THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 01:31

Năm 2019: Công tác bảo trợ xã hội góp phần bảo đảm an sinh xã hội

30/12/2019 | 20:00
Tham dự Hội nghị còn có bà Nguyễn thị Hằng, Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề CTXH Việt Nam; ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam; ông Nguyễn Trọng Đàm, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam; ông Nguyễn Bá Duyệt - Chủ tịch  Trung ương hội Người khuyết tật Việt Nam; TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; đại diện lãnh đạo các đơn vị trong Bộ, các hội, hiệp hội, các chuyên gia cùng toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Cục Bảo trợ xã hội.
 
Theo báo cáo Cục Bảo trợ xã hội, trong năm 2019, Cục đã chủ động hướng dẫn các địa phương xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện công tác người cao tuổi, người khuyết tật; chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội; thực hiện công tác trợ giúp đột xuất; triển khai kế hoạch phát triển nghề công tác xã hội; quản lý, quy hoạch, phát triển các cơ sở trợ giúp xã hội; công tác chăm sóc, phục hồi chức năng đối với đối tượng bảo trợ xã hội; tổng hợp, báo cáo đề xuất trợ giúp đột xuất kịp thời trong dịp Tết Nguyên đán, giáp hạt và thiên tai, không để người dân thiếu đói, góp phần bảo đảm an sinh xã hội năm 2019.
 
 
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá cao các kết quả đạt được của Cục Bảo trợ xã hội trong năm 2019. Ảnh: Mạnh Dũng
 
Kết quả nổi bật là Cục Bảo trợ xã hội đã chủ trì tham mưu, trình Bộ ban hành 01 Chỉ thị của Ban Bí Thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật; 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 02 Thông tư và 02 Quyêt định của Bộ LĐTBXH cùng nhiều văn bản và dự thảo văn bản khác về công tác bảo trợ xã hội.
 
Trong công tác trợ giúp đột xuất, hỗ trợ sau thiên tai, ngay từ đầu năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ gạo cứu đói cho 14 tỉnh gặp khó khăn, bảo đảm không để người dân nào bị thiếu lương thực trong dịp Tết Kỷ Hợi. Cục cũng đã tham mưu cho Bộ hướng dẫn các tỉnh, thành phố có kế hoạch chăm lo Tết Kỷ Hợi 2019 cho người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí trợ giúp Tết của 63 tỉnh, thành, khoảng 2.355 tỷ đồng.
 
 
TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Mạnh Dũng
 
Trước diễn biến phức tạp của thiên tai năm 2019, Cục đã tham mưu cho Bộ phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai chỉ đạo các địa phương, tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, nắm tình hình thiệt hại, công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai. Ngoài ra, Cục Bảo trợ xã hội đã chủ động tổ chức 11 đoàn đi thăm, hỏi, tặng quà, nắm tình hình thực tế thực hiện công tác trợ giúp cho hộ dân có người chết, mất tích, người bị thương, nhà bị sập trôi tại các vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ bảo đảm kịp thời, đúng chính sách, đặc biệt quan tâm đến các khu vực các huyện vùng sâu, vùng xa đông đồng bào dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng.
 
Tính đến ngày 15/11/2019, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cấp gạo cứu đói cho 04 tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định với 2.880,815 tấn gạo, cứu đói cho 13.179 hộ/74.971 nhân khẩu.
 
Về trợ giúp thường xuyên, đến nay, cả nước đang thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho 3.041.731 người, trong đó: 50.929 trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng; 1.733.672 người cao tuổi; 1.098.240 người khuyết tật đang hưởng trợ cấp và 158.889 đối tượng khác với tổng kinh phí 17,150 nghìn tỷ đồng. Hiện đã có 11 tỉnh, thành phố đã chủ động nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội cao hơn mức chuẩn quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP như: Hà Giang (320.000đ), Quảng Ninh (350.000đ), Hà Nội (350.000đ), Đà Nẵng (405.000đ), Bình Dương (340.000đ), Đồng Nai (300.000đ), Hồ Chí Minh (380.000đ), Khánh Hòa (300.000đ), Bà Rịa - Vũng Tàu (320.000đ), Vĩnh Phúc (1/3 mức lương cơ sở theo từng thời kỳ), Quảng Nam (405.000đ). Công tác chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội thông qua cơ quan Bưu điện đã được triển khai tại 59 tỉnh, thành phố.
 
 
TS. Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội báo cáo kết quả công tác năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020
 
Thực hiện chính sách đối với người cao tuổi: Năm 2019, với chủ đề chung tay vì sức khỏe và hạnh phúc của người cao tuổi, Bộ đã phối hợp các Bộ ngành, hội, đoàn thể và các địa phương đã tích cực chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các chính sách, chế độ, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của người cao tuổi Việt Nam. Ngân sách Nhà nước đã bố trí nguồn lực phù hợp, bảo đảm thực hiện chính sách an sinh xã hội, chi trả lương hưu hàng tháng cho hơn 3,1 triệu người; đạt 95% người cao tuổi có thẻ BHYT; trợ cấp xã hội hàng tháng cho hơn 1,7 triệu người cao tuổi; chúc thọ, mừng thọ cho hơn 1,068 triệu người cao tuổi; hơn 112.276 lượt người cao tuổi được giảm giá vé đường bộ; 59.498 lượt người cao tuổi được giảm giá vé đường thủy; 653.864 lượt người cao tuổi được giảm giá vé đường sắt; 6.867 lượt người cao tuổi được giảm giá vé đường hàng không; cả nước có trên 106 bệnh viện cấp trung ương và cấp tỉnh có khoa Lão khoa; gần 1.000 khoa khám bệnh có buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng cho người cao tuổi; hơn 10.183 giường điều trị nội trú ưu tiên cho người cao tuổi, hơn 1,57 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe.
 
 
Toàn cảnh Hội nghị
 
Về chính sách đối với người khuyết tật, đến nay đã triển khai xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho gần 3 triệu người khuyết tật. Có trên 1 triệu người khuyết tật đặc biệt nặng, nặng được trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
 
Phối hợp với Bộ giao thông vận tải thực hiện miễn, giảm giá vé cho người khuyết tật tham gia giao thông đường bộ trên 41 ngàn lượt, đường sắt trên 8 ngàn lượt; Bộ Tư pháp trợ giúp pháp lý cho 1.265 lượt người khuyết tật có khó khăn về tài chính; Bộ Y tế triển khai khám sàng lọc khuyết tật, xác định nhu cầu cần phục hồi chức năng tại 36 tỉnh/thành phố; Ngân hàng chính sách xã hội triển khai Chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm cho người khuyết tật và doanh nghiệp nhận lao động là người khuyết tật đến nay số vốn của chương trình là trên 14 ngàn tỷ đồng. 
 
Về công tác xã hội, Cục đang phối hợp với các trường Đại học  tổ chức tập huấn công tác xã hội cho đội ngũ cán bộ quản lý cấp cao; tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ các loại hình viên chức công tác xã hội, đáp ứng theo tiêu chuẩn Thông tư liên tịch số 30/2015/TTLT-BLĐTBXH-BNV ngày 19/9/2015 quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội cho 3 chức danh công tác xã hội. Hiện nay, theo rà soát các tỉnh thì số lượng nhu cầu chuyển ngạch thăng hạng cho đội ngũ làm trong linh vực TGXH lớn, được học và đào tạo trong ngành CTXH theo Đề án 32 và có nhu cầu xếp ngạch thăng hạng. Đồng thời phân bổ kinh phí, hướng dẫn địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội năm 2019.
 
Ngoài ra, các lĩnh vực khác như: trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí, Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng; Trợ giúp cho người dân di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam; triển khai Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội, công tác y tế lao động xã hội, hợp tác quốc tế... cũng được Cục Bảo trợ xã hội đẩy mạnh và đạt được những kết quả quan trọng. 

Sau khi lắng nghe ý kiến phát biểu của đại diện các phòng và cán bộ của Cục, ý kiến của các Hội, hiệp hội và đại diện lãnh đạo các đơn vị trong Bộ, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đã biểu dương và đánh giá cao các thành tích của Cục Bảo trợ xã hội trong năm 2019, trong đó có sự đồng hành của các Hội, Hiệp hội về trợ giúp xã hội. Những kết quả mà Cục đạt được góp phần quan trọng cùng toàn ngành Lao động – TBXH hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Đảng, Chính phủ giao. Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho rằng, năm 2020 là một năm hết sức đặc biệt, có nhiều dấu mốc quan trọng, Cục Bảo trợ xã hội cần phải có một tầm nhìn xa về công tác trợ giúp xã hội để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo. Trên cơ sở đó, Cục cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm: Một là, ưu tiên hàng đầu cho công tác thể chế, xây dựng văn bản chính sách thành kế hoạch, chương trình, đề án; Hai là, rà soát quy hoạch hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội; Ba là, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, thực hiện phương thức chi trả trợ cấp xã hội qua dịch vụ bưu điện; Bốn là, rà soát tổ chức bộ máy tham mưu cho lãnh đạo Bộ, kiện toàn đội ngũ cán bộ, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công việc, xây dựng đơn vị đoàn kết, vững mạnh; Năm là, phối hợp tốt với các đơn vị trong và ngoài Bộ, các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Thùy Hương/Tạp chí Gia đình và Trẻ em

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.