THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 05:15

Nghỉ phòng dịch, đề phòng trẻ bị chó cắn

31/03/2020 | 10:31
 
Mối nguy hiểm từ chó nhà
 
Ngày 15/3/2020, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn N. H. 6 tuổi (trú tại phường An Tường, TP. Tuyên Quang) nhập viện trong tình trạng lo sợ, hoảng loạn sau khi bị chó nhà cắn. Gia đình cho biết, sự việc xảy ra khi bé H. đang nô đùa cùng con chó nhà nuôi, thì bất ngờ bị con chó tấn công. Bác sĩ Đặng Quang Tuấn, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang (bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân H.) cho biết: Bệnh nhi H. nhập viện với vết thương phức tạp ở vùng mặt. Bác sĩ đã tiến hành xử trí vết thương, băng ép và cho đi chụp chiếu kiểm tra toàn trạng cho bệnh nhi. Sau đó, bệnh nhi đã được nhập viện điều trị, chăm sóc và theo dõi nội trú.
 
Một trường hợp nữa bị chó cắn vào vùng mặt trong dịp nghỉ học phòng dịch Covid-19 là bé Nguyễn Trí H. (6 tuổi) ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Kỳ nghỉ phòng dịch kéo dài, nhà neo người, bố mẹ vẫn đi làm bình thường nên phải gửi bé H. sang nhà hàng xóm nhờ chăm sóc hộ. Do từ nhỏ đã thường xuyên sang nhà hàng xóm ở mỗi khi bố mẹ bận, nên bé H. khá quen và thường chơi đùa với chú chó nuôi của nhà chủ. Tuy nhiên, hôm đó bác chủ nhà xuống vườn hái rau nên H. khóc và chạy theo. Chú chó thấy bé H. chạy theo chủ nhà liền đuổi. Chó càng đuổi theo, bé H. càng hoảng sợ, chạy nhanh và khóc to. Khi bé H. trượt chân vấp ngã, chú chó đã chồm lên và cắn vào mặt bé. Với 3 vết cắn ở gần mắt, bé H. đã được người nhà sơ cứu và đưa tới Trung tâm Dịch vụ và Y tế dự phòng (131 Lò Đúc, Hai Bà Trưng, HN). Tại đây, các bác sĩ đã khám, xử lý vết thương và tiêm phòng bệnh dại cho bé. Các bác sĩ cũng cho biết, vết thương của bé khá nguy hiểm vì gần mắt, nhưng may chưa ảnh hưởng tới thị lực và gia đình đã có những bước sơ cứu rất đúng, đưa bé đến cơ sở y tế kịp thời.  


Những chú chó cảnh được nuôi như thú cưng trong nhà cũng là mối nguy hiểm đối với trẻ. Ảnh: Hương Giang

Làm gì để giảm nguy cơ trẻ bị chó nhà cắn?
 
Chó là vật nuôi quen thuộc của rất nhiều gia đình. Trong kỳ nghỉ phòng dịch Covid-19 kéo dài đã gần 2 tháng, nhiều nhà không có người trông trẻ nên phải gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc hộ. Ở quê, mỗi nhà thường nuôi ít nhất 1 chú chó để trông nhà, mà trẻ em lại thường thích chơi đùa, âu yếm chó nên nguy cơ trẻ bị chó nhà tấn công là rất lớn. Hầu hết các trẻ bị chó tấn công đều trong độ tuổi từ 2 đến 6, chưa có kỹ năng phòng vệ cho bản thân. Đặc biệt, nhiều gia đình, sau khi có người thân (đặc biệt là trẻ em) bị chó cắn, nghĩ là chó nhà nên đã không đến các cơ sở y tế để tiêm phòng. Cũng có trường hợp, người nhà chỉ biết con em bị chó nhà cắn khi trẻ đã phát bệnh dại, vì trẻ thường sợ hoặc quên nói với người lớn mình bị chó cắn. Chính sự chủ quan, thiếu hiểu biết về bệnh dại và cách xử trí khi bị chó cắn mà nhiều vụ việc thương tâm đã xảy ra.
 
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm do virus dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật. Theo các chuyên gia y tế, thời gian ủ bệnh của bệnh dại kéo dài, sớm nhất là nửa tháng, đa số là vài ba tháng, có trường hợp kéo dài cả năm. Thời gian phát bệnh phụ thuộc vào vị trí bị chó cắn. Đặc biệt, vị trí bị chó cắn càng gần thần kinh trung ương thì nạn nhân càng phát bệnh nhanh. Chính vì vậy, khi bị chó cắn ở những vị trí như đầu, mặt, cổ thì cần phải tiêm huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt trong vòng 12 giờ sau khi bị chó cắn. Bệnh dại trên cơ thể người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine hay huyết thanh kháng dại. Tiêm huyết thanh là đưa một lượng kháng thể sẵn có vào cơ thể để trung hòa với virus dại, còn vaccine là nhằm củng cố miễn dịch lâu dài về sau.
 
Biểu hiện của bệnh dại trên cơ thể người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như là 100% đối với cả người và động vật. Các bác sĩ khuyến cáo, tốt hơn hết nên tiêm vaccine ngay sau khi bị chó cắn. Cùng với đó, phải tiêm phòng đủ liều theo quy định, đúng liều lượng, kỹ thuật và tiêm đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm theo hướng dẫn. 


Trẻ em lại thường thích chơi đùa, âu yếm chó nên nguy cơ trẻ bị chó nhà tấn công là rất lớn. Ảnh: Thúy Sơn

 Tại Việt Nam, chó là ổ chứa virus dại chủ yếu, chiếm 96-97%. Mỗi năm, nước ta có thêm 50-60 ca tử vong vì bệnh dại.
 
4 bước xử trí quan trọng sau khi bị chó cắn
 
1. Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch liên tục. 
 
2. Tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Pvidone, Iodine.
 
3. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.
 
4. Đến ngay cơ sở y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. 

Cách phòng chống chó cắn và bệnh dại
 
- Nhà có trẻ em, nên hạn chế nuôi chó.
- Tuân thủ lịch tiêm phòng dại cho chó, mèo đầy đủ.
- Khi nuôi chó, cần dùng xích hoặc chuồng để nhốt lại.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với chó, nhất là vào mùa nắng nóng.
- Phải luôn để mắt đến trẻ em ngay cả khi chó đã được xích.
- Chó đi dạo hoặc ra đường cần đeo rọ mõm.
- Nhắc trẻ không được đến gần khi chó đang ăn hoặc có các dấu hiệu bị bệnh.
- Cần tiêm phòng đầy đủ cho trẻ khi bị chó dại cắn.
- Khi trẻ bị chó cắn, phải xử lý như theo các bước, tuyệt đối không vì tức giận mà đánh chết chó.
 
Tuyệt đối không làm những điều sau khi bị chó cắn:
 
- Không dùng thuốc Nam, đặc biệt là sát lá, đắp vào vết thương.
- Không sử dụng xăng dầu, dầu hỏa bôi lên vết thương.
- Không thử dại bằng Đông y.
- Không chữa bệnh dại bằng Đông y hay thuốc Nam.
- Lưu ý tuyệt đối không được bóp hay nặn máu ra và không băng kín vết thương.
 
Bệnh dại là một bệnh nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng người bệnh. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, việc sơ cứu và tiêm vaccine dự phòng sau khi bị động vật cắn là rất quan trọng, hiệu quả trong việc phòng bệnh dại.
 

Hồng Trần/GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...