CHỦ NHẬT, NGÀY 05 THÁNG 05 NĂM 2024 02:36

Ngành Y tế tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh

15/12/2019 | 05:48



Ngành Y tế đã có nhiều nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh cho nhân dân. Ảnh: Đức Thắng

Theo các chuyên gia y tế, điểm mấu chốt của việc giảm thời gian khám, chữa bệnh là việc ứng dụng công nghệ thông tin. Theo đó, các bệnh viện lớn thời gian qua đã áp dụng nhiều biện pháp như: Thực hiện quy trình khám, chữa bệnh một cửa, tăng cường hướng dẫn người bệnh, mở nhiều bàn khám, bàn thu phí, khám chữa bệnh từ 6 giờ 30, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thông tin bệnh nhân tới các phòng khám, kê đơn trên máy… Thế nhưng, trung bình bệnh nhân vẫn mất nhiều giờ mới hoàn thành việc khám, chữa bệnh. Bởi thời gian mà bệnh nhân chờ lấy số thứ tự chiếm nhiều nhất, thường là trên 1 giờ đồng hồ, rồi đến thời gian chờ làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, cuối cùng là lĩnh và mua thuốc… Nguyên nhân dẫn tới thời gian khám bệnh kéo dài là do: Các bệnh viện sợ thất thu viện phí, thủ tục của bảo hiểm y tế phức tạp, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin chưa cao, việc tổ chức thực hiện của các khoa khám bệnh và các bộ phận liên quan chưa liên hoàn…

Trên thực tế, mặc dù quy trình khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tương đối giống nhau từ khâu tiếp đón, lấy số thứ tự, khám chữa bệnh lâm sàng, thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán bệnh, thanh toán và lĩnh thuốc, song phần bố trí, sắp xếp các khoa, phòng tại nhiều bệnh viện vẫn chưa hợp lý, không bố trí nhiều bàn khám và tiếp đón bệnh nhân khiến quy trình khám, chữa bệnh và mức độ áp dụng công nghệ thông tin ở mỗi bệnh viện khác nhau. Vì lo sợ thất thu, nhiều bệnh viện yêu cầu bệnh nhân đóng tiền tạm ứng viện phí nhiều lần, phôtô nhiều giấy tờ trước và trong khi khám bệnh để nộp cho bệnh viện và các khoa khiến bệnh nhân mất nhiều thời gian để hoàn thành các thủ tục này. Trong khi đó, thời gian bệnh nhân được khám, chữa bệnh quá ít và nhiều bệnh nhân còn không được tư vấn về các vấn đề liên quan đến bệnh tật, sức khỏe. Chính điều này đã dẫn đến sự thiếu hài lòng và bức xúc của người bệnh.

Để giải quyết các “điểm nghẽn” và “ùn ứ” bệnh nhân ở các bệnh viện, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, thời gian qua ngành Y tế đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để có một quy trình khám, chữa bệnh liên hoàn. Đồng thời phải xây dựng quy trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân khám chữa bệnh thông thường, khám chữa bệnh chuyển tuyến và khám chữa bệnh ngoại trú một cách khoa học. Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tinh giản thủ tục như: Ban hành mẫu giấy chuyển viện mới, quy định chỉ nộp tiền một lần, sửa mẫu bảng kê chi phí khám bệnh, chữa bệnh sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh… Đặc biệt, Bộ đã triển khai đồng bộ nhiều đề án về công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế gồm: Bệnh án điện tử, mạng hóa báo cáo, tin học hóa y tế cơ sở… nhằm giảm phiền hà, thời gian chờ đợi, khám chữa bệnh của bệnh nhân; đồng thời nâng cao chất lượng công tác khám bệnh, chữa bệnh trong các bệnh viện.

Từ năm 2008, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” (Đề án 1816) nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế; Giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trung ương; Chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới.

Năm 2019, Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019 -2025; tiếp tục triển khai Đề án thí điểm hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) không in phim tại 15 bệnh viện, Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia được triển khai đến tất cả các điểm tiêm chủng trên toàn quốc. Hệ thống quản lý thông tin bệnh truyền nhiễm bằng phần mềm tại 1.761 xã, phường, thị trấn của 33 tỉnh, thành phố.

Ngành y tế cũng phát triển hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, bệnh án điện tử và tích cực thực hiện Đề án ứng dụng công nghệ thông tin tại trạm y tế xã, phường giai đoạn 2018-2020, hoàn thiện phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử, hiện đã được áp dụng tại trên 15 tỉnh, thành phố. Ngày 12-11, Bộ trưởng Y tế cũng đã ban hành Quyết định 5349 phê duyệt Kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hóa hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ Y tế đã xây dựng phần mềm thống kê y tế điện tử và triển khai ở 13 tỉnh; phần mềm cổng thông tin y tế và một số hệ thống thông tin khác làm cơ sở hình thành y tế số; Duy trì ổn định hoạt động của 51 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, 100% các dịch vụ hành chính công được cung cấp ở mức độ 2, triển khai cơ chế một cửa quốc gia.

Đến nay 100% bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh và triển khai phần mềm quản lý thông tin bệnh viện; 92,3% bệnh viện triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm; 86,2% bệnh viện triển khai phần mềm quản lý điều hành như văn bản điện tử, thư điện tử, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người bệnh khi đến khám chữa bệnh. Ngành cũng đã nâng cấp, hoàn chỉnh phần mềm quản lý bệnh viện (phần mềm HIS), đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để đáp ứng tốt việc kết nối liên thông dữ liệu giữa các cơ sở y tế với cổng tiếp nhận dữ liệu thuộc hệ thống Thông tin giám định bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng như Cổng dữ liệu y tế của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc liên thông dữ liệu vẫn gặp nhiều khó khăn như: Hệ thống dữ liệu danh mục dùng chung ngành y tế còn chưa đầy đủ; chưa có văn bản hướng dẫn về thuê dịch vụ công nghệ thông tin, một số văn bản hướng dẫn do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ban hành chưa thống nhất. Đồng thời, các máy tính yếu về cấu hình, thiếu về số lượng, tốc độ đường truyền internet còn chậm, không ổn định; chưa kết nối được kết quả xét nghiệm vào phần mềm do thiếu đồng bộ của các máy xét nghiệm. Ngoài ra, các cán bộ y tế ít được đào tạo về công nghệ thông tin, đặc biệt ở tuyến y tế cơ sở, nguồn nhân lực công nghệ thông tin vừa yếu vừa thiếu; người đứng đầu chưa thực sự quan tâm và hiểu hết ý nghĩa của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và giám định thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế...

Để khắc phục những khó khăn này, thời gian tới, ngành Y tế cần tiếp tục nâng cao hiệu quả ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu danh mục/từ điển dùng chung cốt yếu gắn liền với mã định danh, làm nền tảng cho việc trao đổi thông tin, khả năng tích hợp giữa các hệ thống trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để các bệnh viện chủ động hoàn thiện hệ thống thông tin bệnh viện…

Minh Anh/GĐ&TE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.