THỨ SÁU, NGÀY 17 THÁNG 05 NĂM 2024 10:49

Một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy không còn phù hợp thực tiễn

08/11/2019 | 15:45
 
Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được thì đến nay, nhiều quy định của Luật PCMT và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành không còn phù hợp thực tiễn, đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập, đòi hỏi phải có sự thay đổi để khắc phục bất cập, góp phần giải quyết hiệu quả tệ nạn ma túy trong tình hình mới, cụ thể như: Áp lực của tình hình tệ nạn ma túy trong khu vực, trên thế giới đối với Việt Nam ngày càng khốc liệt, khó lường. Tình hình sử dụng trái phép chất ma túy trong nước đang diễn biến hết sức phức tạp và khó kiểm soát; hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành chưa đầy đủ, chưa thống nhất, chưa linh hoạt, chất lượng chính sách chưa tốt, hiệu quả thi hành pháp luật chưa cao. Quá trình chuyển đổi nền kinh tế trong nước từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ kéo theo quá trình đô thị hóa, dịch chuyển lao động và quá trình “thành thị hóa” thanh niên nông thôn, cũng như sự phát triển nhanh chóng các loại hình dịch vụ nhạy cảm (vũ trường, quán bar, nhà hàng, karaoke…) đã tác động, lôi kéo người trẻ sử dụng trái phép ma túy, gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm.
 
Do đó, cần phải tăng cường các biện pháp xử lý, quản lý, can thiệp và hỗ trợ phục hồi đối với người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện. Những năm qua, chính sách, pháp luật chỉ tập trung vào nhóm người “nghiện ma túy” mà chưa trú trọng nhóm “sử dụng trái phép chất ma túy”, trong khi đó hiện nay, người sử dụng trái phép các loại ma túy, nhất là ma túy gây ảo giác, hướng thần thường mất kiểm soát hành vi, ngay lần sử dụng đầu tiên đã có thể gây nguy hiểm cho chính họ và cho xã hội; chỉ tập trung vào nhóm người “sau cai nghiện bắt buộc” mà chưa trú trọng nhóm “nhóm sau khi ra khỏi các trại cải tạo, trại tạm giam, tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng mà có tiền sử nghiện ma túy”, tức là chỉ tập trung giải quyết hệ quả mà chưa giải quyết tận gốc vấn đề. Dẫn đến, tệ nạn ma túy đã xâm nhập vào mọi ngõ ngách của xã hội. Do đó, cần phải có các can thiệp nhiều lớp để dự phòng, ứng phó với các nguy cơ từ cộng đồng đến các nhóm có nguy cơ sử dụng ma túy và các cá nhân có hành vi sử dụng ma túy, nghiện ma túy. Cụ thể: Bổ sung Chương “Dự phòng nghiện ma túy”, với 3 cấp độ: Dự phòng phổ cập (ứng phó với các nguy cơ đối với cộng đồng); Dự phòng chọn lọc (đối với cá nhân hoặc nhóm dân cư có nguy cơ sử dụng ma túy); Dự phòng chỉ định (đối với các cá nhân có hành vi sử dụng ma túy”. Trong đó, đặc biệt trú trọng Dự phòng chọn lọc đối với cá nhân đã hoàn thành các chương trình cai nghiện hoặc sau khi rời các trại cải tạo, trại tạm giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng mà có tiền sử sử dụng ma túy. 


 Ảnh T.Vân
 
Nghiện ma túy là tình trạng “người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này”. Như vậy, tình trạng nghiện là tình trạng sinh lý của cơ thể, không phải là hành vi vi phạm pháp luật, mà hành vi sử dụng trái phép chất ma túy mới là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, việc áp dụng chế tài xử lý hành chính tình trạng lệ thuộc ma túy không bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc, mà ở đây phải là xử lý hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của người đang ở tình trạng lệ thuộc ma túy. Thực tiễn thi hành pháp luật cũng cho thấy: việc phải chứng minh tình trạng nghiện rất khó khăn, tạo kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng cũng như rất dễ dẫn đến sai sót trong công tác lập hồ sơ áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc, nhất là với người sử dụng các loại ma túy mới.
 
Vấn đề cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chủ yếu mới dừng ở khâu cắt cơn, thiếu các giải pháp quản lý, hỗ trợ phục hồi sau cắt cơn; tại cơ sở cai nghiện công lập với chất lượng dịch vụ chưa cao, chưa thu hút được người nghiện tự nguyện đi cai nghiện. Do đó, cần bổ sung những chính sách để nâng cao chất lượng dịch vụ; Cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ngoài công lập dù đã có các chính sách ưu đãi nhưng chưa cụ thể, khó thực hiện, nên đến nay chưa có cơ sở cai nghiện ngoài công lập nào được hỗ trợ, trong khi đây là lĩnh vực đầu tư không hấp dẫn. Lực lượng y bác sĩ chưa được đào tạo bài bản, các hoạt động tư vấn, hỗ trợ tâm lý còn hạn chế, nên chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu của người cai nghiện, trong khi nhà nước chưa có cơ chế kiểm soát hợp lý nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ. Hiện nay, người sử dụng ma túy tổng hợp tăng rất nhanh, trong khi đa số các cơ sở chưa đủ điều kiện tiếp nhận, điều trị cho những trường hợp có biểu hiện loạn thần. 
 
Về cai nghiện bắt buộc đối với người trên 18 tuổi, do cơ sở hạ tầng, trang thiết bị xuống cấp, thiếu đồng bộ, chất lượng cán bộ chưa cao, quy trình can thiệp và hỗ trợ phục hồi cho người nghiện chưa phù hợp thực tiễn, chất lượng dịch vụ chưa tốt nên chưa hấp dẫn được người đi cai nghiện. 
 
Quy định hiện hành không thống nhất về đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc giữa Luật PCMT và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc không bảo đảm tính khả thi. Do những vướng mắc của pháp luật nên phải lập các cơ sở xã hội để quản lý người nghiện trong thời gian lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. 
 
Vấn đề quản lý sau cai nghiện ma túy cũng bộc lộ một số bất cập như các quy định tại Điều 33 Luật PCMT và Nghị định số 94/2009/NĐ-CP ngày 26/10/2009 của Chính phủ quy định chi tiết về quản lý sau cai nghiện ma túy không thống nhất với khoản 2, 3 Điều 114 Luật Xử lý vi phạm hành chính...  Do đó, phải được thay thế bằng các quy định hợp hiến, hợp pháp và khả thi.
 

Việc quản lý một cơ sở cai nghiện là rất phức tạp. Ảnh minh họa, T.Vân
 
Qua khảo sát thực tiễn, qua rà soát, đánh giá pháp luật và công tác thi hành pháp luật về tệ nạn ma túy và pháp luật liên quan, cần thiết phải sửa đổi căn bản, toàn diện pháp luật hiện hành, từ quan điểm chính sách đến các biện pháp xử lý, quản lý, can thiệp và hỗ trợ phục hồi cho người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy. Trong đó, tiếp tục thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tệ nạn ma túy; Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong phòng, chống tệ nạn ma túy thông qua các chính sách can thiệp, quản lý và hỗ trợ phục hồi phù hợp; Bảo đảm thực hiện đúng và đầy đủ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp 2013 và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, đồng thời, tăng cường tính khả thi và hiệu quả của pháp luật; Giảm thiểu hậu quả do người sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho bản thân, gia đình và xã hội; Góp phần ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội, giảm thiểu tình trạng tội phạm liên quan đến người sử dụng trái phép chất ma túy; Bảo đảm tính thống nhất, toàn diện của pháp luật về phòng, chống ma túy; Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập của pháp luật hiện hành, tiến tới hoàn thiện cơ bản khuôn khổ pháp luật về phòng, chống ma túy, bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả và cải cách triệt để về trình tự, thủ tục cho phù hợp tình hình thực tiễn.
 
Cai nghiện ma túy là lĩnh vực rất đặc thù, tính phức tạp và rủi do nghề nghiệp rất cao. Việc quản lý một cơ sở cai nghiện là rất phức tạp. Nó khó hơn một trại giam nhưng nó không phải và không thể là một trại giam bởi đối tượng của nó không phải là phạm nhân, mà là người nghiện ma túy, với những đặc điểm vô cùng phức tạp cả về pháp lý cũng như sinh lý. Do đó nó cần phải được nhìn nhận theo một cách rất khác với những gì chúng ta đang nghĩ và đang làm. Nó đòi hỏi một sự quan tâm đặc biệt và chuyên biệt, cần phải được quản lý bằng những cơ chế đặc thù, cần phải được điều chỉnh bằng những chính sách đặc thù mới mang lại hiệu quả tích cực nhất.
 

Nguyễn Xuân Lập (Cục trưởng Cục PCTNXH)/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

7 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.