THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 07:58

Người thầy mang đến những ngôi trường đầy ắp tình thương

07/08/2019 | 10:49

Với dự án “Xây trường đón em”, đến năm 2019, toàn bộ các phòng học tạm (tranh, tre, nứa lá…) của huyện Tuần Giáo, đã được thay mới với 86 phòng học, 32 phòng ở giáo viên, 31 phòng ở nội trú cho học sinh, 33 công trình vệ sinh với tổng kinh phí ước tính hơn 14.518.000.000 đồng. PV TC Gia đình & Trẻ em đã trò chuyện cùng người thầy mang đến những ngôi trường đầy ắp tình thương.

Chân dung thầy giáo Mai Trọng Thuyết với những cung đường gian khó.

Dự án “Xây trường đón em”

Chào thầy giáo Mai Trọng Thuyết. Xin thầy chia sẻ dự án “Xây trường đón em” đã được vận động như thế nào?

Năm 2006 – 2010, tôi là cán bộ lập kế hoạch của dự án Giáo dục Tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thuộc Phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo. Đi công tác đến từng điểm bản, chứng kiến học sinh học trong các điểm trường tạm, mưa thì dột, mùa đông co ro trong lớp học rét buốt, mùa hè nóng bức, chật chội, tôi luôn trăn trở phải làm thế nào để các em có cơ hội học tập trong môi trường tốt hơn. Thông qua mạng xã hội, tôi đưa thông tin, hình ảnh, gửi tới các nhóm từ thiện, tổ chức cá nhân, xin vật liệu để xây trường. Về phía phòng GD&ĐT, tôi tham mưu với Ban lãnh đạo thành lập nhóm thiện nguyện “Xây trường đón em”, vận động cán bộ giáo viên  tranh thủ thứ 7, Chủ nhật vào các điểm trường, tu sửa, xây dựng trường cho học sinh.

Trong quá trình thực hiện tôi nhận ra nếu chỉ kêu gọi xây dựng các lớp học theo chuẩn ba cứng: nền cứng, mái cứng, thân cứng… thì chưa đáp ứng thẩm mĩ và tính hiệu quả. Khi tiến hành xây dựng các điểm trường tôi thấy có một số mẫu phòng học của các tổ chức: Quỹ trò nghèo vùng cao, nhóm Bàn Tay nhỏ - Hà Nội, nhóm Đom Đóm xanh – Hải Phòng… rất phù hợp điều kiện ở miền núi, do đó tôi xin mẫu thiết kế của các tổ chức này gửi đến các nhóm, các tổ chức, cá nhân tham khảo để cùng lựa chọn phương án xây dựng các điểm trường sao cho phù hợp nhất.



Một điểm trường tạm trên các bản vùng cao trước khi xây mới.

Xin thầy chia sẻ thêm về tiêu chuẩn nhà ba cứng và sự ưu việt của những mẫu nhà thay thế?

Trước đây phòng học và điểm trường tại các bản, xã vùng cao chủ yếu là nền đất, vách tre, nứa, mái lá dựng tạm, không đủ che mưa che nắng và an toàn trong mùa lũ. Sau đó, chính sách của nhà nước hỗ trợ là xây dựng lại điểm trường trên diện tích cũ với điều kiện: có nền bê tông vững, tường xây gạch hoặc lắp ghép chắc chắn cùng với mái tôn vững chắc.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, những mẫu nhà trên dù đảm bảo độ an toàn nhưng diện tích xây trên nền cũ vẫn chật chội không đảm bảo chuẩn một phòng học thông thường. Bởi vậy, rút kinh nghiệm từ thực tiễn, các mẫu phòng học được thiết kế về sau do các quỹ thiện nguyện xây dựng phải vừa đảm bảo chuẩn 3 cứng, vừa đảm bảo điều kiện phòng rộng, đủ ánh sáng, thoáng mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông mà vẫn đáp ứng tính thẩm mỹ, tạo niềm vui cho trẻ đến trường.

Cuộc “vượt dốc” nhiều thử thách

Hẳn là thầy đã gặp không ít những khó khăn khi thực hiện dự án?

Huyện Tuần Giáo đến năm 2013 có tới 223 phòng học tạm bợ. Làm sao kêu gọi để xóa trường tạm cho học sinh một cách thuyết phục trước chính quyền địa phương, trước bà con dân bản, đồng thời có được sự ủng hộ của các đồng nghiệp? Đấy là một cuộc “vượt dốc” nhiều thử thách.

Ngôi trường mới khang trang

Trước khi xin kêu gọi đầu tư xây dựng một điểm trường, bản thân tôi phải đi tận nơi lấy thông tin, hình ảnh, phân tích việc triển khai dự án: tính hiệu quả, bền vững, giá trị và kết quả mang lại… Vì là cán bộ trong ngành, phải đảm thời gian làm việc đúng quy định nên tôi chỉ tranh thủ đi khảo sát vào các buổi thứ Bảy và Chủ nhật.

Sau khi tìm hiểu từng điểm trường tôi mới thuyết phục các tổ chức, cá nhân lên khảo sát. Khâu này rất quan trọng, từ đón tiếp tới việc đưa đón để sao cho mọi người đều thấm sự vất vả của bà con, học sinh rồi từ đó lên phương án và thời gian xây dựng cụ thể.

Trong quá trình thực hiện nếu thấy tổ chức, cá nhân nào làm tốt, có ý tưởng hay, tôi xin mẫu, gửi cho nhóm khác tham khảo. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa thuyết phục chính quyền địa phương, các cấp các ngành ủng hộ chủ trương xây dựng điểm trường, thuyết phục các nhóm từ thiện làm theo mẫu đã được thiết kế. Cứ cần mẫn như thế mà hồ sơ thủ tục trình lên các cấp dù phức tạp, từng điểm trường vẫn đều đặn được dựng lên.

Và tiếp tục hỗ trợ bữa ăn trưa cho trẻ mầm non

Bên cạnh dự án “Xây trường đón em” còn có hoạt động thiện nguyện nào khác dành cho học sinh vùng cao, thưa thầy?


Khi đón các tổ chức, các nhóm cá nhân lên xây trường, chúng tôi cũng khuyến khích vận động có thêm quần áo, đồ dùng học tập sinh hoạt, bánh kẹo, học bổng tặng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra một số tổ chức còn hướng tới hỗ trợ cho học sinh nghèo khi đã đầu tư xong cơ sở vật chất, ví dụ “Quỹ Trò nghèo vùng cao” xây trường rồi tiếp tục hỗ trợ bữa ăn trưa cho trẻ mầm non (Vì nhà nước chỉ hỗ trợ cho trẻ 3,4,5 tuổi đi học còn trẻ 12-36 tháng tuổi thì không được hỗ trợ); hỗ trợ học bổng cho học sinh bán trú không được hưởng chế độ hỗ trợ của nhà nước.

Nụ cười trẻ vùng cao khi đón năm học mới

Theo thầy, điều quan trọng nhất của tinh thần thiện nguyện là gì?

Càng đi cùng các nhóm thiện nguyện, tôi càng hiểu, yếu tố quan trọng nhất của tinh thần tình nguyện là sự nhiệt tình, hết mình đối với công việc, cống hiến thời gian, sức lực mà không đòi hỏi lợi ích cá nhân.

Cụ thể là khi nhân dân hiểu chúng tôi đến xây trường để các em nhỏ được học chữ tốt hơn, có nhiều chữ cái bụng sẽ ấm hơn thì bà con sẵn sàng nhường đất, tham gia vận chuyển vật liệu, san nền và góp công xây dựng.

Đối với người thân, ban đầu thấy tôi “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” cũng không ủng hộ. Nhưng rồi những việc làm ý nghĩa luôn tự có tính lan tỏa tích cực, nên rồi ai cũng vui vẻ tham gia.

Còn trước dư luận, tôi cũng từng gặp các câu hỏi: Tại sao lại kêu gọi xây trường? Mục đích để cùng đánh bóng tên tuổi bản thân, cho các tổ chức, cá nhân hay các doanh nghiệp? Được hưởng lợi ích gì trong quá trình xây dựng trường... Nhưng tôi vẫn kiên định. Quan điểm của tôi khi kêu gọi các chương trình từ thiện là: Chúng tôi không trực tiếp nhận hỗ trợ bằng tiền, chỉ tiếp nhận hiện vật. Khi đón tiếp các đoàn từ thiện, chúng tôi cung cấp thông tin, dẫn họ đi khảo sát, tư vấn cho họ trong quá trình tổ chức thực hiện… việc quyết định đầu tư cơ sở vật chất đến tiếp nhận cơ sở vật chất… đều được công khai, minh bạch… Tôi không quan tâm việc có hay không các động cơ khác trong hoạt động thiện nguyện của họ. Mà, điều quan trọng nhất là kết quả việc làm họ mang lại: Học sinh có nơi học tập đảm bảo, có quần áo mới, sách vở, học bổng hỗ trợ các em trong quá trình học tập.

Nên tạo cơ hội và điều kiện để giáo dục vùng cao phát triển thuận lợi hơn

Muốn xoá đói giảm nghèo cho bà con DTTS thì phải làm thế nào? Nếu được đại diện cho tiếng nói của bà con dân tộc, thầy sẽ bày tỏ nguyện vọng gì?

Thầy Thuyết: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo cho vùng miền núi, đồng bào DTTS. Ngoài sự hỗ trợ trực tiếp đến bà con (mang tính cho không, được ví như "con cá", các chính sách đầu tư tạo sinh kế cho người dân được coi như "cần câu") Tuy nhiên, nhìn lại thời gian dài thực hiện, cả "con cá" và "cần câu" đều chưa mang lại hiệu quả mong muốn. Do vậy để xóa đói, giảm nghèo vùng DTTS và miền núi thì nên chuyển từ chính sách hỗ trợ sang tạo cơ hội cho đồng bào, từng bước tạo điều kiện để giáo dục vùng DTTS và miền núi phát triển thuận lợi, thực chất hơn.

Muốn giảm nghèo cho bà con đồng bào DTTS thì phải bắt đầu từ việc đầu tư cho giáo dục: Trước tiên tạo điều kiện cho học sinh được học tập trong môi trường tốt nhất nhằm đảm bảo sự công bằng giữa giáo dục miền xuôi và miền núi; Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục cho các trường, điểm trường; Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ cho học sinh miền núi trong đó tập trung vào việc hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn... Bên cạnh đó tiếp tục nâng cao trình độ dân trí, nâng cao hiểu biết cho người dân… Thực hiện tốt được những việc này thì đồng bào vùng cao mới có cơ sở để phát triển bền vững.

Cảm ơn thầy và chúc thầy luôn thành công trên mọi cung đường cống hiến của mình.
 

“Muốn giảm nghèo cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thì trước tiên phải bắt đầu từ việc đầu tư cho giáo dục. Song song với đó là nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ cho học sinh miền núi trong đó tập trung vào việc hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.” - thầy giáo Mai Trọng Thuyết – Phó Trưởng phòng – Phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo, Điện Biên.

Bảo Ngọc (thực hiện) / TC Gia đình & Trẻ em

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.