THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 04:26

Nâng cao ý thức, trách nhiệm, sự chung tay của toàn xã hội trong bảo vệ trẻ em

20/08/2022 | 06:38
“Sự thiếu hiểu biết về pháp luật, suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân, tác động tiêu cực từ phim ảnh bạo lực trên mạng, sự thiếu gắn bó giữa các thành viên trong gia đình, những bất ổn về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội… đã trực tiếp và gián tiếp gây ra tình trạng bạo lực, XHTE”, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) chia sẻ với PV "Vì trẻ em".
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) .

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) .

PV: Gần đây xảy ra một số vụ bạo hành trẻ em (BHTE) rất dã man khiến dư luận bức xúc. Bà đánh giá như thế nào về thực trạng này? Điều đó ảnh hưởng đến trẻ ra sao, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Nga: Trong thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ việc trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bạo hành do người quen biết hoặc người thân trong gia đình gây ra. Nhiều trẻ em tuổi còn rất nhỏ nhưng bị người lớn bạo hành bằng những hình thức rất dã man, gây phẫn nộ, bức xúc dư luận xã hội như: Vụ người bố đánh tử vong con L.H.A 6 tuổi trong lúc dạy con học tại Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội; vụ cháu Đ.N.A 3 tuổi nghi bị đóng 09 cái đinh vào đầu tại Thạch Thất, Hà Nội; vụ cháu N.T.V.A 8 tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong tại Bình Thạnh, Tp Hồ Chí Minh; vụ cháu bé hơn 1 tuổi bị người chăm sóc bạo hành do quấy khóc tại Hà Nội; vụ cháu bé 7 tuổi bị cha dượng và mẹ đẻ đánh đập tại Đồng Phú, Bình Phước; vụ cháu bé 3 tuổi bị người quen biết đánh đến ngất, sau đó bỏ vào thùng giấy và cho vào tủ đông tại Lý Nhân, Hà Nam…

Trong những vụ việc này, đối tượng xâm hại lợi dụng mối quan hệ lệ thuộc về gia đình (cha mẹ và con, cha dượng, mẹ kế với con riêng của chồng hoặc vợ); mối quan hệ lệ thuộc, gần gũi giữa người chăm sóc, người nuôi dưỡng với trẻ em; giữa người thân thích, hàng xóm, người quen biết với trẻ em để thực hiện hành vi xâm hại.

Hành vi xâm hại, BHTE trong các vụ việc này thể hiện sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân (thói quen dùng bạo lực để giải tỏa), sự coi thường các chuẩn mực đạo đức và pháp luật, những bất ổn về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của đối tượng xâm hại. Đây chính là những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp gây ra hành vi xâm hại trẻ em (XHTE) trong các vụ việc xảy ra gần đây.

Hành vi BHTE không chỉ gây ra nhiều hậu quả trước mắt mà ảnh hưởng lâu dài trong suốt cuộc đời của trẻ em như ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển não bộ của trẻ em, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tâm thần của trẻ (trẻ bị thương tật, rối loạn tâm thần, thậm chí tử vong), trẻ có nguy cơ bỏ học, kết quả học tập kém…

Hậu quả của các hành vi XHTE còn ảnh hưởng đến trật tự, an ninh của xã hội, biểu hiện sự xuống cấp của đạo đức xã hội, gây tâm lý lo ngại trong dư luận xã hội.

Hướng dẫn kiến thức, kỹ năng cho trẻ em biết tự bảo vệ mình là một trong những giải pháp quan trọng để phòng ngừa BHTE. Ảnh minh họa UNICEF

Hướng dẫn kiến thức, kỹ năng cho trẻ em biết tự bảo vệ mình là một trong những giải pháp quan trọng để phòng ngừa BHTE. Ảnh minh họa UNICEF

PV: Theo bà, vì sao Luật Trẻ em đã được tuyên truyền rộng rãi nhưng vẫn xảy ra những vụ việc đau lòng như vậy?

Bà Nguyễn Thị Nga: Qua những vụ việc đau lòng xảy ra đối với trẻ em, có thể thấy nhận thức của một bộ phận gia đình, cha, mẹ trẻ em và xã hội về bảo đảm quyền trẻ em, phòng, chống XHTE vẫn còn hạn chế. Việc tuyên truyền Luật Trẻ em được triển khai rộng rãi. Tuy nhiên, việc hướng dẫn kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa trong gia đình và cho thanh thiếu niên, học sinh tại nhiều nơi chưa được các cơ quan chức năng, tổ chức, cơ sở giáo dục quan tâm đẩy mạnh.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trẻ em phải học trực tuyến trong thời gian dài, cha mẹ giảm thu nhập hoặc mất việc làm, rất nhiều hộ gia đình có trẻ em bị ảnh hưởng về sinh kế, phát sinh mâu thuẫn...; xuất hiện các vấn đề bất ổn về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội trong một bộ phận người dân và trẻ em, làm ảnh hưởng và gây tổn hại tới trẻ em nhưng chưa được phòng ngừa, phát hiện và chăm sóc kịp thời do thiếu dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội.

PV: Trước thực trạng này, về phía các cơ quan quản lý có những biện pháp gì để ngăn ngừa BHTE, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Nga: Để ngăn ngừa BHTE cần thực hiện tổng thể nhiều giải pháp. Trong đó, các giải pháp trước mắt tập trung vào phổ biến kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa XHTE, nhất là thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi, quan niệm về bảo vệ trẻ em, triển khai chương trình giáo dục làm cha mẹ, kỷ luật tích cực.

Hướng dẫn kiến thức, kỹ năng cho trẻ em biết tự bảo vệ mình. Trang bị các kiến thức về quyền trẻ em, thông tin về dịch vụ hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em, về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111); trách nhiệm lên tiếng, thông báo, tố cáo các hành vi XHTE.

Tổ chức các chiến dịch truyền thông, vận động xã hội để nâng cao ý thức, trách nhiệm, sự chung tay của toàn xã hội trong bảo vệ trẻ em, phòng, chống XHTE. Phát động phong trào xã hội phát hiện, lên tiếng, tố cáo hành vi XHTE.

Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước và cơ quan tư pháp về phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại và xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án XHTE.

Nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ bảo vệ trẻ em và triển khai hiệu quả Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, XHTE giai đoạn 2020-2025, Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống XHTE; Công điện số 03/CĐ-LĐTBXH ngày 17/8/2022 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về tăng cường công tác phòng, chống bạo lực, XHTE

Tập trung thanh tra, kiểm tra liên ngành về việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cơ sở cung cấp dịch vụ trong việc giải quyết các vấn đề trẻ em; hỗ trợ, can thiệp, xử lý các vụ việc XHTE thuộc trách nhiệm, thẩm quyền.

Về lâu dài, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, có lộ trình hoàn thiện chính sách, pháp luật và các văn bản hướng dẫn về phòng, chống XHTE, bảo vệ trẻ em. Ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em, đặc biệt về bảo vệ trẻ em; đẩy mạnh vận động nguồn lực xã hội thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em. Tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức làm công tác trẻ em, bảo vệ trẻ em theo hướng tinh gọn, hiệu quả, bảo đảm có nhân lực phụ trách công tác trẻ em ở các cơ quan, đơn vị có chức năng thực hiện quyền trẻ em và các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt cấp xã. Chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế về quyền trẻ em, dự báo và tích cực giải quyết các vấn đề về trẻ em mang tính toàn cầu và khu vực.

Vân Nhi (thực hiện)
Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...
Sẽ trao tặng hơn 52.000 đầu sách cho thư viện các trường tiểu học ở ngoại thành TP.HCM

Sẽ trao tặng hơn 52.000 đầu sách cho thư viện các trường tiểu học ở ngoại thành TP.HCM

1 năm trước

Hơn 52.000 đầu sách sẽ được TP.HCM trao tặng cho 50 thư viện của các trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM với tổng kinh phí 1,8 tỷ đồng.
Lần đầu tiên trao học bổng mang tên nhà thơ - liệt sĩ Thâm Tâm

Lần đầu tiên trao học bổng mang tên nhà thơ - liệt sĩ Thâm Tâm

1 năm trước

Học bổng Thâm Tâm được gia đình nhà thơ - liệt sĩ Thâm Tâm trao cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhằm góp phần động viên, khích lệ, tạo cơ hội để các em vượt khó.
Hành trình Cuộc sống đến với trẻ em khó khăn tỉnh Quảng Nam

Hành trình Cuộc sống đến với trẻ em khó khăn tỉnh Quảng Nam

1 năm trước

Ngày 18/8, tại thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam và Công ty Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam (AIA Việt Nam) tổ chức Chương trình “Hành trình Cuộc sống” và trao...