THỨ SÁU, NGÀY 17 THÁNG 05 NĂM 2024 05:28

Nguy hiểm từ thói quen ngoáy tai bằng tăm bông

31/12/2018 | 15:49

? Con gái tôi 2 tuổi. Mỗi lần tắm xong, tôi thường lấy tăm bông ngoáy tai cho bé. Tuy nhiên, một số người lại khuyên tôi không nên làm thế vì càng khiến cho ráy tai đẩy sâu vào trong, hoặc gây viêm nhiễm trong tai. Xin hỏi bác sĩ, khi nào thì nên lấy ráy tai cho bé và cách thức lấy ráy tai như thế nào? Mỹ Liên (Cao Bằng)
 
Trả lời:
 
Nhiều người nhầm tưởng rằng, cần loại bỏ ráy tai hàng ngày như một biện pháp vệ sinh thân thể. Thực tế không phải như vậy. Bình thường, cha mẹ không cần làm vệ sinh ống tai cho bé. Trong đa số trường hợp, ống tai ngoài sẽ tự làm sạch. Nhờ động tác nhai và chuyển động của hàm, ráy tai cũ và các tế bào da chết liên tục di chuyển từ phía màng nhĩ tới lỗ tai ngoài. Chúng khô dần và rơi ra ngoài. 
 
Nếu sử dụng tăm bông hoặc những vật dụng khác để lấy ráy tai chỉ giúp loại bỏ phần ráy tai nông ở bên ngoài, trong khi lại đẩy phần còn lại sâu vào bên trong, tạo điều kiện hình thành nút ráy tai. Vì vậy, hàng ngày, sau khi tắm cho bé, chị chỉ cần dùng khăn ướt lau nhẹ vùng tai ngoài là đủ.
 

Tai bị chảy máu, viêm nhiễm nặng từ thói quen ngoáy tai ở trẻ. Ảnh: Đức Dương
 
? Em năm nay 28 tuổi, bị điếc tai trái đã hơn 10 năm. Ngày nhỏ, em bị mủ tai và mẹ em đã dùng ôxy già rửa và cho em uống thuốc, hình như từ ngày đó tai trái em không còn nghe được nữa. Em có đi bệnh viện khám một lần cách đây 5 năm, bác sĩ bảo giờ phải đợi tai phải bị điếc như vậy thì mới đeo máy thính lực. Em đã đi làm, đôi khi nói chuyện em cũng không nghe rõ lắm nên rất mất tự tin trong giao tiếp. Tình trạng của em có cách nào khắc phục được không, thưa bác sĩ? (Trần Sĩ Phú, Cửa Lò, Nghệ An)
 
Trả lời:
 
Tai trái bị viêm từ nhỏ, có thể dẫn tới viêm tai giữa và viêm tai xương chũm mạn. Tình trạng viêm này có thể gây thủng nhĩ, tổn thương chuỗi xương con dẫn truyền âm thanh ở tai giữa, tổn thương tai trong là cơ quan tiếp nhận âm thanh, hậu quả gây giảm thính lực. Tuy nhiên, còn tai phải, giúp bạn đủ nghe. Tai phải có thính lực bình thường có lẽ không ảnh hưởng nhiều tới giao tiếp. 
 
Theo mô tả, đôi khi chị nghe không rõ, có hai khả năng: Khi ấy, chị tập trung chú ý với công việc đang làm nên bộ não không tiếp nhận những âm thanh khác, đây là hiện tượng sinh học bình thường, chị hoàn toàn yên tâm và có thể tự kiểm chứng điều này. 
 
Tai phải cũng bị sụt giảm thính lực. Nếu vậy, chị sẽ nghe không rõ ở cường độ, tần số âm thanh nào đó (ngay cả khi chú ý tới sự kiện giao tiếp). Để đánh giá tình trạng giảm thính lực, bạn hãy tới bệnh viện chuyên khoa tai - mũi - họng khám và làm thính lực đồ thì mới có bằng chứng khách quan, sau đó bác sĩ sẽ có hướng điều trị cụ thể.
 
? Mấy năm trở lại đây tôi hay bị đau tai trái khi nằm ngủ nghiêng về trái, nhưng lúc đó thì tôi chỉ có cảm giác đau ở ngoài vành tai thôi. Thỉnh thoảng, tôi thấy rất ngứa ở bên trong tai trái. Tôi thử dùng bông ngoáy tai để vệ sinh xem có đỡ không, thì  thấy vẫn ngứa và khó chịu, đồng thời lại cảm thấy ngứa ngứa ở cổ họng. Xin hỏi bác sĩ, tình trạng của tôi có thể chẩn đoán bởi những nguyên nhân nào? Tôi có thể bị viêm tai giữa không? Cũng xin nói thêm là tôi có tiền sử bệnh xoang, thoái hóa một đốt sống cổ. Hai bệnh này có ảnh hưởng gì đến việc tôi bị đau tai không? Mong bác sĩ giải đáp giúp tôi. (Nguyễn Minh Phượng, 30 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội)
 
Trả lời: 
 
Khi nằm nghiêng trái, đau vành tai trái là do tư thế nằm chèn ép vào vành tai gây thiếu máu lưu thông gây đau. Đây không là bệnh lý, chỉ cần thay đổi tư thế nằm và dùng gối đầu loại mềm hơn là được.
 
Triệu chứng ngứa của ống tai thường do viêm ống tai, chị không nên ngoáy tai thường xuyên, vì sẽ làm cho da và niêm mạc ống tai bị tổn thương, dễ nhiễm nấm và vi trùng, gây ngứa nhiều hơn. Chị có thể nhỏ tai bằng dung dịch Acid Boric 3%.
 
Khi ngoáy tai sẽ gây phản xạ ho, hay ngược lại, khi kích thích vùng họng sẽ khó chịu ở tai, lý do có nhánh dây thần kinh cảm giác đi từ họng lên ống tai ngoài.
 
Viêm mũi xoang gây phù nề niêm mạc mũi xoang, họng... sẽ chảy dịch viêm xuống họng, vi trùng có thể xâm nhập vào tai giữa qua lỗ tai vòi (thông từ tai giữa xuống vòm hầu), hay tình trạng viêm sẽ gây ra sự thông khí từ mũi lên tai bị hạn chế, làm cho ù tai (do tắc hay bán tắc tai vòi). Thoái hóa một đốt sống cổ không ảnh hưởng đến việc đau tai.
 

Cấu trúc của tai. Ảnh minh họa
 
? Thói quen ngoáy tai sẽ đem đến nhiều nguy cơ không tốt cho tai. Vậy xin bác sĩ cho biết, khi bị ngứa tai, tôi nên làm gì? (Trịnh Phương, Giao Thủy, Nam Định)
 
Trả lời: 
 
Khi bị ngứa tai, bạn chỉ nên xoa nhẹ vành tai, day day vào nắp tai, không nên vội ngoáy tai. Nếu ngứa không giảm, có thể dùng một số thuốc nhỏ tai hoặc nước muối sinh lý nhỏ vào ống tai, sau 5-10 phút, nghiêng đầu về bên tai bệnh, day nhẹ vào nắp tai cho thuốc còn dư chảy ra, dùng tăm bông khô, sạch thấm nhẹ cho khô tai, không ngoáy tai. Sau một tuần vẫn thấy ngứa, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng để khám.
 
Nếu nước vô tình vào tai khi tắm, khi bơi, bạn nghiêng đầu về từng bên, day nhẹ vào nắp tai cho nước chảy ra, dùng tăm bông khô, sạch đặt vào ống tai. Nước sẽ được bông khô thấm hết chứ không nên lau chùi nhiều.
 

 

Minh Anh (thực hiện)/GĐTE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

6 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.