THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 11:31

Nguy cơ mắc nhiều bệnh do thiếu i-ốt

31/03/2018 | 11:26

 

 
Bướu cổ đơn thuần nếu để lâu ngày không chữa trị sẽ có nguy cơ phát triển thành bướu quá to sẽ gây chèn ép thực làm khó nuốt, bướu đa nhân hoặc bướu có xu hướng ác tính. Ảnh minh họa
 
Nguyên nhân gây bệnh
 
Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội Hà Nội, nguyên nhân cơ bản gây bướu cổ là tình trạng thiếu hoặc thừa i-ốt, một trong những vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể, trong khẩu phần ăn hàng ngày. Khi cơ thể bị thiếu i-ốt, tuyến giáp phải làm việc nhiều hơn để tổng hợp thêm nội tiết tố giáp trạng khiến chúng to lên, gây ra bướu cổ. Loại bệnh này cũng là cách thích nghi của cơ thể để bù lại một phần thiếu i-ốt. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, mỗi ngày cơ thể cần 15-20mg i-ốt từ thức ăn, nước uống và không khí… Trong khi đó, tại các vùng miền núi, chế độ dinh dưỡng hàng ngày không đủ đáp ứng hàm lượng này. Ở một số vùng núi có nhiều can-xi, magiê, fluor..., làm cho nước có độ cứng cao, gây ảnh hưởng đến sự tổng hợp hoóc môn tuyến giáp và gây bướu cổ. Còn tại các vùng đồng bằng, mặc dù muối i-ốt bán ở khắp nơi, nhưng một số gia đình vẫn không có thói quen ăn loại muối này. 
 
Một số trường hợp có tính chất gia đình, thường do rối loạn tổng hợp hoóc môn tuyến giáp bẩm sinh. Bướu cổ thường kèm theo câm điếc, gọi là hội chứng Pendred do rối loạn hữu cơ hóa i-ốt.
 
Bệnh nhân mắc bệnh viêm đại tràng mạn, tiêu chảy mạn, bệnh thận mạn tính... gây rối loạn hấp thu và thải trừ i-ốt.
 
Bướu cổ thường gặp ở nữ, nhất là ở tuổi dậy thì, khi có kinh, khi cho con bú vì lúc đó nhu cầu hoóc môn tuyến giáp tăng và oestrogen ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa hoóc môn tuyến giáp.
 
Ngược lại, nếu cung cấp quá nhiều i-ốt trong khẩu phần ăn một thời gian dài  cũng dẫn đến tình trạng gia tăng bướu cổ. Thêm vào đó, việc ăn nhiều và lâu ngày một số loại thức ăn như: bắp cải, củ cải, hoa lơ, khoai mì, hạt kê, các sản phẩm từ đậu nành, sắn... cũng có thể gây bướu cổ. Bởi trong các loại thực phẩm này có chất thioglycosido, sẽ chuyển hóa thành chất gây ức chế tập trung i-ốt ở tuyến giáp. Tình trạng suy dinh dưỡng trầm trọng, đặc biệt thiếu vitamin A cũng gây ra hiện tượng rối loạn sinh tổng hợp hormon tuyến giáp và là một trong những nguyên nhân gây bướu cổ. 
 
Triệu chứng
 
Bướu cổ chỉ được phát hiện khi đã tồn tại lâu ngày. Tùy theo bướu to hay nhỏ mà triệu chứng lâm sàng khác nhau. Bướu to có thể nhìn thấy ngay ở trước cổ; nếu kích thước nhỏ hơn khó nhìn thấy ở tư thế bình thường nhưng khi ngửa cổ hoặc nuốt có thể phát hiện dễ hơn. Bướu cổ đơn thuần thường thể tích to vừa, đồng đều và mềm. Một số trường hợp có các biểu hiện thần kinh nhạy cảm: hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ, năng suất lao động giảm, đổ mồ hôi, giảm cân, táo bón, da khô, cảm thấy lạnh… Trường hợp bướu cổ quá to có thể gây chèn ép vào thực quản và khí quản gây khó nuốt và khó thở. Nếu trẻ em mắc bệnh này có thể làm giảm trí tuệ, chậm phát triển thể chất, ảnh hưởng đến khả năng tư duy và học tập của trẻ. Các bà mẹ mang thai bị bướu cổ do thiếu i-ốt nặng, có nguy cơ sảy thai, đẻ non, thai chết lưu, sinh con bị đần độn, câm, điếc và các dị tật bẩm sinh khác… 
 
 
Các bà mẹ mang thai bị bướu cổ do thiếu i-ốt có nguy cơ sẩy thai, đẻ non, thai chết lưu, sinh con bị đần độn, câm, điếc và các dị tật bẩm sinh khác… Ảnh: KT
 
Hướng điều trị
 
Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, bệnh có thể điều trị nội khoa bằng cách dùng thuốc hoóc môn giáp trạng theo chỉ định của bác sĩ, đa số trường hợp diễn biến tốt. Phẫu thuật được chỉ định khi điều trị nội khoa lâu ngày không đỡ và trở thành bướu nhân. Bướu nhiều nhân, bướu quá to sẽ gây chèn ép làm khó nuốt, bướu lạc chỗ hoặc bướu có xu hướng ác tính.
 
Để chẩn đoán chính xác các triệu chứng của bướu cổ, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn khuyên bệnh nhân nên đến các bệnh viện hoặc chuyên khoa nội tiết khám và làm các chỉ số xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm… để có kết luận chuẩn xác và điều trị kịp thời.
 
Cách phòng bệnh
 
Theo các chuyên gia về nội tiết, bướu cổ hoàn toàn có thể phòng được nếu có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Các chuyên gia nội tiết khuyên, mỗi người cần bổ sung đầy đủ lượng i-ốt (khoảng 20mg) mỗi ngày bằng các loại thực phẩm có nguồn gốc từ biển như: cá, mắm tôm, nước mắm, rong biển... Đặc biệt, cách đơn giản và dễ sử dụng nhất là dùng muối i-ốt trong chế biến thức ăn hằng ngày. 
 
Bên cạnh đó, không nên ăn nhiều các loại quả có chứa nhiều sắc tố thực vật như: cam, quýt, táo, lê, nho; bắp cải, củ cải, hoa lơ, khoai mì, hạt kê, các sản phẩm từ đậu nành, sắn… do chúng có những chất làm ức chế chức năng tuyến giáp và khả năng hấp thụ i-ốt. Ngoài ra, cần dùng nước sạch, cải thiện điều kiện nhà ở; trồng cây phủ xanh đồi trọc, chống xói mòn để giữ lại lượng i-ốt thiên nhiên trong đất; chữa trị kịp thời các bệnh tiêu hóa, dùng thuốc hợp lý... Khi đã bị bướu cổ, ngoài ăn uống đúng cách, người bệnh cũng cần tránh buồn phiền, giận dữ. 
 
Để phát hiện sớm và chữa trị kịp thời, người bệnh có thể đến khám và theo dõi tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương hoặc các cơ sở y tế có chuyên khoa nội tiết như: Bệnh viện Bạch Mai, Viện Y học phóng xạ và U bướu quân đội Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy... 

Minh Anh/TC GĐ&TE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.