CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 06:25

Người cha nuôi cao cả qua lăng kính đạo diễn Pháp

30/06/2018 | 07:02

Đạo diễn, nhiếp ảnh gia, quay phim Matthieu Haag.
 
Đạo diễn Matthieu Haag đưa vào phim «Mái ấm xa mẹ” một câu chuyện thực tế về cuộc gặp gỡ của chính đạo diễn và ông Vũ Tiến – người đã cưu mang, chăm sóc nhiều trẻ em cơ nhỡ đến từ mọi nơi. Bộ phim cũng góp phần tạo ra sự đa dạng và phong phú trong cách tiếp cận về xã hội, con người, chất liệu cuộc sống cùng cách kể chuyện mới mẻ. Với nội dung mang tính nhân văn sâu sắc cùng chất liệu làm phim chân thực, bộ phim tài liệu “Mái ấm xa mẹ” (tựa gốc : L’Orphéninage) đã giành giải Phim Tài liệu hay nhất (Liên hoan phim Quốc tế Martinique); được bình chọn trong Liên hoan Phim Quốc tế Nyon “Tầm nhìn thực tiễn” và là bộ phim bế mạc của Liên hoan Phim Olonne, Pháp năm 2018; được sự chú ý đặc biệt tại Liên hoan phim Tài liệu Châu Âu - Việt Nam lần thứ 9 vừa diễn ra tại Việt Nam.
 
Matthieu Haag đảm nhận nhiều vai trò như đạo diễn, nhà sản xuất, nhà viết kịch bản, đạo diễn hình đồng thời cũng là quay phim. Đam mê điện ảnh đến với Matthieu Haag khá muộn. Ông chia sẻ : “Tôi chưa từng thích đi xem phim mãi cho đến năm 25 tuổi”. Nhưng Matthieu Haag được nhiều khán giả biết đến với những bộ phim « Thực trạng » (État des lieux) năm 2012, « Mùi hương của Liban » (Un parfum de Liban) năm 2014. 
 

Đạo diễn người Pháp Matthieu Haag (người thứ ba từ trái sang), nhân vật Vũ Tiến (người thứ hai từ trái sang) chia sẻ về quá trình làm phim tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace.
 
Chào đạo diễn Matthieu Haag, cơ duyên nào khiến ông chọn ông Vũ Tiến làm nhân vật chính để làm phim? 
 
Tôi đến Trung tâm nuôi dưỡng của ông Vũ Tiến một cách tình cờ. Lúc đầu khi đến Việt Nam, tôi dự định sẽ thực hiện một phim ngắn kể về câu chuỵện truyền từ người cha cho con trai. Khi nguời cha sắp qua đời dặn dò con trai phải có trách nhiệm gánh vác, giúp đỡ gia đình. Được một người bạn là đạo diễn đã gợi ý cho tôi thực hiện cảnh quay ở Trung tâm Mái ấm Xa mẹ. Khi tôi đến đó bày tỏ mong muốn tìm một đứa bé đóng vai người con và ông Vũ Tiến đã đồng ý ngay, vì đó cũng là một trải nghiệm mới mẻ và mở mang cho đứa trẻ tên Kiên. Ông Vũ Tiến kể cho tôi nghe chuyện đời của ông, từng là đứa trẻ bất hạnh không được đến trường học đầy đủ (cũng giống tôi), cộng với những khó khăn và câu chuyện của ông ấy thời trẻ đã làm tôi rất xúc động và quyết định làm bộ phim tài liệu về ông. Tôi đã quyết định ở Việt Nam lâu hơn để ghi lại cuộc sống sinh hoạt thường ngày ở trung tâm của người cha nuôi này. Thông điệp xuyên suốt bộ phim là những đứa trẻ tuy thiệt thòi nhưng chúng sẽ phấn đấu vươn lên và thành công.
 
Quá trình quay bộ phim này đã cho ông xúc cảm thế nào để làm nên bộ phim mang tính nhân văn lay động lòng người?
 
 Điều khó tin là trong lúc phỏng vấn ông Vũ Tiến, có lúc ông trả lời trong 20 phút không ngừng bằng tiếng Việt, dẫu trong đầu tôi không hiểu gì nhưng tôi tiếp nhận tất cả những tâm sự của ông ấy bằng cả da thịt, bằng xúc cảm. Đôi khi tôi sởn cả da gà. Sau khi tôi về Pháp được cô trợ lý dịch tóm tắt và hiểu rõ hơn những gì ông ấy nói. Và tôi có hai cảm xúc với ông Vũ Tiến và với cháu Kiên. Bộ phim tài liệu nói về cuộc đời của một người với bao cảm xúc và cũng kể về câu chuyện của một người Pháp đến Trung tâm Mái ấm Xa mẹ, không hiểu ngôn ngữ, đôi khi có cảm giác chán khi ngắm nhìn những hoạt động hàng ngày của bọn trẻ mà không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Vì vậy bộ phim dường như kể lại một trải nghiệm thực của một người Pháp đứng sau ống kính và đối diện với một người đàn ông vô cùng nhân hậu như ông Vũ Tiến.

Khi sẵn sàng đón nhận, chúng ta sẽ nhìn thấy cuộc sống tích cực hơn
 
Đâu là yếu tố thuận lợi cũng như khó khăn thách thức ông trong dựng phim ở thể loại phim tài liệu phải chân thực nhưng vẫn tạo được xúc động tới người xem?
 
Tôi tin ở số phận hơn là sự tình cờ. Tôi tin là một con người, một nhà đạo diễn cần phải lắng nghe những gì xung quanh mình. Tôi để cho câu chuyện của ông Vũ Tiến đưa đến nơi ông ấy muốn đưa đến. Tôi nghĩ đó là một điều cơ bản để làm tốt một bộ phim. Khi làm đạo diễn thì không nên đi ngược lại điều gì, tôi không biết nữa, như là một người bị rơi xuống sông. Nếu bơi ngược với dòng nước thì dễ bị đuối nhưng nếu để dòng nước cuốn đi thì thấy được hướng đích và người đạo diễn sẽ thấy được hướng đi của mình. Khi bộ phim được ra mắt đầu tiên tại Việt Nam, tất nhiên cũng có những khó khăn nhưng tôi đã gặp được rất nhiều người tử tế, đã hợp tác với tôi. Cần phải đón nhận tất cả những điều đó và khi chúng ta đón nhận, thì chúng ta sẽ nhìn thấy cuộc sống tích cực hơn. 
 
Gương của ông Vũ Tiến tôi chưa gặp ở Pháp

Ông Vũ Tiến – người cha nuôi những đứa con thiệt thòi ở Mái ấm Xa mẹ.
 
Ông nhận xét thế nào về tinh thần “Lá lành đùm lá rách” ở Việt Nam qua nhân vật ông Vũ Tiến?
 
Truyền thống của Việt Nam khác với truyền thống châu Âu. Ở châu Âu thì nhà nào biết nhà đó. Tôi không biết đó có phải là do quá trình hình thành lịch sử, từ truyền thống văn hóa lúa nước không. Mọi người giúp đỡ nhau để nuôi dưỡng những cây lúa để làm ra hạt gạo. Tôi nghĩ đó là sự đoàn kết làm nên sức mạnh. Tôi ước là xã hội châu Âu có thể tiếp thu được nét văn hóa này và gương của ông Vũ Tiến tôi chưa gặp ở Pháp. Tôi làm phim tài liệu hơn 20 năm và gặp gỡ nhiều người nhưng chưa gặp người hy sinh cả cuộc đời cho người khác vì mình đã từng bị thiệt thòi như vậy. Chính điều đó làm tôi xúc động. 
 
 

Hồng Nga/GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...