THỨ BA, NGÀY 07 THÁNG 05 NĂM 2024 07:17

Mùa dịch, hãy tranh thủ đọc sách

24/02/2020 | 21:13

 “Phố Hoài” – Một nét buồn man mác nhớ về những điều đã xa

 
Tiểu thuyết “Phố Hoài” của nhà văn Trần Thị Trường là nỗi đau đáu mà bà đã ấp ôm trong suốt 10 năm. Với lối viết cổ điển về hình thức, mẫu mực về ngôn ngữ thể hiện, Trần Thị Trường đã kể một câu chuyện diễn ra trong suốt 70 năm, tái hiện một thời đã qua – một câu chuyện mà như nhà văn gạo cội Tạ Duy Anh chia sẻ: “nội dung chứa đầy nước mắt, dẫn đưa tôi vào cái đường hầm có thể đi xuyên cả một thời kỳ lịch sử bi đát và tăm tối của nó”.
 
Người ta rồi sau này chắc hẳn vẫn sẽ nhắc tới “Phố Hoài” – một chốn ngổn ngang, bề bộn những hờn, giận, yêu, thương... Nơi ấy, các mảnh đời – những con người chung tiếng nói và khác tiếng nói – va vào nhau. Họ gắn kết với nhau bởi cơm áo gạo tiền, bởi khát khao nhục cảm, bởi đam mê nghệ thuật, bởi thiện lương, và hơn hết, bởi tình yêu thương… Có những con người đi gần hết cuộc đời mới tìm được hạnh phúc. Có những con người nắm hạnh phúc trong tay nhưng lại vô tình buông rơi. Và có những con người đi hoài trong bóng tối, chưa kịp chạm tới ánh sáng thì đã trút hơi thở cuối cùng… Người ta đi qua “Phố Hoài” với bao ngậm ngùi, xót xa nhưng vẫn chưa khi nào thôi bồi hồi, luyến thương.
 
“Phố Hoài” – mộc mạc mà sâu sắc. Các trang văn của Trần Thị Trường khẳng định bút lực mỗi lúc một “chín”. Được viết nên bằng xúc cảm chân thành với những điều chân thực nhất, đây là cuốn sách cho những người cũ, những người mới, cho người xưa và cả người nay. Nó nhắc cho ta nhớ một thời như thế, để nhìn lại những gì đã qua, để thấy những gì đang có, sẽ có. Và để sống thật với mình…
Tác giả Trần Thị Trường là nhà văn nữ tiêu biểu văn học Việt Nam hiện đại. Bà còn được biết tới với vai trò nhà báo, họa sĩ. Sau khi học Báo chí, Mỹ thuật, bà từng có thời gian sống ở Bulgaria (1981 – 1985).
Anh Meaulnes – Tác phẩm để đời của Alain-Fournier

 
Ra đời vào khoảng những thập niên đầu của thế kỷ XX, tác phẩm đầu tay “Anh Meaulnes”– của Alain-Fournier đã trở thành kinh điển. Truyện không chỉ có ảnh hưởng mạnh tới những thế hệ nhà văn tây phương hiện đại mà còn làm rung cảm những tâm hồn trẻ tuổi sắp sửa vượt qua mốc quan trọng của tuổi hai mươi. Năm 1967 và 2006, “Anh Meaulnes” đã được chuyển thể thành phim.
 
Kể về câu chuyện của những chàng trai trẻ tuổi trên hành trình khám phá cuộc đời, cuốn tiểu thuyết khai thác đề tài về sự chênh lệch và đối lập giữa sự vô hạn của ước mơ cùng sự hữu hạn của đời người. Xuyên suốt cả thiên truyện, Alain-Fournier đã khắc họa nỗi khắc khoải của con người trong cuộc đụng độ chênh lệch với định mệnh. Có thể nói trong thế giới văn chương, hiếm có tác phẩm nào giống như Anh Meaulnes. Dù không phải tự truyện nhưng trong đó người ta thấy rõ một sự đồng nhất gần như trọn vẹn giữa tác giả và những nhân vật chính, với những chi tiết hầu như hoàn toàn phản ánh cuộc đời ngắn ngủi của tác giả.
 
Một trăm năm nay, người ta vẫn không ngừng hỏi và tự hỏi, Alain-Fournier đã làm như thế nào mà “Anh Meaulnes”cứ giữ mãi được sự huyền diệu vô song chưa từng bao giờ bị mai một, qua liên tiếp biết bao thế hệ độc giả.
 
Rất có thể, sự tồn tại không vương xước xát của thời gian và ánh mắt con người ấy bắt nguồn từ một lòng quả cảm vô cùng hiếm hoi dám phiêu lưu tới những miền mong manh nhất của tâm tưởng và ký ức, để cho thực tại không ngừng chạm vào lãnh thổ của cái bí ẩn thuần khiết. Nhưng cũng cần thêm vào đó cảm hứng từ các thần tượng văn chương của Alain-Fournier, Maurice Maeterlinck và nhất là Charles Péguy.
 
Dẫu là như thế nào, ra đời năm 1913, cùng tập thứ nhất Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust, “Anh Meaulnes”đánh dấu sự kết thúc của một thời đại lớn của nước Pháp và châu Âu; ngay sau đó, cuộc chiến tranh dữ dội sẽ làm tan biến biết bao con người ưu tú hạng nhất, trong đó trước hết phải kể tới chính Alain-Fournier.
 
Minato Kanae trở  lại ấn tượng với “Tất cả vì N” 

 
Độc giả yêu thích văn học trinh thám Nhật Bản vốn đã không còn xa lạ với cái tên Minato Kanae. Gây tiếng vang lớn với tác phẩm đầu tay mang tên “Thú tội”, bà nhanh chóng trở thành cái tên được săn đón hàng đầu hiện nay của dòng tiểu thuyết trinh thám – tâm lý. Và giờ đây, Minato Kanae sẽ trở lại với độc giả Việt Nam trong “Tất cả vì N” – một tiểu thuyết để lại dấu ấn mạnh mẽ trên văn đàn và đã được chuyển thể thành phim truyền hình cùng tên. 
 
“Tất cả vì N” lấy bối cảnh một căn hộ tại tòa chung cư cao tầng “Skyrose Garden”. Tại đây, người ta đã phát hiện ra thi thể của Noguchi Takahiro và vợ bị chết trong hoàn cảnh kỳ lạ. Cùng ở trong căn hộ với họ lúc đó là bốn người trẻ hơn hai mươi tuổi. Các nhân vật chính trong truyện, tổng cộng là sáu người, tất cả bọn họ đều che giấu cho riêng mình một bí mật liên quan đến “N”. Qua những lời chứng của họ, một sự thật đáng kinh ngạc dần dần được hé lộ... N, nhân vật được mỗi người trong số họ dành tất cả tình thương mến, rốt cuộc là ai?
 
Giống như nhiều tác phẩm khác của Minato Kanae, “Tất cả vì N” lấy chất liệu trinh thám làm nền để từ đó đi sâu khắc họa tâm lý con người. “Tất cả vì N” là tác phẩm trinh thám đầu tiên Minato Kanae nói về tình yêu thuần khiết. Bên dưới nỗi u buồn bao trùm tác phẩm, Minato Kanae mang tới cho người đọc những suy ngẫm về cuộc sống và giá trị tốt đẹp trong mỗi người.
 
Văn hóa thần tượng: Ảo ảnh hay sự thật?
 
 
Với đề tài về văn hóa thần tượng, một đề tài mới lạ, khác biệt, gần như vô tiền khoáng hậu trên văn đàn Hàn Quốc, “Ảo ảnh thần tượng” đã mang về cho nhà văn trẻ Lee Heejoo giải cao nhất trong một cuộc thi sáng tác dành cho những cây bút trẻ của Munhakdongne – NXB lớn và danh tiếng nhất xứ Hàn năm 2016.
 
“Ảo ảnh thần tượng” là một cuốn sách được viết bởi một fangirl về những người hâm mộ các nhóm nhạc thần tượng, về tình yêu với thần tượng. Khác biệt với bao fanfic tự huyễn về fan và thần tượng nhan nhản trên Internet, câu chuyện của Lee Heejoo là một tiểu thuyết chân thực do chính lời một fangirl kể lại. Thế giới mà cô gái này đã tự mình nhìn và hiểu sau khi quên lời bố dặn và trở thành một fangirl, theo chân nhóm nhạc yêu thích tới mọi buổi ghi hình và sự kiện, là một thế giới như thế nào? “Ảo ảnh thần tượng”, với những đúc kết “trúng tim đen fangirl” vừa thực tế, sâu cay lại vừa hài hước cùng những cảm xúc nồng nhiệt không màng che đậy không ngại bóc trần, chính là lời hồi đáp đầy ấn tượng cho câu hỏi ấy.
 
Qua những câu văn và ngôn từ lúc dí dỏm, khi nhuốm màu bi thương, tàn khốc mà vẫn giàu chất thơ và đầy tính triết lý, tác giả trẻ Lee Heejoo đã dẫn lối người đọc bước vào một thế giới khác lạ của những fangirl. Từ thế giới ấy nhìn ra, bức tường thành định kiến về văn hóa thần tượng của bất kỳ ai cũng dường như hoàn toàn sụp đổ. Ở nơi đó, tình yêu với thần tượng vẫn đơn thuần là một thứ tình yêu với đầy đủ những cung bậc cảm xúc, mãnh liệt, cuồng nhiệt, sục sôi. Với góc nhìn đa chiều, đi sâu đến từng lát cắt, Lee Heejoo khiến mỗi người tìm được sự đồng cảm và nhận ra mình trong m, trong Man Ok, trong Min Gyu.
 
Tưởng chừng một cái tên non trẻ trên văn đàn Hàn Quốc chỉ hướng đến một đề tài mới lạ song Lee Heejoo đã tinh tế chạm tới những nỗi niềm rất đời, rất người. Cô gửi gửi gắm tới độc giả của mình thông điệp: Hãy gỡ bỏ kỳ thị và định kiến để thấu hiểu và bao dung, bởi dù ở dạng thức nào, tình yêu cũng có chung một ngôn ngữ. Điều này giúp Lee Heejoo ghi dấu ấn đậm nét trong lòng người người đọc, tạo ra sức ảnh hưởng và lan tỏa mạnh mẽ với tác phẩm đầu tay và giành về giải giải cao nhất của cuộc thi sáng tác dành cho những cây bút trẻ của Munhakdongne năm 2016 đầy thuyết phục.
 “Ảo ảnh thần tượng” của tác giả Lee Hee Joo, viết về những người hâm mộ các nhóm nhạc thần tượng. Với nội dung như vậy, tôi đã đọc với ít nhiều cảm giác xa lạ, nhưng không biết từ khi nào bức tường định kiến trong lòng tôi đã sụp đổ. Có lẽ đó là bởi thái độ không chút do dự của tác giả khi gọi sự cuồng nhiệt khó được thấu hiểu ấy là “tình yêu” chăng? Rồi không biết từ lúc nào, bản thân tôi cũng đã thực sự tin rằng đó là tình yêu. Trong ảo ảnh về thần tượng, một thứ chỉ đơn thuần là bản sao của những khát khao và hình ảnh mà bản thân tạo ra, những người hâm mộ sẵn sàng hiến dâng tất cả nhân danh tình yêu. Đối tượng mà họ yêu có đáng để được yêu hay không, hoặc đó có chính xác là con người thật của người đó hay không cũng không quan trọng. Trái lại, vì được yêu nên đối tượng ấy mới trở thành người thật.”
– Nhà văn Jung Han Ah
Đẹp là một nỗi đau?
 
 
“Đẹp là một nỗi đau” là một tác phẩm tiêu biểu của văn học Indonesia đương đại. Cuốn sách được The New York Times đưa vào danh sách 100 cuốn sách đáng chú ý. “Đẹp là một nỗi đau”, tiểu thuyết đầu tay của Eka Kurniawan, viết khi tác giả chưa đầy ba mươi tuổi, là một tác phẩm đẹp nhưng cũng đau đớn, một cảm giác day dứt không dễ nguôi ngoai.
 
Một phụ nữ, chết đã hai mươi mốt năm, sống lại. Hoàn toàn bằng xương bằng thịt, trở lại cõi đời từ dưới nấm mồ. Ở thế giới nào khác, đây có thể là chuyện hoang đường, quỷ dị, nhưng trong thế giới của “Đẹp là một nỗi đau” thì không. Và, đến cả cái đẹp truyền kiếp của những phụ nữ trong gia đình Dewi Ayu dường như cũng vừa hoang đường quỷ dị vừa bình thường, hợp lẽ.
 
Qua bao biến động và thăng trầm lịch sử của Indonesia, từ thời là thuộc địa của Hà Lan cho tới Thế chiến thứ hai với sự hiện diện bạo tàn của phát xít Nhật, rồi thời độc lập với cuộc xung đột một mất một còn giữa thế lực tư bản đang lên và những người cộng sản trung kiên, những người đàn bà đó, dẫu có làm gì, dẫu được xã hội gọi là gì, vẫn luôn là họ, những phụ nữ đẹp cả bên ngoài lẫn bên trong, để rồi đều được số phận đáp lại bằng một cách mà họ không chờ đợi. Nếu sắc đẹp là một trong những đặc tính vĩnh hằng của gia tộc này và có lẽ của cả Halimunda, quê nhà họ, thì nỗi đau cũng vậy. Nỗi đau cũng là một đặc tính vĩnh hằng.
Tác giả Eka Kurniawan sinh năm 1975, là một trong những cái tên nổi bật nhất của văn chương Indonesia thời gian gần đây. Anh viết tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận, kịch bản phim…, và sáng tác của anh được dịch ra 24 thứ tiếng. Phong cách hiện thực huyền ảo của anh được so sánh với “Trăm năm cô đơn” của Gabriel García Márquez. Năm 2016, anh là nhà văn Indonesia đầu tiên được đề cử giải Man Booker International Prize.
Top 50 người phụ nữ có cuộc đời và sự nghiệp gây chấn động thế giới
 
 
“Herstory” là câu chuyện về 50 người phụ nữ đã làm được những điều phi thường. Sinh thời, có người đã giành được các giải thưởng, trong khi có người không bao giờ được vinh danh. Có người qua đời trong bi thương khi còn rất trẻ, trong khi có những người sống một cuộc đời thật dài. Họ đã trở thành những nhà lãnh đạo, nghệ sĩ, nhà cải cách, nhà tư tưởng và người theo đuổi lý tưởng, bởi họ hiểu rằng bằng việc biến những ước mơ và hy vọng của mình thành hiện thực, họ sẽ thức tỉnh thế giới này… và họ đã thành công. Cuộc đời, sự nghiệp và những phát ngôn của họ có thể khơi nguồn cảm hứng cho chúng ta cùng tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
 
Đã đến lúc những gì từng xảy ra trong quá khứ và những gì đang diễn ra ở hiện tại không còn là những câu chuyện từ góc nhìn của đàn ông (history) nữa mà là từ góc nhìn của những người phụ nữ (herstory). Bởi, không thua kém bất kỳ người đàn ông nào, tất cả họ đã theo đuổi giấc mơ của mình bằng mọi giá. Tất cả họ đều vượt qua mọi thử thách, đối mặt với nguy hiểm và chấp nhận hy sinh, một số người thậm chí bị giết – nhưng họ không bao giờ từ bỏ hy vọng kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn.
Tôi muốn sống một cuộc đời hữu ích và mang niềm vui đến cho tất cả mọi người, kể cả những người tôi chưa từng gặp. Tôi muốn tiếp tục sống ngay cả sau khi đã chết. – Anne Frank, người viết Nhật ký trong Thế chiến thứ hai.

Phương Anh/GĐ&TE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...