THỨ TƯ, NGÀY 08 THÁNG 05 NĂM 2024 02:10

Nguy hiểm khi sử dụng thuốc giảm đau không đúng cách

14/09/2020 | 16:44
 
Gần đây, bà N.T.S. (53 tuổi, ở Bến Tre) vừa phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TP.HCM) do bị nôn ra máu và đi tiêu phân đen. Khi được dược sĩ hỏi về tiền sử sử dụng thuốc, bà S. cho biết trước đó 4 ngày, bà có đến nhà thuốc gần nhà để tự mua thuốc giảm đau celecoxib uống với liều 200mg, 2 lần/ngày vì sưng đau và bong gân ở mắt cá chân. 
 
Hiện bà đang được điều trị bệnh tim mạch tại địa phương (tăng huyết áp và rung nhĩ) với bisoprolol 5mg, 1 lần/ngày và rivaroxaban 20mg, 1 lần/ngày. Vì chủ quan nên lúc mua thuốc giảm đau, bà S. không thông báo cho dược sĩ về việc đang điều trị tăng huyết áp và rung nhĩ bằng các loại thuốc nêu trên. Tại BV ĐHYD TP.HCM, bà S. được bác sĩ chẩn đoán xuất huyết dạ dày nghi do thuốc giảm đau celecoxib (nhóm NSAID). Ngay sau đó, bà được ngưng celecoxib và thuốc kháng đông. Sau khi được nội soi cầm máu và điều trị nội khoa, bà S. được xuất viện trong tình trạng ổn định.
 
Các bác sĩ cho biết, bà S. đang được điều trị bệnh tim mạch với thuốc kháng đông là rivaroxaban có nguy cơ gây xuất huyết, trong khi thuốc giảm đau bà tự ý mua và sử dụng là celecoxib - một thuốc giảm đau nhóm NSAID với tác dụng phụ điển hình là gây viêm loét dạ dày và nặng hơn có thể gây xuất huyết đường tiêu hóa. Việc kết hợp hai thuốc như vậy sẽ làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa. Trường hợp của bà S. cho thấy, việc trao đổi với bác sĩ và dược sĩ về tất cả các thuốc mà người bệnh đang dùng là vô cùng quan trọng. Nếu bà S. được tham vấn kĩ với bác sĩ và dược sĩ, bà có thể được tư vấn sử dụng biện pháp giảm đau không dùng thuốc như chườm đá chỗ bong gân hoặc nếu đau nhiều có thể thử giảm đau với paracetamol trước. 
 

DS. Nguyễn Thị Trang tư vấn sử dụng thuốc cho người bệnh.

  Thuốc giảm đau có thể được chia thành hai nhóm lớn bao gồm:

 
- Nhóm 1: Các thuốc giảm đau không kê đơn (hay còn gọi là thuốc giảm đau OTC),  người bệnh có thể tự đến mua ở các nhà thuốc,  không cần đơn của bác sĩ. Nhóm thuốc này rất hữu ích đối với những cơn đau ở mức độ nhẹ như đau đầu, đau răng, đau bụng kinh, viêm khớp... Về cơ bản, có thể chia nhóm thuốc này thành 2 loại chính là paracetamol (acetaminophen) và một số thuốc giảm đau nhóm kháng viêm không steroid (NSAID) có thể kể đến như aspirin, ibuprofen…
 
- Nhóm 2: Các thuốc giảm đau kê đơn. Khi cơn đau không thể xoa dịu bởi các thuốc giảm đau OTC, người bệnh cần gặp bác sĩ để được kê các thuốc giảm đau mạnh hơn thuộc nhóm này, gồm  2 loại là các thuốc không opioid và opioid. Các thuốc không opioid bao gồm một số NSAID (ví dụ celecoxib, diclofenac…) mà người bệnh có thể được bác sĩ kê khi bị viêm, thoái hóa khớp… Các thuốc opioid là loại thuốc giảm đau mạnh nhất trong nhóm này, có thể kể đến như morphin, fentanyl. Những thuốc này cho hiệu quả giảm đau rất mạnh nhưng cũng có thể gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng nếu sử dụng không đúng cách. Do đó, thuốc giảm đau opioid thường được bác sĩ kê đơn trong trường hợp đau nặng, không đáp ứng với các nhóm thuốc giảm đau khác như đau hậu phẫu, đau do ung thư… và luôn cần được theo dõi, giám sát chặt chẽ bởi nhân viên y tế. 
 
Thận trọng khi sử dụng thuốc giảm đau
 
Theo DS. Nguyễn Thị Trang – Khoa BV ĐHYD TP.HCM, hiện nay, người bệnh thường có thói quen tự mua các thuốc giảm đau ở nhà thuốc mà không cần sự tư vấn của dược sĩ, bác sĩ hoặc sử dụng thuốc giảm đau không đúng như sử dụng quá liều, tự ý ngưng thuốc… Một số người bệnh vì ngại đi tái khám định kỳ nên tự mua thuốc giảm đau theo đơn thuốc cũ để sử dụng (như các trường hợp viêm khớp, thoái hóa khớp) mà không biết rằng tình trạng bệnh sẽ diến biến khác nhau theo thời gian, cần được bác sĩ điều chỉnh lại thuốc để đảm bảo hiệu quả, hạn chế tối đa những tác dụng phụ có thể gặp phải. 
 
Một số thống kê trên thế giới đã cho thấy tình trạng báo động cũng như những hậu quả khôn lường từ việc sử dụng không hợp lý thuốc giảm đau. Đối với các thuốc giảm đau nhóm OTC, dù được được đánh giá là khá an toàn nhưng không đồng nghĩa là những thuốc này không gây ra các tác dụng phụ và không cần thận trọng khi sử dụng. Trên thực tế đã có những trường hợp bị ngộ độc paracetamol do dùng không đúng, dẫn đến suy gan cấp, đe dọa đến tính mạng. 
 
Ảnh minh họa
 
Nhóm thuốc NSAID với tác dụng phụ điển hình là viêm loét dạ dày và có thể dẫn đến biến chứng xuất huyết tiêu hóa nên thường được bác sĩ kê với liều thấp nhất và trong thời gian ngắn nhất có thể. Ngoài ra, việc sử dụng NSAID cũng có thể làm tăng nguy cơ bị tổn thương thận cấp và các biến cố trên tim mạch. Phụ nữ mang thai từ tháng thứ 6 thai kì là đối tượng chống chỉ định dùng NSAID vì nguy cơ tổn thương thận, tim, phổi có thể gây tử vong cho thai nhi. 
 
Nhóm opioid (tramadol, morphin, fentanyl…) được biết đến với các tác dụng phụ như buồn nôn, táo bón, lệ thuộc thuốc… Thông thường, nếu người bệnh tuân thủ hướng dẫn của dược sĩ hoặc bác sĩ thì việc sử dụng nhóm thuốc này sẽ giảm đau hiệu quả, cải thiện chất lượng cuộc sống, đặc biệt với người bệnh ung thư. Tuy nhiên việc người bệnh sử dụng không đúng cách (như tự ý tăng, giảm liều, đổi thuốc, ngưng thuốc hoặc tự phối hợp nhiều loại thuốc giảm đau…) đều có thể dẫn đến các biến cố nghiêm trọng như hội chứng cai thuốc, ức chế hô hấp, đe dọa đến tính mạng.
 
PGS.TS.DS. Đặng Nguyễn Đoan Trang - Trưởng khoa Dược BV ĐHYD TP.HCM cho biết, để sử dụng thuốc giảm đau hợp lý, hiệu quả và an toàn, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc giảm đau mà phải có sự tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ. Đồng thời, người bệnh cần cung cấp đầy đủ thông tin cho các bác sĩ và dược sĩ về triệu chứng, mức độ đau, tiền sử dùng thuốc điều trị… để giúp lựa chọn loại thuốc giảm đau phù hợp, tránh các biến chứng có thể xảy ra. Bên cạnh đó, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc như: không được tự ý nhai, bẻ hay nghiền viên thuốc; không tự thay đổi liều sử dụng, mua thêm thuốc hay ngưng thuốc đột ngột.
 
Người bệnh nên chủ động kiểm tra thành phần hoạt chất trên bao bì thuốc hoặc tờ hướng dẫn sử dụng để tránh uống nhiều chế phẩm có cùng hoạt chất, tránh nguy cơ quá liều do uống nhiều thuốc cùng một lúc. Người bệnh cũng nên đọc tờ hướng dẫn sử dụng thuốc để biết thêm một số thông tin như các chống chỉ định, liều dùng tối đa, tác dụng phụ có thể xảy ra và ghi nhớ thời điểm dùng thuốc phù hợp để kịp thời thông báo cho bác sĩ, dược sĩ biết nếu có bất thường xảy ra trong quá trình sử dụng thuốc.
 

Can Khương/GĐTE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.