CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 04:11

Người cha nuôi của hàng trăm đứa con tật nguyền

20/09/2015 | 13:04



Sư trụ trì chùa Kỳ Quang 2 được các em nhỏ bị bỏ rơi đùa vui như một người cha.


“Duyên” khởi từ hai đứa trẻ bị mù và khoèo tay chân lang thang trước cửa thiền

Nằm trong một con hẻm rộng của đường Lê Hoàng Phái , quận Gò Vấp, hàng chục năm nay, chùa Kỳ Quang 2 được biết đến như địa chỉ nuôi dưỡng trẻ mồ côi bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật, nhất là khiếm thị đồng thời là nơi dạy chữ, dạy việc làm cho không chỉ trẻ có “hộ khẩu” tại chùa. Chùa được hình thành từ những năm 20 của thế kỷ trước, vốn là một “chùa làng” nhỏ bé, thuộc làng An Nhơn của Gia Định xưa, qua thời gian, chiến tranh gần cả một thế kỷ sau mới được xây dựng lại bề thế như hôm nay.

Thầy Thích Thiện Chiếu, vốn người làng An Phú Đông, đã bén duyên với cửa thiền và xuất gia tu tập tại chùa Kỳ Quang 1 (Phú Nhuận) từ lúc tóc còn để chỏm.. Năm 1975, thầy được giới thiệu về làm trụ trì chùa Kỳ Quang 2 khi mới 24 tuổi. Thầy nhớ lại: “Năm 1994, tôi cứ thấy hai bé trai: một mù, một khoèo chân tay dìu nhau đi xin ăn qua lại trước cổng chùa. Hình ảnh cháu bị tật chỉ đường cháu mù, cháu mù như chiếc nạng cho cháu tật nương vào bước đi gây xúc động mạnh trong tôi. Hai thân phận không lành lặn còn biết san sẻ cùng nhau, sao mình là người lành lặn mà không biết cứu giúp người tật nguyền? Tôi mời hai cháu bé vào ăn cơm chùa, hỏi han và biết các cháu là những đứa trẻ bơ vơ, lang thang nơi đầu đường xó chợ nên cho vào chùa ăn, ngủ. Các cháu lại là người rất có tình, sau đó xin tôi cho “bạn bè” cùng cảnh đến chùa cùng tá túc!”. Vì vậy, “quân số” tăng lên mười mấy, rồi mấy chục em. Thầy Chiếu trình báo với chính quyền địa phương và xin thành lập Mái ấm tình thương chùa Kỳ Quang 2. Năm 1995, Mái ấm chùa Kỳ Quang - mái ấm đầu tiên của Phật giáo tại TP.HCM được ra đời. Lúc ấy, cơ sở vật chất chùa chưa được khang trang, dãy nhà hậu liêu còn bằng gỗ đơn sơ nhưng trước việc làm nhân nghĩa đầy ý nghĩa của thầy Chiếu, các Phật tử ủng hộ khi thì thùng mì tôm, khi thì chục ký gạo, khi thì dăm ba chai dầu ăn…, các cháu tật nguyền nơi đây đã bước đầu có cuộc sống của một “tổ ấm” nơi cửa từ bi!
 



Lớp học dạy chữ cho trẻ khuyết tật tại chùa Kỳ Quang 2.


Địa chỉ lớn của hàng trăm trẻ em bất hạnh

Trồng một cái cây tươi tốt đã tốn công tưới nước, nuôi một đứa trẻ, nhất là trẻ khuyết tật để khi lớn lên đứa trẻ đó thấy mình có ích cho đời và có niềm vui trong cuộc sống là điều vô cùng khó khăn. Nhà chùa không chỉ là nơi cho trẻ những bữa ăn, chỗ ngủ mà phải giúp các em khi lớn lên có một việc làm theo khả năng của mình, thầy Chiếu nghĩ như vậy và quyết tâm làm bằng được! Khởi đầu là cho trẻ học chữ để có nền tảng văn hóa cơ bản, ít ra thì phải biết đọc biết viết! Năm 1996, nhà chùa khai giảng lớp tình thương đầu tiên với chương trình lớp 1, rồi năm 1997 lớp 2, cứ thế đến năm 2000, chùa đã hoàn chỉnh bậc tiểu học cho các em không chỉ trong Mái ấm. Rất nhiều trẻ em lành lặn bên ngoài do điều kiện gia đình khó khăn cũng được “rước” vào học, lại được cho đồng phục, sách vở, bữa ăn,… Những trẻ bị tật nguyền, nhất là khiếm thị thì được cho học chữ nổi braille, trẻ chậm phát triển dù mười lăm mười sáu vẫn được cô giáo kèm từng em một… Tất cả chỉ với mong ước giúp các em có được cái chữ, để từ đó làm hành trang-dù có chông chênh-đi trên đường đời từng bước bằng khả năng của mình!

Tiếng lành đồn xa, biết chùa Kỳ Quang dang rộng vòng tay với trẻ, có nhiều bà mẹ mang con bỏ trước cổng chùa, nhà chùa đều cưu mang. Đã có hơn trăm em bị bỏ rơi lớn lên tại đây, có nhiều em đã có việc làm, đã hoàn tục với đời sống ngoài đời. Dù không sinh thành, nhưng thầy Chiếu đã “đứng tên” khai sinh với danh nghĩa cha nuôi cho rất nhiều “đứa con” mà mình không sinh ra. Thầy tâm sự “Ban đầu, tôi định lấy họ Kỳ (tức chữ đầu trong Kỳ Quang) nhưng anh em làm hộ tịch thấy “họ” này mới quá, nên tôi lấy họ Trần (tên thật tôi là Trần Văn Châu) làm họ cho các con. Âu cũng là một mối duyên lành trong kiếp này giữa tôi với các con ở chùa Kỳ Quang!”. Có chứng kiến cảnh “các con” bé bỏng chạy đến ôm người cha nuôi, đùa giỡn, quấn quít mỗi khi gặp cha mới thấy hết tình yêu thương giữa “cha con” dành cho nhau ở chùa Kỳ Quang.    

Không chỉ nhận nuôi dưỡng  trẻ mồ côi, khuyết tật, chùa Kỳ Quang 2 nơi thầy Thích Thiện Chiếu trụ trì còn khá nổi tiếng bởi việc nhận nuôi, đào tạo nghề cho trẻ em mù. Tất cả 110 trẻ mù xuất thân lang thang, cơ nhỡ được nhà chùa mời giáo viên nước ngoài về dạy cho bấm huyệt, mát xa chuyên nghiệp. Mỗi năm, lớp đào tạo tổ chức phát bằng một lần. Thầy chia sẻ trong sự vui mừng như một người cha khi con mình… thi đậu, trong đợt phát bằng gần đây nhất  vì đã có 40 em được các cơ sở, doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng mời về làm việc với mức lương ổn định. Thầy hoan hỉ cho hay: “Tất cả 195 đứa con của mình hiện sống tại chùa sớm muộn gì thầy cũng cố gắng tạo “công ăn việc làm” ít ra là hơn một nửa cho chúng- trừ “mấy đứa” quá ngơ ngơ ngẩn ngẩn!”.

Tháng 3/1995 đánh dấu sự ra mắt Mái ấm tình thương chùa Kỳ Quang 2; tháng 1/2000 khánh thành phòng thuốc Tuệ Tĩnh tại chùa, chuyên khám, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân bởi những lương y nổi tiếng (khoảng 400 lượt người bệnh/ngày); năm 2003, Phòng Tư vấn chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm, ảnh hưởng bởi HIV được thành lập sau một chuyến thầy Chiếu đi thăm Thái Lan. Rồi câu lạc bộ dành cho người cai nghiện, cho người ra tù, gái mại dâm tái hòa nhập cộng đồng cũng được thầy lập nên, sinh hoạt đều đặn tại chùa… Sắp tới đây, thầy Chiếu cho biết sẽ còn tiếp nhận nuôi dưỡng cho người già không nơi nương tựa!

Chính vì nhiều “tiếng lành” trong công tác làm điều thiện  như vậy, năm 2010, thầy Thích Thiện Chiếu đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Nhưng với thầy, có lẽ lấp lánh nhất vẫn là tấm Huân chương của lòng nhân ái.

Hồng Liên/Tạp chí Gia đình và Trẻ em

Chiêm ngưỡng 10 mẫu xe đẹp mắt nhất hiện nay

Chiêm ngưỡng 10 mẫu xe đẹp mắt nhất hiện nay

2 tháng trước

Trước kia, việc tìm xe 7 chỗ đẹp tại Việt Nam khá khó khăn. Tuy nhiên từ khi các dòng xe 7 chỗ nhập khẩu tràn về Việt Nam, người dùng có nhiều lựa chọn xe hơi 7 chỗ đẹp, tiện nghi và an...