CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 06:37

Người Hà Nội tái khởi động chế độ chống Covid-19

29/07/2020 | 10:20

Chiều 24/7, chị Hòa cùng con trai ba tuổi đi dạo ngoài công viên. Thói quen này vừa trở lại được vài tháng, khi Việt Nam chấm dứt giãn cách xã hội, các ca nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng không còn. Nắng vừa tắt, cậu con trai cùng lũ trẻ đua nhau chạy nhảy trong khu vui chơi trẻ em. Quanh hồ điều hòa, thanh niên, người già kẻ đi bộ, người chạy, người đứng thể dục... nhộn nhịp. Hòa thoáng cười, thấy thư thái sau một tuần làm việc căng thẳng.

Trên đường về nhà, con trai tháo tung chiếc khẩu trang. Chị Hòa nhìn thấy nhưng nghĩ để con tháo một đoạn cho dễ thở. Gần 3 tháng qua, chiếc khẩu trang đã gần như bị quên lãng trong nhịp sống hàng ngày của người Hà Nội, khác hẳn với giai đoạn sau Tết Nguyên đán.

Vừa về đến nhà, anh Thanh, chồng chị đã kéo tay hai mẹ con vào nhà tắm giục: "Rửa tay, thay quần áo cho hai mẹ con ngay. Đà Nẵng có dịch rồi. Đây là đất du lịch, người tứ xứ đổ về, nguy cơ lây lan nhanh lắm". Nghe giọng chồng, Hòa biết anh không đùa. Chai nước rửa tay khô 500 ml bám bụi vì nằm lăn lóc trên nóc tủ lạnh được lấy xuống, lau chùi. Hạn sử dụng vẫn còn tới năm 2023. Hòa chiết chai lớn vào ba chai bé, bỏ trong túi xách của mình và chồng, rồi cầm một chai hướng dẫn con trai sử dụng.

"Thằng bé chẳng biết gì nhưng thấy mẹ làm thế nào cũng bắt chước theo. Cu cậu thích, chẳng nghịch bẩn vào đâu cũng lôi ra xoa", chị Hòa nói. Bà mẹ trẻ cũng gọi điện cho người bạn thân làm việc ở một phòng khám đặt mua hai hộp khẩu trang y tế, giá 55 nghìn đồng. Trong nhà chị, hàng chục khẩu trang vải mua từ đợt dịch trước vẫn còn trong tủ. Gần ba tháng không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, Hòa chỉ đeo tránh bụi khi ra đường.

Nhưng sáng 26/7, mọi thứ đã thay đổi. Từ trong thang máy căn chung cư nơi chị Hòa sinh sống, chai nước rửa tay khô đã được thay mới. "Công ty tôi đo thân nhiệt từ cửa thang máy, tất cả nhân viên đều phải đeo khẩu trang. Ai không đeo, nhân viên pháp chế sẽ đến từng bàn nhắc nhở", chị Hòa kể. Chiếc máy check- in vân tay trước cửa văn phòng làm việc cũng được dán dấu chéo màu đỏ.

Tối cùng ngày, thông tin Đà Nẵng có 11 ca nhiễm mới khiến bà mẹ trẻ "rụng rời tay chân". Hai vợ chồng chị bàn tính việc tiếp tục cho con đi học hè như lịch hay nghỉ học.

"Sau một hồi tính toán, tôi quyết định vẫn để con đến trường, phần vì hai vợ chồng vẫn phải đi làm, phần vì nghĩ nếu nguy hiểm, chính quyền thành phố đã yêu cầu ngừng việc học", chị phân tích. Những kinh nghiệm từ đợt dịch đầu năm đã được "tái khởi động" giúp cuộc sống của gia đình nhỏ này bớt xáo trộn.

Buổi sáng, chị Hòa dậy sớm hơn bình thường, đeo khẩu trang ra chợ mua thực phẩm, nấu cơm trưa cho vào hai cặp lồng để đi làm, vì cả căng tin công ty hai người đều chỉ bán mang về, không cho ăn tại chỗ. Chị cũng khuyên chồng không ăn quán.

Hai vợ chồng chị Hòa thay nhau lau nhà ngày hai lần vào buổi sáng và buổi tối, thống nhất không đến nơi công cộng, không gặp gỡ bạn bè thời điểm bùng dịch. "Dịch tái trở lại không ai mong muốn, nhưng lạc quan mà nói, mình đã có kinh nghiệm phòng chống, không phải lúng túng nữa", chị Hòa nói.
 



Một shop quần áo trên phố Trần Thái Tông đo thân nhiệt trở lại cho khách hàng sau khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Đà Nẵng. Ảnh: Nhật Minh.


Anh Hoàng Văn Hùng, 28 tuổi, ở Nam Từ Liêm đã quyết định hủy dự định mua xe máy vào đầu tháng 8 năm nay. "Dịch bệnh bùng phát, đi lại sẽ hạn chế, thay vì bỏ tiền mua rồi để đó mình cần tiết kiệm để đề phòng rủi ro", anh Hùng tính toán. Làm kỹ sư xây dựng, khi Covid-19 bùng phát vào tháng 2, thu nhập của anh đã từng có giai đoạn "phập phù như đèn trước gió".

Vợ anh là nhân viên văn phòng cũng phải nghỉ việc không lương hai tháng. Hai mẹ con đèo bòng nhau về quê nương nhờ nội, ngoại. Hùng phải trích tiền định mua xe máy đi làm để lấy tiền chi phí, đưa vợ mua bỉm, sữa cho con. Khoản tiền thuê nhà hai tháng dịch Covid-19 mà chủ trọ hứa giảm 50% cũng bị nuốt lời sau khi lệnh giãn cách xã hội kết thúc.

Hơn hai tháng qua, các hợp đồng, dự án bắt đầu trở lại với công ty anh. Ngoài khoản lương ứng được nhận đều, Hùng nhận hợp tác với các dự án bên ngoài. Vợ anh và con trai cũng đã lên Hà Nội tiếp tục đi làm, đi học. Kinh tế gia đình bắt đầu hồi phục. Anh dự tính đầu tháng 8 sẽ gom tiền mua chiếc xe máy mới, thay chiếc xe cà tàng đi hơn chục năm nay. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng, Hùng biết sẽ là "khoản đầu tư sai lầm" nếu mua xe vào thời điểm này.

Anh tính sẽ giữ nguyên trong tài khoản ngân hàng, đề phòng dịch bùng phát kéo dài, thu nhập không còn. Buổi sáng, con trai anh phải đeo khẩu trang đến lớp cách nhà 200 m, dù cậu bé khóc, lắc đầu nguầy nguậy.

Anh dặn vợ chi tiêu hợp lý hơn, hạn chế mua sắm. Chi phí mỗi tuần khoảng 1,5 triệu đồng, anh cắt giảm còn một triệu đồng. "Tôi nhờ mẹ gửi đồ quê lên ăn để đỡ chi phí, không mua sắm nữa", anh chia sẻ.

Ông bố một con cũng lên mạng xã hội thông báo không nhận bất kỳ lời mời tụ tập ở quán nhậu nào để "bảo vệ chính mình và cộng đồng". "Thế nhưng không phải ai cũng nghĩ như mình, chiều đi làm về vẫn thấy quán cà phê, quán nhậu vỉa hè đầy người ngồi. Thật đáng lo", Hùng thở dài.
 



Lo ngại dịch bệnh bùng phát, anh Hùng rửa tay bằng gel trước khi đưa con trai đến lớp. Ảnh: Nhân vật cung cấp.


Tin "Đà Nẵng có bệnh nhân Covid-19 mới" khiến ký ức về 14 ngày cách ly căng thẳng và lo âu lại tràn về trong đầu "cựu F2" Nguyễn Quỳnh Trang, 46 tuổi, ở quận Ba Đình. Ngay lập tức, người phụ nữ này quyết định hủy tour du lịch Miền Tây, dù chỉ vài ngày nữa lên đường. "Dù chưa chắc đã lấy lại được tiền, nhưng ít nhất không tiêu thêm, không tiếp xúc với nhiều người ở nơi công cộng", chị Trang nói.

10 giờ 30 ngày 26/7/2020, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung ra công điện khẩn phòng chống dịch COVID-19, chị Trang bắt đầu lo lắng. Đọc trên báo đài thông báo khoảng 15.000 đến 20.000 người từ Đà Nẵng trở về thủ đô giữa lúc Covid-19 đã bùng phát mạnh ở Đà thành, chị càng bồn chồn.

"Kỷ niệm làm F2 bỗng quay lại khiến tôi ngộp thở", chị nói. Khi Covid-19 bùng phát mạnh ở Hà Nội hồi đầu năm, vì là F2 do tiếp xúc với một đồng nghiệp của bệnh nhân Covid-19, cả gia đình chị Trang phải đóng cửa ở nhà.

Dù được chính quyền tiếp tế trong 14 ngày cách ly, thời gian sau đó, vợ chồng chị vẫn chật vật kinh tế. Thu nhập giảm sút, lo lắng, chị sụt 2 kg chỉ trong một tháng. "Một phần vì biết tôi là F2 nên dù đã hết cách ly 14 ngày, khách cũng chẳng bén mảng đến cửa hàng, một phần vì là hàng thời trang, người ta có được ra ngoài đâu mà mua sắm", chị than thở.

Lần này, dịch bệnh bùng phát, chị Trang "rút kinh nghiệm xương máu", hạn chế ra ngoài để tránh tiếp xúc với người lạ và ở nhà bán hàng, chăm con với phương châm "không đi du lịch không chết nhưng Covid-19 mà dính dễ chết".

Hai ngày nay, chị Trang đặt thêm hai lọ gel rửa tay khô trước cửa hàng quần áo của mình, đồng thời dặn nhân viên nhắc nhở khách đeo khẩu trang khi ra vào. Máy đo thân nhiệt cũng được thay pin mới để làm tiếp nhiệm vụ sau gần ba tháng nghỉ ngơi.

"Tôi đọc thấy bảo virus lây lan trong cộng đồng hiện nay là chủng mới, khả năng bám, lây lan nhanh nên rất nguy hiểm. Thay vì ngồi chờ đợi, phải tự cứu mình trước, mà cách cứu tốt nhất là không có việc gì thì hãy ngồi yên - đó cũng là đang góp phần chống dịch", chị Quỳnh Trang đúc rút.

Theo Nhật Minh/Vnexpress.net

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

5 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...