CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 02:22

Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ở Văn Bàn

15/07/2019 | 15:24
           
 
Xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới hiệu quả cho thu nhập cao ở huyện Văn Bàn.
            
Nâng cao thu nhập,chất lượng cuộc sống
 
Chúng tôi đến xã Tân An (huyện Văn Bàn) vào những ngày mà niềm vui mừng, phấn khởi hiện hữu trên khuôn mặt mỗi người dân. Xã vừa vinh dự được đón bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, là xã đầu tiên của huyện tự nguyện đăng ký về đích trước 2 năm so với mục tiêu. Diện mạo nông thôn Tân An đang ngày càng khởi sắc, tạo đà phát triển, xứng danh mảnh đất anh hùng bên hữu ngạn Sông Hồng trù phú. 
 
Tân An là xã cửa ngõ của huyện, có đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chạy qua , có nhiều thuận lợi về giao thông đường thủy, đường bộ và đường sắt, tạo điều kiện cho các hoạt động giao lưu kinh tế - văn hóa - xã hội. Có điểm Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Đền Cô gắn liền với Di tích lịch sử văn hóa Đền Bảo Hà giúp xã phát triển về văn hóa, du lịch tâm linh và mở mang dịch vụ. Nhờ phát huy tối đa lợi thế  địa phương, tranh thủ được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, với những giải pháp đúng và trúng, cùng với lộ trình bước đi cụ thể, xã Tân An đã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao. 
 
Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập là giải pháp hàng đầu mà Tân An thực hiện và cũng là giải pháp bền vững để xã từng bước thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới, hiệu quả cho thu nhập cao, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương như: Mô hình trồng cây cảnh, nuôi ong; mô hình thu mua, vận chuyển nông sản (quế, sắn); mô hình chế biến lâm sản; mô hình trồng hồng không hạt, trồng và chưng cất tinh dầu xả... Điển hình là mô hình chăn nuôi tổng hợp hiệu quả của hộ ông Bàn Văn Thiểu ở thôn Mai Hồng 1. Kiên trì vượt qua đợt khủng hoảng giá lợn năm 2017 (gia đình thất thu khoảng 700 triệu đồng), ông Thiểu tiếp tục tái đàn bằng nhiều cách khác nhau. Đến năm 2018, khi giá lợn lên cao, ông đã thu hồi vốn, đồng thời mạnh dạn tiếp tục đầu tư 500 triệu đồng đào ao thả cá nuôi theo hình thức công nghiệp. Với diện tích gần 10.000m2 mặt nước, ông đầu tư thả trên 12.000 con cá giống các loại. Mô hình phát triển kinh tế của hộ gia đình ông Thiểu được nhiều người dân trong vùng học tập.
 
Đến nay, xã Tân An có 2 hợp tác xã và 7 trang trại chăn nuôi tổng hợp, 4 cơ sở bóc gỗ vườn rừng, 2 nhà máy sắn, gạch tuylen... tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Đó là những yếu tố quan trọng góp phần giúp xã hoàn thành tiêu chí thu nhập, tạo bước đột phá đưa xã về đích nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2016 là 19 triệu đồng/năm, đến năm 2018 đã tăng lên 30,29 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,7%. 
 
Bà Trần Thị Liên - Chủ tịch UBND xã Tân An cho biết: Trong thời gian tiếp theo, Đảng bộ, chính quyền và mỗi người dân xã Tân An tiếp tục phấn đấu duy trì vững chắc và nâng cao 19 tiêu chí đã đạt được, xây dựng các thôn kiểu mẫu. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống người dân.   
 
 
Xây dựng trường học mới ở xã Lang Giàng (huyện Văn Bàn).
 
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo
 
Các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo của huyện Văn Bàn nhiều năm qua được thực hiện đồng bộ, có tác động hỗ trợ, giúp nhiều hộ nhanh chóng thoát nghèo. Đặc biệt, huyện chú trọng thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, dân tộc, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nghèo, giúp giảm nghèo nhanh và bền vững, hạn chế tái nghèo. 
 
Hiện toàn huyện Văn Bàn còn 3.507 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 17,64%. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm nghèo của huyện mới chỉ đạt hơn 70% so với mục tiêu Đề án “Giảm nghèo bền vững huyện Văn Bàn, giai đoạn 2016 - 2020”. Những hạn chế được chỉ ra là: Kết quả xóa đói giảm nghèo chưa thực sự bền vững, kinh tế chủ yếu thuần nông. Bên cạnh đó, những năm gần đây, huyện Văn Bàn liên tiếp bị tác động bởi yếu tố thiên tai diễn biến khó lường, dẫn đến việc giảm tỷ lệ phát sinh nghèo và tái nghèo còn chậm. Sự chênh lệch thu nhập giữa các hộ, nhóm hộ, vùng và các dân tộc vẫn còn cao. Nhiều hộ nghèo, thậm chí một số cấp ủy, chính quyền ở cơ sở, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Tình trạng lao động trong hộ nghèo chưa qua đào tạo, trình độ học vấn thấp, thiếu chuyên môn kỹ thuật và kiến thức cần thiết còn khá phổ biến.
 
Khắc phục những tồn tại trên, phấn đấu hoàn thành mục tiêu Đề án Giảm nghèo của huyện đề ra, từ nay đến năm 2020, huyện Văn Bàn tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4,5% đến 5%, hộ cận nghèo 1% mỗi năm. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ để giảm nghèo mang tính bền vững. Tạo cơ hội thuận lợi để người nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập. Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của hộ nghèo, cận nghèo, dần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng.
 
Ông Phạm Bình Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, năm 2019, huyện Văn Bàn sẽ thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, đặc biệt chú trọng tới các thôn, bản có tỷ lệ hộ nghèo cao. Nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả, thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội cho những người có công với cách mạng, gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội. Thực hiện tốt hỗ trợ tạo việc làm, nhất là lao động người dân tộc thiểu số hoặc trong vùng quy hoạch giải phóng mặt bằng, làm tốt công tác thông tin thị trường lao động. Huyện chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người hơn 40 triệu đồng/người/năm (đạt trên 80% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Văn Bàn lần thứ XX). Cùng với đó sẽ có 1.350 lao động được tạo việc làm mới và phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,1% năm 2019.
                                                                                                                   
Tạo cơ hội thuận lợi để người nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập. Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của hộ nghèo, cận nghèo, dần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng… là mục tiêu mà huyện Văn Bàn phấn đấu trong thời gian tới.

Lam Lĩnh/TC GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

7 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.