THỨ TƯ, NGÀY 15 THÁNG 05 NĂM 2024 05:10

Ngày 4/10: Cái mốc cho người lao động đã được dựng lên

06/10/2020 | 07:40

 

Để nâng cao kỹ năng lao động Việt Nam, nhất thiết phải đổi mới giáo dục. Ảnh minh họa Internet

 

Cần có một ngày để người lao động soi lại mình và nâng tầm lên


Trong lao động sản xuất, năng suất – chất lượng – hiệu quả là những tiêu chí cơ bản để đánh giá sự đóng góp của người lao động.  Muốn có năng suất cao, chất lượng bảo đảm, hiệu quả tốt, người lao động phải có kỹ năng lao động hoàn thiện.


Xuất phát từ những yêu cầu này, ngày 28/5/2020, Thủ tướng đã ký Chỉ thị 24 nhằm chọn một ngày trong năm  làm “Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam”. Bộ LĐTBXH, cụ thể là Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp đã tập trung nghiên cứu vấn đề này.


Theo Tổng cục, phát triển kỹ năng cho người lao động có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển và phồn thịnh của mọi quốc gia trên thế giới. Chất lượng kỹ năng lao động giúp tăng tỷ lệ lao động có việc làm, tăng chất lượng việc làm bền vững, giảm thất nghiệp, giảm tệ nạn xã hội, tăng an sinh xã hội. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc có Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam là rất cần thiết. Cần có một ngày để người lao động Việt Nam soi lại mình, nâng tầm mình lên để đạt được những đỉnh cao mới trong hoạt động lao động sản xuất. Thông qua đó, người lao động được tôn vinh, năng suất lao động được nâng cao, năng lực cạnh tranh quốc gia được tăng cường.


Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và một số cơ quan tham mưu đã đưa ra nhiều  phương án để chọn làm “Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam” và ngày 4/10 đã được lựa chọn. Từ nay trở đi, ngày 4/10 hằng năm trở thành ngày có ý nghĩa quan trọng với người lao động Việt Nam. Thủ tướng chọn ngày 4/10 nhằm hưởng ứng Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới (World Youth Skills Day) hằng năm (15/7) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 2014.


Hãy hành động để nâng cao kỹ năng lao động của người Việt Nam!


Từ “kỹ năng” xuất hiện trong tiếng Việt cũng đã khá lâu rồi và trong những năm gần đây, nó được nhắc tới rất nhiều. Vậy kỹ năng là gì? – Kỹ năng là sự hiểu biết sâu sắc và thực hiện thành thục các thao tác trong một lĩnh vực nào đấy. Ví dụ, người có kỹ năng dạy học là người hiểu rõ ý nghĩa của việc dạy và học, đồng thời người này thực hiện các bài giảng với chất lượng cao. Như vậy, khi nói tới kỹ năng là đặt ra đòi hỏi cao đối người thực hiện công việc đó.


Việc công bố “Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam” nhằm mục đích kêu gọi cộng đồng hưởng ứng và ủng hộ phát triển kỹ năng lao động bằng các hành động cụ thể để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam. Đồng thời, việc này còn khích lệ tinh thần học tập, rèn luyện suốt đời để nâng cao kỹ năng, trình độ của học sinh, sinh viên và người lao động; tôn vinh và khẳng định vị thế quan trọng của người lao động giỏi - có kỹ năng, nhất là người lao động có tay nghề cao, kỹ năng nghề nghiệp xuất sắc. Việc này thúc đẩy sự đồng hành, gắn kết của Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp và toàn xã hội trong phát triển kỹ năng cho người lao động, thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.


Như vậy, việc phát triển một lực lượng lao động có tay nghề cao đáp ứng cho một nền kinh tế công nghiệp hóa vào năm 2020 đã được khẳng định. Đây sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để đất nước gia nhập và hưởng lợi từ các chuỗi giá trị toàn cầu.

 


 

Giỏi nghề là mục tiêu lớn nhất của giáo dục nghề nghiệp. Ảnh minh họa Internet


Phải thay đổi để nâng cao kỹ năng lao động Việt Nam


Việt Nam sắp chạm mốc là đất nước có 100 triệu người, trong đó có khoảng 55 triệu lao động. Việt Nam đang ở trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” – số người lao động nhiều hơn số người phụ thuộc. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để Việt Nam bứt phá trong phát triển. Muốn đạt được điều này, một trong những điều tiên quyết là kỹ năng lao động của người Việt Nam phải được nâng lên. Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam thúc giục chúng ta làm điều đó.


Để nâng cao kỹ năng lao động Việt Nam, nhất thiết phải đổi mới giáo dục, từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học. Để làm được điều này, phải đổi mới tư duy, trong đó việc có thể làm ngay là đổi mới tư duy dạy nghề. Đã đến lúc phải thay đổi mục đích dạy nghề để “xóa đói giảm nghèo” bằng mục đích dạy nghề để vươn ra thế giới và để làm giàu, nghĩa là việc dạy nghề phải nằm trong chính sách phát triển, nằm trong chiến lược chuyển đổi cơ cấu nông – công nghiệp nhằm nâng cao sức sản xuất.


Việc tổ chức lại hệ thống dạy nghề cũng cần thiết. Phải có một hệ thống dạy nghề để tạo ra những lao động chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, nghĩa là phát triển những lĩnh vực sản xuất mà giá trị sản phẩm của chúng nằm ở những bộ vi xử lý bé nhỏ chứ không phải là máy móc cồng kềnh. Người Việt Nam được đánh giá là có năng lực trong việc phát triển kinh tế tri thức. Chúng ta đã bàn tới việc này từ 20 năm trước, bây giờ phải bắt tay vào thực hiện.


Việt Nam đang trên đường phát triển. Muốn đuổi kịp và vượt các nước trong khu vực thì chúng ta phải nghĩ khác đi, làm khác đi để có thể “đi tắt, đón đầu”. Khi kỹ năng lao động được cải thiện, được nâng cao và không ngừng hoàn thiện, chúng ta sẽ làm được điều này.

Hồ Bất Khuất/TC GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

7 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.