THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 06:46

Nạn nhân bị bạo lực và xâm hại tình dục: Lên tiếng không bao giờ là quá muộn

15/04/2022 | 16:07
Ngày 14/4, Mạng lưới Phòng ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam - GBVNet tổ chức tọa đàm “LÊN TIẾNG - Không bao giờ là quá muộn” để phân tích các khía cạnh liên quan đến việc lên tiếng của những người bị bạo lực và xâm hại tình dục tại Việt Nam.
Các diễn giả tham dự

Lên tiếng sớm sẽ tốt hơn

Gần đây có nhiều vụ các em gái, phụ nữ lên tiếng tố cáo bị quấy rối, xâm hại tình dục (ví dụ: Vụ N.H.A quấy rối qua tin nhắn với 1 loạt các bạn nữ, hoa khôi N.H lên tiếng tố cáo bị hiếp dâm, làm nô lệ tình dục; nhà văn D.T.P lên tiếng tố cáo ông L.N.A đã hiếp dâm…). Trong các vụ này, nạn nhân bị quấy rối, xâm hại tình dục trong một thời gian dài, trải qua các vấn đề về tâm lý, sau rất nhiều năm mới dám lên tiếng, thậm chí hàng chục năm. Câu hỏi dư luận hay đặt ra là “Tại sao bây giờ mới lên tiếng?” “Sao lên tiếng muộn như vậy?” “Những vụ sau hàng chục năm nạn nhân mới lên tiếng liệu có còn hiệu lực pháp lý”.

Theo Nhà báo Trương Anh Ngọc, việc nạn nhân lên tiếng gợi cho chúng ta những cảm xúc buồn, tiếc và cả phẫn nộ, nhưng ở khía cạnh khác, đây cũng là chuyển biến tích cực và đáng mừng, bởi nạn nhân đã dũng cảm lên tiếng, như một sự khích lệ để những người rơi vào hoàn cảnh tương tự cũng lên tiếng, không im lặng nữa.

Thực tế đa phần nạn nhân im lặng là bởi những e sợ: sợ bị đổ lỗi, trách cứ, sợ ảnh hưởng đến các mối quan hệ, sợ bị nhìn bằng một ánh mắt khác… Việc bị bạo lực, xâm hại giống như một gánh nặng đè lên nạn nhân. Khi bị bạo lực xâm hại tình dục, họ giống như một người ốm, rũ rượi, thất vọng, và đang cần người đứng bên, trợ giúp, nhưng lại sợ bị những người khác lại vùi dập thêm.

Từng là “người trong cuộc”, TS. Ngữ văn Nguyễn Thị Thanh Lưu chia sẻ: “Khi tôi là nạn nhân của quấy rối, xâm hại, tôi đã sợ hãi, cảm thấy là sự cố đáng xấu hổ của cuộc đời mình, không dám chia sẻ với ai ngoài chồng tôi, lúc đó là người yêu là người nước ngoài. Sau 7 năm tôi gặp lại thủ phạm nhưng cảm thấy nỗi đau sống lại ngùn ngụt trong lòng tôi. Tôi rất thấu hiểu với các nạn nhân khi sau rất nhiều năm, thậm chí hàng chục năm mà nỗi đau vẫn còn đó”.

TS. Nguyễn Thị Thanh Lưu cho biết thêm, khi tôi chia sẻ câu chuyện bị quấy rối, có bạn tôi đã nói “Đàn ông nào mà chả thế!” – đấy là sự bình thường hoá hành vi quấy rối, xâm hại phụ nữ. Điều đó khiến cho tôi nghĩ rằng mình là người sai, đây cũng là nguyên nhân phổ biến khiến nhiều nạn nhân ngại ngần khi lên tiếng. Định kiến không chỉ “tiêm nhiễm” điều đó vào đầu đàn ông mà còn ảnh hưởng đến chính phụ nữ, khiến cho phụ nữ tự đổ lỗi cho bản thân mình.”

Xét về góc độ pháp lý, pháp luật Việt Nam có đầy đủ cơ sở để xử phạt mọi hành vi quấy rối, xâm hại tình dục. Việc lên tiếng, tố giác cũng như thu thập bằng chứng cần được thực hiện sớm ngay khi hành vi xảy ra, các hành vi có thể cấu thành tội phạm hình sự hoặc xử lý trách nhiệm hành chính. Nếu đã có cấu thành tội phạm thì sẽ ngăn chặn, xử phạt, và có thể việc này sẽ tránh được các vụ quấy rối xâm hại tình dục tiếp sau. Lên tiếng không bao giờ là muộn nhưng sớm sẽ tốt hơn, luật sư Nguyễn Hữu Long chia sẻ.

Không chỉ là vấn đề pháp lý, hành trình đi tìm công lý và tìm lại chính mình cũng rất quan trọng với nạn nhân và cũng có thể giáo dục, cảnh tỉnh cộng đồng. Chính vì thế, việc lên tiếng sẽ không chỉ giúp nạn nhân mà giúp được cho rất nhiều người, giúp cho quá trình phát triển xã hội.

TS. Hoàng Tú Anh – Chủ tịch GBVNET cho biết: “Trên 60% phụ nữ Việt Nam bị bạo lực gia đình, nhưng chỉ có hơn 50% nạn nhân chia sẻ với người khác và chỉ 10% tìm đến sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Bên cạnh việc sợ bị chỉ trích, đổ lỗi, nạn nhân cũng e ngại việc tố cáo, tham gia vào quá trình tố tụng. Chúng ta hay dạy trẻ em gái, phụ nữ phải làm vợ, làm mẹ như thế nào, phải biết tự bảo vệ bản thân, nhưng lại không dạy cho trẻ em nam, nam giới phải tôn trọng phụ nữ, cách để thể hiện tình yêu thương với phụ nữ. Đã đến lúc thay đổi, hãy dạy thế hệ trẻ em của chúng ta biết dù là giới tính nào cũng cần xử sự văn minh”

Thế hệ trẻ chính là những người tạo nên sự thay đổi. Dự án “Thành phố an toàn thân thiện cho em gái” do Plan International, Viện LIGHT và Viện MSD đang thực hiện thúc đẩy các mô hình Thủ lĩnh của sự thay đổi, khi cả các em trai và em gái có hiểu biết và lên tiếng về chấm dứt quấy rối, xâm hại em gái, giúp thành phố thân thiện, an toàn. Dù là giới tính nào cũng cần tham gia vào tiến trình này.

Hỗ trợ nạn nhân bị quấy rối, xâm hại tình dục - Đừng vội hỏi “Tại sao…?”

Khi một cá nhân lên tiếng về việc họ đã trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục, điều mà họ sợ nhất là không được tin tưởng. Vì vậy, việc đầu tiên cần làm không phải là đặt câu hỏi nghi ngờ về tính chính xác hay khách quan của vụ việc, cũng không phải là đưa ra bình luận đúng - sai. Điều quan trọng nhất mà người lên tiếng mong đợi là sự đồng cảm với nỗi đau họ đã phải trải qua, là sự động viên, chia sẻ để họ không cảm thấy cô đơn, sợ hãi. Pháp luật sẽ có trách nhiệm đưa ra câu trả lời ai đúng, ai sai trong vụ việc. Nhưng ngay cả khi pháp luật không thể đưa ra kết luận cuối cùng thì cũng không vì thế mà nạn nhân trở thành người bị lên án. Dư luận xã hội đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc liệu các vụ BLTD – với phụ nữ, nam giới và trẻ em có được đưa ra ánh sáng hay không.

Từ kinh nghiệm của mình, nhà báo Trương Anh Ngọc chia sẻ: Điều duy nhất chúng ta nên nói là “Bạn không bao giờ một mình, sẽ luôn có những người đứng về phía bạn và tin tưởng bạn. Sau khi nạn nhân đã giảm bớt gánh nặng tâm lý thì mới nên thực hiện các bước hỗ trợ tiếp theo.”

TS. Hoàng Tú Anh đồng ý: “Nỗi đau của nạn nhân bị bạo lực, xâm hại có thể kéo dài rất lâu, thậm chí là 10 hay 20 năm và thực tế không thể phục hồi hoàn toàn. Những câu hỏi “Tại sao” mang tính đổ lỗi rất nặng nề, cần tuyệt đối tránh bởi nó có thể gợi lại những nỗi đau cho nạn nhân. Ngoài ra, các quy định pháp luật cũng vô tình củng cố thêm những định kiến đổ lỗi, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cần nắm vững và tuân thủ nguyên tắc đặt quyền lợi nạn nhân làm trọng tâm để tìm ra cách thức và phương pháp phù hợp hỗ trợ nạn nhân tố cáo, lên tiếng.”

Giúp nạn nhân tự tin hơn để lên tiếng

Khi không may trở thành nạn nhân, các bạn hãy lên tiếng dù ở bất kì phạm vi nào, có thể là tố giác, cũng có thể là chia sẻ với những người thân thiết để giải toả và tìm kiếm sự đồng cảm, an ủi. Điều quan trọng là hãy cố gắng gạt bỏ đi những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực, đừng sống quá lâu với nó bởi điều này sẽ khiến cuộc sống của bạn đi xuống, cản trở bạn đến với những điều tốt đẹp ở tương lai. Hãy tìm ra những điều tích cực, những niềm vui khác để cân bằng cuộc sống của mình.

Luật sư Nguyễn Huy Long khẳng định: Việc lên tiếng tố cáo sẽ là một hành trình dài và nhiều khó khăn, tuy nhiên vẫn sẽ luôn có những sự hỗ trợ.

Là đại điện cho các tổ chức nghiên cứu và can thiệp hỗ trợ cho nạn nhân BLG, TS. Hoàng Tú Anh khẳng định: “GBVNET đã và sẽ luôn nỗ lực để mang lại sự hỗ trợ nạn nhân về nhiều khía cạnh: bảo vệ khẩn cấp, nhà tạm lánh, hỗ trợ tâm lý, sức khoẻ thể chất và tinh thần cho nạn nhân và người thân, hỗ trợ pháp lý, truyền thông xã hội để tố giác hành vi sai trái, tham gia vào tiến trình xây dựng và thực thi các chính sách về Bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới... Chúng tôi cũng mong muốn chủ đề giáo dục giới tính, giáo dục tư pháp này được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông, đồng thời hệ thống pháp luật cần đưa ra cơ chế hỗ trợ thiết thực cho nạn nhân để nạn nhân không còn e ngại việc tố giác. Mỗi cá nhân hay tổ chức đều nên tự hào vì mình tham gia vào quá trình “Lên tiếng” thay vì nghĩ rằng việc này sẽ xấu hổ hay hạ thành tích”.

Trong thời gian sắp tới, GBVNet sẽ tiếp tục chuỗi các hoạt động truyền thông và nâng cao nhận thức về phòng chống tiến tới chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt với trẻ em và phụ nữ.

Vi Hương
Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

5 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...
TP.HCM dự kiến tiêm vaccine cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi từ ngày 16/4

TP.HCM dự kiến tiêm vaccine cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi từ ngày 16/4

2 năm trước

TP.HCM dự kiến bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi vào ngày 16/4 tại một số đơn vị và sẽ tổ chức tiêm đồng loạt từ ngày 18/4 sau khi có đủ vaccine.
Hà Nội tổ chức thêm hai không gian đi bộ đêm tại khu vực hồ Ngọc Khánh và hồ Trúc Bạch

Hà Nội tổ chức thêm hai không gian đi bộ đêm tại khu vực hồ Ngọc Khánh và hồ Trúc Bạch

2 năm trước

Theo UBND quận Ba Đình (Hà Nội), hiện nay quận đã báo cáo và đề nghị UBND thành phố Hà Nội xem xét và chấp thuận việc tổ chức Khu phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh...
Bắt nghi phạm giết nam sinh lớp 8 ở Sơn La

Bắt nghi phạm giết nam sinh lớp 8 ở Sơn La

2 năm trước

Thông tin từ Công an tỉnh Sơn La cho biết, phòng Cảnh sát hình sự đã phối hợp với Công an huyện Mai Sơn và các đơn vị nghiệp vụ đã bắt giữ Lò Mạnh Cường 19 tuổi, trú bản Lù, xã Chiềng...
Hà Nội dự kiến tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh lớp 6 vào ngày 17/4

Hà Nội dự kiến tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh lớp 6 vào ngày 17/4

2 năm trước

Hà Nội hiện có khoảng 950.000 trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi. Thành phố sẽ triển khai tiêm vaccine Moderna cho nhóm trẻ này vào ngày 17/4.