THỨ SÁU, NGÀY 17 THÁNG 05 NĂM 2024 11:25

Nam giới từng mắc quai bị cần sớm đi khám Nam khoa

30/09/2020 | 20:28

Theo các chuyên gia, bệnh quai bị thường dễ gặp ở lứa tuổi học đường và hay bùng phát thành dịch trong các trường mẫu giáo, trường học, đơn vị tân binh…, nhất là vào mùa Đông - Xuân. Điều đáng nói, với căn bệnh tưởng chừng như đơn giản này, song do vi rút quai bị chủ yếu xâm nhập vào tinh dịch và tế bào kẽ của tinh hoàn, dẫn đến vô sinh, hiếm muộn ở nam giới khi lớn lên, bước vào tuổi trưởng thành.

 
BS CKII Nguyễn Khắc Lợi tư vấn cho bệnh nhân nam đến khám hiếm muộn tại Bệnh viện do biến chứng của quai bị

Một trong các biến chứng của quai bị là dẫn đến teo tinh hoàn

Trường hợp bệnh nhân - anh Võ Văn T., 26 tuổi đến khám tại Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, kết hôn hơn hai năm nay, nhưng chưa có con dù hai vợ chồng không dùng biện pháp tránh thai nào. “Vợ em sức khỏe sinh sản bình thường, nhưng với em các bác sĩ cho biết bị teo tinh hoàn, chỉ còn 8ml. Em có mắc quai bị từ khoảng năm lên 13-14 tuổi, nhưng không biết là mình bị vô sinh do quai bị”, anh T. buồn rầu chia sẻ.

BS CKII Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội khám cho nam giới trên nhấn mạnh, một trong các biến chứng của quai bị là dẫn đến teo tinh hoàn, giảm số lượng, chất lượng tinh trùng dẫn đến nam giới bị hiếm muộn, hoặc vô sinh.

Nghiên cứu cho thấy cụ thể: Viêm tinh hoàn, mào tinh hoàn chiếm 20 -25% ở người sau tuổi dậy thì. Bệnh nhân bị viêm sốt 3-7 ngày cho thấy 50% số tinh hoàn nam giới bị teo; nữ giới viêm buồng trứng chiếm 7% (ít teo buồng trứng, ít bị biến chứng vô sinh). Nữ giới bị quai bị 3 tháng đầu dễ bị sảy thai, 3 tháng cuối dễ sinh non, thai lưu. Một số biến chứng hay gặp khác như nhồi máu phổi (do một vùng phổi thiếu máu nuôi dưỡng), hoặc viêm tụy (chiếm 3-7%), viêm não (chiếm 0,5%). Ngoài ra cũng có biến chứng như có thể bị viêm cơ tim, tuyến lệ, viêm tuyến giáp, viêm thần kinh thị giác (đưa đến giảm thị lực tạm thời), viêm phổi, rối loạn chức năng gan, xuất huyết do giảm tiểu cầu.

 
Bác sĩ Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thực hiện một ca mổ vi phẫu Micro TESE

Nam giới mắc quai bị sớm đến khám tại các Bệnh viện chuyên khoa về Nam học

Theo BS CKII Nguyễn Khắc Lợi, quai bị là bệnh hô hấp cấp tính gây ra bởi virus có tên là Mumps virus thuộc họ Pramiso virus, ái tính với tinh hoàn. Bệnh quai bị thường lây lan qua đường hô hấp, đường ăn uống, nói to hay hắt hơi, qua nước bọt, do đó dễ truyền bệnh cho người khác. Virus bệnh này tồn tại trong nước tiểu 2-3 tuần (người ta nghi ngờ còn lây qua đường phân và nước tiểu). Về bệnh học, quai bị kéo dài khoảng 10 ngày, hoặc hơn, lâm sàng với những trường hợp điển hình, như: Bệnh nhân bị sưng to một bên má, lệch mặt như đeo bị, bên trên quai hàm (dân gian gọi là quai bị). Sau vài ngày, bên má này giảm sưng thì có thể sưng to má bên kia. Bệnh do virus tấn công vào tuyến nước bọt. Đặc biệt chỗ má sưng không hóa mủ (chẩn đoán phân biệt với viêm tuyến nước bọt). Bệnh nhân thường sốt cao 39-40 độ, kéo dài 3-4 ngày. Bệnh nhân có thể khó chịu như nhức đầu, đau trước tai, đau khi nhai nuốt, hiện tượng kéo dài 2-3 ngày.

Tuy nhiên, mắc quai bị cũng có những trường hợp có các triệu chứng không điển hình, bệnh nhân tưởng nhầm là bệnh khác, hoặc bỏ qua giai đoạn điều trị. Các thể không điển hình, như: Quai bị dẫn đến viêm tuyến nước bọt mang tai (không hóa mủ) chiếm 70%. Thời gian mang bệnh có thể 18-21 ngày.

Bệnh quai bị thường thấy mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh. Trong đó trẻ em thường bị từ 10-19 tuổi (lứa tuổi trường học, nhà trẻ). Căn bệnh này nam giới thường bị nhiều hơn nữ và ít gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Trường hợp mắc quai bị, khi giai đoạn cấp xảy ra, bệnh nhân hạn chế đi lại, kiêng thể dục thể thao, kiêng vận động mạnh, nằm nghỉ ngơi tại giường để giảm đau, sưng tinh hoàn, viêm tinh hoàn dẫn đến teo tinh hoàn. Bệnh nhân hạn chế đến những nơi tập trung đông người (như xe bus, trường học, siêu thị… nếu bắt buộc nên đeo khẩu trang để hạn chế lây lan ra cho cộng đồng). Bên cạnh dùng kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, chống phù nề, an thần theo chỉ dẫn của thầy thuốc, người bệnh cần bổ sung vitamin C và nhóm B để tăng cường thể lực. Cùng đó, là vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đeo khẩu trang tránh lây nhiễm cho người khác. Tuyệt đối không rượu bia, cần ăn uống nhẹ. Điều lưu ý quan trọng là không quan hệ tình dục trong thời gian bị bệnh cấp tính. Phòng bệnh quai bị, trẻ cần được tiêm vắc xin từ 12 tháng tuổi trở lên, tiêm vắc xin tam liên MMR (Measles-Mumps-Rubella phòng Sởi, Quai bị, Rubella) tại các cơ sở y tế có tiêm phòng dịch. Khi đã bị mắc bệnh quai bị thì có miễn dịch bền vững cả đời.

Tuy là một bệnh không gây chết người, nhưng có nhiều biến chứng kể trên, do đó bạn trẻ trong lứa tuổi sinh sản cần hiểu biết bệnh quai bị, điều trị và phòng bệnh để hạn chế lây nhiễm với cộng đồng, và nguy cơ biến chứng cho bản thân. Sớm đến khám tại các Bệnh viện chuyên khoa về Nam học để được khám bệnh, tư vấn, điều trị nội khoa kịp thời nhằm cải thiện tăng trưởng về số lượng và chất lượng tinh trùng để có cơ hội có con. Những bệnh nhân chưa có gia đình có thể cần đến phương pháp trữ lạnh tinh trùng (bảo quản tinh trùng), hoặc làm vi phẫu trích tinh trùng từ tinh hoàn (Micro TESE),… lưu giữ để sau này xây dựng gia đình lấy tinh trùng trữ lạnh hỗ trợ sinh sản bằng các phương pháp IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung), hay là IVF (thụ tinh trong ống nghiệm).

Hoàng Nam/ GĐTE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

6 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.