôi hy vọng rằng việc mở cửa Ngôi nhà Ánh Dương sẽ đóng góp hiệu quả vào nỗ lực chung của chúng ta trong việc ngăn ngừa và ứng phó hiệu quả với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam”, ông Tiến bày tỏ.


Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết: Cho dù bạo lực xảy ra ở đâu, dưới hình thức nào hay ai bị ảnh hưởng đều phải được ngăn chặn. Ảnh: T. Vân


Cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết: Cho dù bạo lực xảy ra ở đâu, dưới hình thức nào hay ai bị ảnh hưởng đều phải được ngăn chặn. Chúng ta cùng phối hợp để xây dựng một thế giới mà ở đó nam giới và phụ nữ, trẻ em trai và trẻ em gái đều được hưởng cuộc sống bình đẳng, an toàn, không có bạo lực. Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một trong ba chương trình nghị sự mang tính chuyển đổi mà UNFPA cam kết đạt được trên toàn cầu. “Ở Việt Nam, UNFPA đã đồng hành cùng với Chính phủ và các cơ quan liên quan trong hơn một thập kỷ hướng tới chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ. Chúng tôi đánh giá cao Việt Nam vì cam kết đạt được tầm nhìn này”, bà Naomi Kitahara chia sẻ.

“Đẩy lùi Covid-19: Cách thức bảo vệ quyền và sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái trong bối cảnh hiện tại” là chủ đề được Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) chọn cho Ngày Dân số Thế giới (11-7) năm nay. Bởi theo Tổ chức này, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng và nghiêm trọng đến tất cả quốc gia trên thế giới, tới tất cả mọi người, trong đó, phụ nữ và trẻ em gái là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Để ngăn chặn tình trạng BLGĐ, BLG cần có sự vào cuộc của toàn xã hội; trong đó việc tuyên truyền, nhân rộng mô hình phòng, chống BLGĐ, BLG ở mỗi địa phương phải được đặc biệt quan tâm. Đây là cơ sở quan trọng để mỗi người dân hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc./.
 


Một số địa chỉ, cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình:

- Tổng đài quốc gia 111;

- Ngôi nhà Ánh Dương tại Quảng Ninh, hotline 18001769;

- Nhà Bình Yên (Mô hình Cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới) hỗ trợ nạn nhân 24/7). Tổng đài Ngôi nhà Bình yên 1900969680/ 0946833380.

- Hệ thống các Trung tâm công tác xã hội/Bảo trợ xã hội triển khai Mô hình Cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và thực hiện cung cấp dịch vụ bình đẳng giới tại địa phương gồm:

+ Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh; địa chỉ: Điện Biên Phủ, Hồng Hà, Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh; Điện thoại: 0203 3613 130.

+ Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Lắk; địa chỉ 210 Phan Bội Châu, Thống Nhất, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk; Điện thoại: 0262 3853 928.

+ Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội tỉnh Bến Tre; địa chỉ 94 Hùng Vương, Phường 2, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre; điện thoại: 0756.250999.

+ Trung tâm công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Thái Bình; địa chỉ: xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình; điện thoại cơ quan: 02273.826.679.

+ Trung tâm công tác xã hội tỉnh Hòa Bình; địa chỉ: Khu 3, thị trấn Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình; Điện thoại: 0218 3842 236.

+ Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội tỉnh Thanh Hóa; địa chỉ: 313 Đ. Bà Triệu, P. Hàm Rồng, Thành phố Thanh Hóa, Thanh Hoá; điện thoại: 0237 3961 739.

+ Quỹ Bảo trợ trẻ em - Văn phòng Công tác xã hội tỉnh Hà Tĩnh; địa chỉ: Số 146b, Đường Trần Phú, phường Bắc Hà , TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh; điện thoại: 02393 853 279.

+ Trung tâm công tác xã hội tỉnh Khánh Hòa; địa chỉ: 193 Phước Long, Phước Trung, Thành phố Nha Trang, Khánh Hòa, điện thoại: 0258 3882 808,

+ Trung tâm công tác xã hội bảo vệ trẻ em tỉnh An Giang; địa chỉ: 65 Tôn Đức Thắng, P. Mỹ Bình, Thành phố Long Xuyên, An Giang; điện thoại: 0296 3989 708.

+ Trung tâm công tác xã hội tỉnh Hà Nam; địa chỉ: Quốc lộ 21a , xã Liêm Tiết, Liêm Tiết, Thanh Liêm, Hà Nam; điện thoại: 0226 3880 519.

+ Trung tâm công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên; Địa chỉ: số 2, đường Phù Liễn, Phường Hoàng Văn Thụ, Thành phố Thái Nguyên, Tỉnh Thái Nguyên; điện thoại: 0208 3846 157

+ Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố Hà Nội; địa chỉ 45 Bà Triệu, P. Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội; điện thoại: 024 3352 5651,

+ Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố Đà Nẵng; địa chỉ 64 Đống Đa, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng; điện thoại: 05113.818.787,

+ Trung tâm công tác xã hội thành phố Cần Thơ; địa chỉ: 251/1 đường Tầm Vu, Phường Hưng Lợi, Quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ; số điện thoại: 0292 3783208 – 3838901, hotline: 18008065.

+ Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bạc Liêu; địa chỉ: Hưng Hội, Vĩnh Lợi, Bạc Liêu; điện thoại: 0291 3610 237

+ Trung Tâm Công Tác Xã Hội Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu: 120 Long Tâm, Bà Rịa, Bà Rịa - Vũng Tàu, 0254 3829 366 - 0254.3829.839

- Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), địa chỉ: số 35 ngõ 66 Dịch Vọng Hậu, làng Vòng, Cầu Giấy, Hà Nội. Hotline tư vấn miễn phí: 024 3333 55 99.

- Hagar Việt Nam, địa chỉ 152 Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội; số điện thoại: 094.311.1967.

- 63 Mô hình Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh tại cộng đồng tại 63 xã thuộc 63 tỉnh/thành phố trên toàn quốc. Liên hệ các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh/thành phố.

Minh Châu/ GĐTE

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.