THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 07:26

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã có nhiều đóng góp trong Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam

18/12/2019 | 10:35
Tham dự buổi làm việc có đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng lãnh đạo các đơn vị trong Bộ và các thành viên Đoàn Kiểm tra.
 
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020 ngành được giao  thực hiện 3 nhiệm vụ: Xây dựng chương trình phát triển thanh niên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giai đoạn 2013 - 2020 và kế hoạch phát triển thanh niên 5 năm 2011 - 2015; Đề án "đổi mới công tác tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề và giải quyết việc làm" và Đề án "Tăng cường công tác thông tin truyền thông về thị trường lao động và việc làm cho thanh niên".
 
 
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc
 
Kết quả, về tư vấn hướng nghiệp, giải quyết việc làm, giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp, Bộ đã tích cực triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách về giải quyết việc làm, tư vấn nghề nghiệp, việc làm. Cụ thể: Giai đoạn 2011 - 2018, hằng năm cả nước đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,5 đến 1,6 triệu lao động , trong đó lao động trong độ tuổi thanh niên là chủ yếu (chiếm khoảng 60%). Quỹ quốc gia về việc làm tiếp tục phát huy vai trò hỗ trợ tạo việc làm một cách hiệu quả thông qua cho vay với lãi suất ưu đãi . Doanh số cho vay giải quyết việc làm từ quỹ quốc gia về việc làm giai đoạn 2015 đến tháng 5 năm 2019 đạt 24.459 tỷ đồng, với gần 800 nghìn lượt khách hàng được vay vốn, góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 885 nghìn lao động, trong đó khoảng 50% lao động trong độ tuổi thanh niên.
 
Về kết nối cung - cầu lao động, Bộ đã chỉ đạo các Sở LĐ-TB&XH các địa phương tổ chức các hoạt động như: "Ngày hội tư vấn nghề nghiệp", "Hội chợ việc làm", gặp gỡ trao đổi giữa thanh niên với người sử dụng lao động để tạo cơ hội học nghề - lập nghiệp cho thanh niên. Giai đoạn 2011 - 2018, hệ thống các trung tâm DVVL đã tư vấn cho khoảng 19 triệu người, trong đó số tìm được việc làm khoảng 5,988 triệu lao động (chiếm 30,3%). Từ năm 2018 đến nay trong khuôn khổ Dự án Phát triển thị trường lao động và việc làm thuộc Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020: Đã tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho 90.507 lượt người trong đó tư vấn cho thanh niên là 73.126 lượt người. Giới thiệu việc làm thành công cho 9.352 lượt lao động trong đó giới thiệu việc làm thành công cho thanh niên là 8.353 người. Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hướng nghiệp, khởi sự doanh nghiệp cho 19.404 lao động, trong đó đào tạo, bồi dưỡng cho thanh niên là 17.759 người.
 
 
Đồng chí Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đánh giá cao những kết quả đạt được của Bộ trong thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên thời gian qua.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, thời gian qua các văn bản pháp luật liên quan đến ngành nói chung, trong đó có thanh niên được tiến hành đầy đủ kịp thời và tương đối toàn diện, đỉnh cao là Bộ luật Lao động sửa đổi với những vấn đề tốt nhất liên quan đến thanh niên đã được lượng hóa trong Bộ luật, nhất là đã gắn với vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp, người chủ sử dụng lao động trong công tác giáo dục nghề nghiệp. Các chính sách pháp luật đã tạo ra bước đột phá rất mạnh trong chuẩn hóa giáo dục nghề nghiệp, phân luồng học sinh. Ngoài ra, những chính sách liên quan cho vay vốn thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, hỗ trợ thanh niên huyện nghèo 30a, thanh niên dân tộc thiểu số đi xuất khẩu lao động hay chương trình đào tạo điều dưỡng viên của Đức và IM Japan là chương trình đưa lao động sang Nhật Bản làm việc theo hình thức thực tập sinh kỹ năng của Bộ LĐTB&XH… cho thấy hệ thống chính sách liên ngành của Ngành bao giờ cũng ưu tiên vấn đề thanh niên.
 
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm, hiện tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam là 2,2%, là một trong 20 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp giảm; chuyển dịch cơ cấu lao động tương đối nhanh, hiện nay chỉ còn hơn 35% là lao động nông nghiệp; giáo dục nghề nghiệp đã đạt 107% chỉ tiêu đề ra.
 
 
Đại diện Đoàn kiểm tra của Ủy ban Quốc gia về thanh niên phát biểu ý kiến
 
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, đạt được những kết quả trên là do Bộ đã không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp với 10 giải pháp căn bản, trong đó có 3 giải pháp đột phá: Một là tự chủ (tự chủ về tổ chức, bộ máy, tuyển sinh về đầu ra, kết nối); hai là kết nối doanh nghiệp, đào tạo theo địa chỉ đầu ra, đào tạo theo đơn đặt hàng và ba là chuẩn hóa về giáo trình, chương trình, đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
 
Bên cạnh đó, bình quân 1 năm cả nước có khoảng 140.000 người đi xuất khẩu lao động, trong đó chủ yếu là thanh niên. Hiện chúng ta đang hướng tới đưa người việt Nam đi xuất khẩu lao động ở những thị trường tốt, hạn chế thị trường rủi ro, công việc rủi ro. Mở ra những lĩnh vực theo tinh thần cùng nhau hợp tác từ đào tạo, tuyển dụng để làm sao sau này người lao động quay trở về có thể phát triển được trong nước.
 
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hiện cũng còn những vấn đề đáng lo ngại về thanh niên. Đó là tình trạng già hóa dân số (nếu năm 2011, mỗi năm có khoảng 1,2 triệu người tham gia thị trường lao động thì nay chỉ còn 400.000 người,/ năm); Khu vực nông thôn đang gặp 2 vấn đề hóa: người già hóa và phụ nữ hóa; sự phát triển về thể lực, tầm vóc thanh niên chậm so với các quốc gia. Quy mô phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực trẻ có vấn đề. Tỷ lệ lao động trẻ qua đào tạo, có chứng chỉ thấp (mới chiếm khoảng 23,5%). Cơ cấu nhân lực Việt Nam bất hợp lý, thiếu thầy, thiếu cả thợ. Tỷ lệ thất nghiệp bình quân cả nước thấp nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao. Tình trạng thanh niên nghiện ma túy, vi phạm pháp luật do nghiện ma túy tăng; tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em còn nhức nhối…
 
 
Đại diện các đơn vị trong Bộ LĐTBXH phát biểu làm rõ thêm các vấn đề trong thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên của Bộ
 
Trước thực trạng đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất với Ủy ban Quốc gia về thanh niên trong thời gian tới cần tạo điều kiện, môi trường cho thanh niên phát triển, đó là môi trường học tập, vui chơi lành mạnh và môi trường để thanh niên tiệm cận vấn đề mới nhưng có khả năng đề kháng, nhất là trong môi trường mạng. Xây dựng và phát triển thị trường lao động đồng bộ, lành mạnh, trong đó cần dự báo chính xác cung cầu lao động. Đào tạo cái thị trường lao động cần chứ không phải nhà trường có. Đồng thời cần phải tổng kết chiến lược phát triển thanh niên báo cáo với Chính phủ để ban hành các chính sách phù hợp, đáp ứng đời sống thực tiễn.
 
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Quốc Phong, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn khẳng định: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có sự chủ động trong triển khai các nội dung công việc của mình, đặc biệt trong các đề án lớn liên quan các lĩnh vực của đời sống xã hội đều dành sự quan tâm lớn tới đối tượng thanh niên. Trong các lĩnh vực mới, mặc dù Bộ Lao động Thương binh và Xã hội được giao vào giai đoạn cuối của Chiến lược như việc quản lý Nhà nước về GDNN nhưng Bộ đã đã rất chủ động triển khai và đã đạt nhiều kết quả quan trọng, đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Về chăm lo cho các đối tượng thanh niên yếu thế và tạo điều kiện cho các đối tượng thanh niên ở các địa bàn khó khăn, các giải pháp của Bộ đều được triển khai rất cụ thể. Đồng chí cũng đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung làm việc của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để đoàn công tác có cái nhìn tổng thể hơn về kết quả công việc của Bộ tham gia vào thực hiện pháp luật, chính sách về thanh niên và công tác thanh niên.
 
 
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà lưu niệm cho đồng chí Lê Quốc Phong
 
Đồng chí Lê Quốc Phong mong muốn, đồng chí Bộ trưởng cũng như các đơn vị của Bộ quan tâm thực hiện tốt các nội dung liên quan đến Chiến lược phát triển thanh niên trong thời gian tới, cũng như các chính sách pháp luật liên quan đến công tác thanh niên như tiếp tục quan tâm chỉ đạo các bộ phận của mình làm sao để đạt được các nhóm chỉ tiêu chiến lược 2011- 2020; mong Bộ có thêm đóng góp, đề xuất cụ thể để Luật thanh niên có thêm nhiều chính sách mới, có sự đột phá cho các nhóm đối tượng thanh niên, thúc đẩy, tạo môi trường thuận lợi cho thanh niên phát triển. 

“Trong các nhóm công việc, chúng tôi quan tâm tới vấn đề việc làm cho thanh niên, trong đó có thị trường lao động, làm sao để có thông tin kịp thời, hiệu quả tới thanh niên, tới xã hội về nhu cầu thị trường lao động; làm tốt điều này, hệ hống trường nghề sẽ hoàn thiện, phát triển tốt. Chúng tôi kỳ vọng làm mạnh mẽ vấn đề này hơn nữa”- Đồng chí Lê Quốc Phong nhấn mạnh. 

Bài, ảnh: Thùy Hương/Tạp chí Gia đình và Trẻ em

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

5 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...