THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 05 NĂM 2024 11:46

Nghị lực phi thường của người khuyết tật

03/10/2019 | 16:58


Anh Nguyễn Kim Khôi hướng dẫn người khuyết tật học nghề 
 
Vượt qua số phận
Bình thường, ai mới gặp anh Khôi thì khó mà biết tình trạng sức khỏe của anh, bởi anh vẫn đi lại, sinh hoạt vẫn như thường. Thậm chí, anh còn đi xe máy nhanh là đằng khác. Người tinh ý lắm mới thấy bước chân của anh không nhanh nhẹn được như người bình thường. Thế nhưng, không ai có thể ngờ rằng, bên trong ống quần dài bên chân trái là một đoạn ống và bàn chân giả, chân phải cũng đã mất luôn cả bàn. Phần lớn những người bị khuyết tật như anh Khôi cuộc sống sẽ rất khó khăn, thậm chí có người cần phải người chăm nom thường nhật. Chính sự nỗ lực đã khiến người đàn ông này vượt lên để sống, để cống hiến cho đời.
 
Một trong những điều có ý nghĩa nhất mà Nguyễn Kim Khôi làm được chính là tổ chức dạy nghề miễn phí, tạo việc làm cho người khuyết tật. Suốt 10 năm qua, anh vẫn cần mẫn, kiên trì, gắn bó và coi những người khuyết tật như chính người thân của mình.
 
Kể về câu chuyện cuộc đời mình, anh Khôi hướng ánh mắt nhìn xa xăm: “Trước đây, tôi vốn là trưởng phòng cho một công ty liên doanh với nước ngoài chuyên về hướng dẫn điều chỉnh, sử dụng máy may công nghiệp. Năm 2004, trên đường đi công tác tôi gặp tai nạn giao thông. Vận đen đã khiến tôi phải cưa cả ống chân trái và nửa bàn chân phải. Trong cách phân loại mức độ khuyết tật ở Việt Nam thì tôi thuộc loại khuyết tật nặng”.
 
Sau khi bị tai nạn, người đàn ông này đã có một khoảng thời gian chìm trong đau khổ. Anh không thiết sống, lúc nào cũng chỉ suy nghĩ tiêu cực. Từ một người bình thường, lành lặn, anh mang mặc cảm, tự thấy bản thân mình vô dụng. “Sau một thời gian chìm trong thất vọng, tôi tự hỏi bản thân, cứ than thân trách phận thì được gì? Tôi quyết định phải vượt lên số phận. Tôi đã nỗ lực rất nhiều để sống độc lập, không chỉ vì bản thân mà tôi muốn cả cộng đồng người khuyết tật đều có thể sống độc lập. Tôi luôn hi vọng mình có thể mang đến việc làm, tạo ra môi trường làm việc tốt nhất cho những người có hoàn cảnh như mình…”, ông Nguyễn Kim Khôi chia sẻ.  
 
Kể từ đó, anh tích cực tham gia sinh hoạt trong tổ chức hội của người khuyết tật ở xã và các cấp cao hơn. Năm 2008, anh bắt đầu tham gia vào việc dạy nghề may cho người khuyết tật. 
 
Mong muốn tạo nhiều việc làm cho người khuyết tật
Thành lập năm 2009, Cơ sở may và học nghề 3/12 do anh Khôi đứng ra tổ chức đã dạy nghề miễn phí và tạo việc làm cho hàng trăm người khuyết tật. 10 năm qua, anh vẫn luôn trăn trở tìm cách tạo thật nhiều việc làm giúp cho những người khuyết tật có được công việc, giúp họ tự lập tài chính, ổn định và có suy nghĩ tích cực về cuộc sống. Hiện cơ sở có khoảng 20 máy khâu và thường xuyên có khoảng 15 lao động khuyết tật đến làm việc và học nghề. Không kể một số cháu khuyết tật khác, sau khi đã được đào tạo thành thục xin về làm tại nhà, gia công cho cơ sở của ông.
 
Sản phẩm của cơ sở chuyên về các loại cờ: cờ tổ quốc, cờ họ, cờ lễ hội, cờ phật, cờ đuôi nheo… Lương các học viên tùy theo sản phẩm, và sản phẩm nhiều ít cũng còn tùy ở sức khỏe và tình trạng khuyết tật. Trung bình khoảng 4-5 triệu/ tháng. Ngoài 15 lao động thường xuyên, số học viên học nghề và làm việc của cơ sở lên tới 50 người tới từ các tỉnh, thành khác. Họ đều là những người khuyết tật kém may mắn.
 
Ông Khôi chia sẻ: “Các cháu đến với tôi thuộc các đối tượng khuyết tật khác nhau, đa phần là khuyết tật nặng. Tôi thường phải tự tạo các loại giáo án khác nhau, tự học ngôn ngữ cơ thể… để truyền đạt kiến thức cho các cháu. Ví dụ, có cháu chỉ sử dụng được một bên tay, tôi rèn cho cháu dần dần tay và cánh tay còn lại cũng thành hữu ích. Có cháu khuyết tật chân quá ngắn, không với tới bàn đạp máy, tôi điều chỉnh trục máy thấp xuống và chế tạo thiết bị nối dài chân như dùng một đôi guốc cao siêu khổ, tạo thiết bị để làm bàn chân các em xoay khi sử dụng bàn đạp máy. Đối với người khuyết tật, nghề may là một trong những nghề được nhiều người lựa chọn. Hiện nay, cơ sở của tôi cũng đã có nhiều cải tiến về thiết bị cho phù hợp với thể trạng của người lao động. Vào những đợt cao điểm, mọi người có thể mang việc về nhà làm để thêm thu nhập”.
 
Những năm qua, anh Khôi luôn trăn trở, tìm cách tạo thật nhiều việc làm giúp đỡ những người khuyết tật. Anh luôn mong muốn họ có được những suy nghĩ tích cực về cuộc sống và có kế sinh nhai, giảm bớt phụ thuộc vào người thân, gia đình. Anh ấp ủ hi vọng rằng mô hình vừa dạy nghề vừa cung cấp việc làm được nhiều người chung tay, giúp đỡ nhân rộng ra trên mọi miền Tổ quốc, để ở người khuyết tật có thể tự làm việc, hòa nhập cộng đồng.
 
Trong thời gian qua, anh Nguyễn Kim Khôi đã tổ chức dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật, có chỗ ở cho người khuyết tật ở xa, hỗ trợ ăn trưa miễn phí, mỗi người khuyết tật đến học nơi đây được hỗ trợ đi lại 20 nghìn đồng/ngày, vừa học vừa làm và được hưởng lương trực tiếp trên từ sản phẩm. Số lượng người khuyết tật đến với anh ngày một tăng lên, lúc đầu chỉ có vài người đến giờ anh đã đào tạo được gần 30 người khuyết tật với các dạng tật khác nhau trong đó có người khuyết tật nặng, có người thuộc hộ nghèo. Cho đến nay, cơ sở sản xuất của anh có hơn 10 lao động cố định với nhiều dạng tật khác nhau như câm điếc, khuyết tật vận động, thiểu năng trí tuệ…. Có nhiều em đã gắn bó với anh từ những năm đầu thành lập như em Chu Ngọc Anh và em Lê Thị Hà cùng sinh năm 1986, sống tại phường Đức Thắng, cùng là người khuyết tật câm điếc, sau khi 2 em đến làm việc đã bén duyên và đã nên vợ thành chồng. Anh Khôi có chia sẻ: “ lúc đầu dạy các cháu khó khăn lắm, nói thì các cháu không nghe thấy, không hiểu gì, nên anh đã nghĩ ra cách may mẫu từng đường, chỉ từng cm để các em nhìn và bắt chước theo, lúc đầu hỏng nhiều hàng lắm, nhưng lâu dần cũng đẹp hơn và bây giờ là thợ may có tay nghề cứng, thu nhập 1 ngày được 120.000đ/1 cháu. Không những thế hai đứa còn nên duyên, giờ đã có con đi học lớp 1 rồi. Anh vui lắm, gia đình 2 cháu cũng mừng”.
 
Không chỉ dừng lại ở đó, với người khuyết tật liệt nửa người như em Nguyễn Thị Minh ở Liên Mạc, gia đình tưởng rằng sẽ phải nuôi em cả đời nhưng qua các buổi sinh hoạt của Hội, em Minh đã được anh Khôi nhận vào học và làm việc, với khó khăn về dạng tật - tay co rút, chân thì yếu, vậy mà nhờ sự chỉ bảo tận tình của anh, em Minh đã học được nghề và có thu nhập khoảng 70.000đ/ 1 ngày. Bên cạnh đó, anh thường xuyên tham gia các phiên giao dịch việc làm thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tại 215 Trung Kính và Trung tâm giới thiệu việc làm Thanh niên Hà Nội.  Mỗi phiên giao dịch việc làm được tổ chức thì cơ sở học nghề tạo việc làm của anh lại nhận từ 2 đến 3 người khuyết tật về cơ sở để dạy nghề may. Học viên của anh có những người ở các tỉnh xa như: Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Nam Định… về học tập bởi thế cơ sở cũng gặp một số vấn đề khó khăn trong việc bố trí chỗ ở cho học viên. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu trong công việc anh có thuê 1 xưởng may gần nhà rộng 150m2, đặt 12 máy may công nghiệp và một số máy chuyên dụng khác để tiện cho công việc dạy nghề và làm việc của cơ sở.
 
Qua trao đổi với cán bộ tại địa phương về cơ sở may theo hình thức hộ gia đình của anh Khôi, cán bộ địa phương cũng cho biết anh Khôi và gia đình đã chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham gia tích cực vào các hoạt động của địa phương, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân. Hằng năm, gia đình anh luôn vinh dự được khen tặng: “Gia đình văn hóa”.
 
Bên cạnh đó, để giúp đỡ được nhiều người hơn nữa, anh đã tìm đến và tham gia Hội với mục đích giúp đỡ được nhiều người khuyết tật cùng cảnh ngộ với mình. Hiện nay, anh đang là Trưởng ban kiểm tra và phụ trách dạy nghề - tạo việc làm của Hội Người khuyết tật quận Bắc Từ Liêm. Công việc bộn bề là thế, nhưng anh vẫn dành thời gian tham gia các hoạt động Hội như: dự các buổi họp liên quan đến việc làm cho người khuyết tật, tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ của Hội với các cụm thi đua của Hội người khuyết tật thành phố… Với chức danh Trưởng ban kiểm tra của Hội, anh đã cùng với các ủy viên trong Ban kiểm tra thực hiện tốt vai trò của mình như: kiểm tra tình hình hoạt động của Ban chấp hành, tình hình tài chính và xử lý các việc liên quan đến nhiệm vụ của mình.
 
Câu chuyện của anh Nguyễn Kim Khôi cho chúng ta thấy nghị lực của một con người vượt lên sự khắc nghiệt của số phận. Chúng ta không những có thể tạo ra cho bản thân mình một cuộc sống mới mà còn mở ra một cánh cửa hy vọng cho nhiều người có hoàn cảnh như mình, có thêm niềm tin và cơ hội mới trong cuộc sống. Với tấm lòng thiện tâm của anh, tôi tin rằng cơ sở may của anh sẽ ngày một khang trang và phát triển, giúp được nhiều người khuyết tật được học nghề nghề, tạo việc làm và thu nhập vững bền để tự tin sống và hòa nhập cộng đồng.

 

Minh Nhật/GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

7 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.