CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 02:22

Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa - Chung tay bảo tồn văn hóa

16/11/2020 | 09:43
Mang trong mình tình yêu với các dòng tranh dân gian của dân tộc và nỗi lo về sự mai một, thất truyền, nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa cùng cộng sự tìm hiểu, nghiên cứu về các dòng tranh dân gian và thực hiện bộ sách để công bố đến đại chúng. Hai cuốn sách về dòng tranh dân gian Kim Hoàng, Đông Hồ do tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa (chủ biên), Trịnh Sinh và Lê Bích thực hiện, góp phần bảo tồn và phát huy dòng tranh vốn là hồn cốt của dân tộc Việt Nam. Bộ sách giúp độc giả biết được lịch sử phát triển, sự thăng trầm của dòng tranh Kim Hoàng, Đông Hồ.
Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba do Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức. Đây là giải thưởng cấp quốc gia được tổ chức hàng năm nhằm trao giải cho những tác phẩm có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ. 
 

Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa so sánh màu tranh thực tế với màu tranh trong sách về tranh dân gian Việt Nam của Maurice Durand.
 
Bảo vệ văn hóa di sản Việt Nam
 
Chào chị Thu Hòa, điều gì đã khiếm chị dồn tâm huyết tìm hiểu, sưu tập các dòng tranh dân gian và dày công khôi phục lại thành công dòng tranh Kim Hoàng? 
 
Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa: Thời đại 4.0 có thể làm cho nhiều thứ thay đổi, thậm chí biến mất nhưng có những thứ nhất định phải gìn giữ, bảo tồn và nâng tầm phát triển. Có dịp đi nhiều nơi, tôi nhận ra nhiều giá trị văn hóa ông cha để lại dù đã có những chính sách quan tâm, song vẫn đứng trước nguy cơ mai một. 
 
Các thế hệ trước đã để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quý báu là những dòng tranh dân gian như Kim Hoàng, Hàng Trống (Hà Nội), Đông Hồ (Bắc Ninh), làng Sình (Thừa Thiên Huế)… Khi thấy dòng tranh Kim Hoàng đã mai một, từ năm 2015 - 2016, tôi đứng ra lập dự án, tìm cộng sự là những nhà nghiên cứu, am hiểu văn hóa dân gian và mải miết khôi phục dòng tranh dân gian độc đáo này. Về tìm gặp người làng Kim Hoàng, xã Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội), cả làng không còn ai làm nghề, những cụ già lưng còng cũng chỉ còn vài ba người nhớ đến dòng tranh xưa. Chúng tôi đã nỗ lực hết sức, tự bỏ tiền túi, bền bỉ khôi phục và bước đầu gặt hái được những thành công. Tuy nhiên, vẫn mong muốn có thêm những đồng vọng từ chính quyền sở tại, thêm sự vào cuộc của các cơ quan văn hóa… Chỉ có sự chung tay, chúng ta mới có thể bảo tồn và phát huy được tốt những giá trị văn hóa của ông cha.
 
Với tranh Hàng Trống cũng vậy. Nếu không sớm có chiến lược tốt, chúng ta sẽ phải chứng kiến sự tàn lụi của một dòng tranh độc đáo của đất Thăng Long - Hà Nội. Mong muốn lớn hơn của chúng tôi khi xuất bản sách là làm cách nào để tranh dân gian Hàng Trống có thể xuất hiện nhiều hơn trong đời sống, đặc biệt, tranh có thể trở về với phố. 


Hai ấn phẩm về dòng tranh dân gian Đông Hồ, Kim Hoàng của tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa và các cộng sự.
 
Lội ngược dòng để tìm hiểu về lịch sử của những dòng tranh dân gian
 
Hẳn là chị gặp nhiều khó khăn trong quá trình tìm hiểu tư liệu để cho ra đời bộ sách này?
 
Để ra mắt và xuất bản được bộ sách này là cả một quá trình kéo dài 5-7 năm. Quãng thời gian đó, tôi đã đi dọc miền đất nước từ Bắc đến Nam để có thể nghiên cứu. Mặc dù, viết về tranh dân gian Đông Hồ hay tranh dân gian Kim Hoàng tôi vẫn phải có so sánh ở trong cái chung của tranh dân gian trên mọi miền đất nước. Trong quá trình đi nghiên cứu về tranh dân gian, có nhiều lúc tôi phải lội ngược dòng để tìm hiểu lại về lịch sử của những dòng tranh dân gian.
 
Khi làm những quyển sách như thế này, nếu không khéo và truyền được cảm hứng cho các nghệ nhân rất khó để người ta đã nói được những bí quyết của gia đình họ. Ví dụ với cuốn Dòng tranh dân gian Kim Hoàng, tôi phải đến 50-70 lần gia đình các nghệ nhân mới có thể tích lũy được tư liệu. Mỗi lần gặp gỡ lại vỡ ra một điều mới lạ.


Bộ tranh "tứ nghệ" - bốn nghề sĩ, nông, công, thương - của dòng tranh dân gian Kim Hoàng.
 
Quá trình tìm hiểu các dòng tranh chị thấy tranh dân gian Việt Nam có gì đặc sắc?
 
Chính là tính dân tộc và tính lịch sử. Điều này thể hiện rất rõ trong cách làm tranh, vẽ tranh, màu sắc, nội dung. Tín ngưỡng, phong tục tập quán của người dân Việt vào những thời điểm lịch sử nhất định được thể hiện qua tranh rất rõ nét. Tuy nhiên, mỗi dòng tranh lại có sự khác biệt, đặc trưng cho văn hóa từng vùng miền, cũng chính là phục vụ những đối tượng khách hàng riêng biệt.


Một bức tranh dân gian Đông Hồ.

Là chủ biên của 2 cuốn sách này, chị mong muốn sẽ lan toả điều gì tới người đọc?
 
Tôi mong muốn mọi người hãy trân trọng từng bức tranh dân gian, dù là tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng, hay tranh dân gian nào cũng vậy, bởi nó là những giá trị tinh hoa của dân tộc mình đã được thẩm thấu vào trong đó, chứ đừng nhìn về mặt giá trị kinh tế của bức tranh.
 
Khi những quyển sách về tranh dân gian ra đời với chất lượng in ấn tốt, được đưa tới bạn đọc thì rất nhiều người đã lấy những mẫu của tranh dân gian này, sáng tạo vào trong các lĩnh vực đương đại. Ví dụ như những họa sĩ người ta sẽ dùng những chất liệu của tranh dân gian đưa vào nhưng tác phẩm của mình. Hoặc là vào những dịp Trung Thu hay Tết, những khách sạn người ta hay làm những gói quà và ở trong đó người ta sử dụng những hình ảnh của tranh dân gian. Tôi nghĩ là tranh dân gian không chỉ tồn tại trong dịp Tết mà nó thể tồn tại từ đầu năm cho đến cuối năm bằng hình thức này hay hình thức khác.
 
Hy vọng, công trình của chúng tôi sẽ có đóng góp không những khôi phục và phát triển dòng tranh Kim Hoàng, Đông Hồ mà còn có giá trị tư liệu khảo sát dân tộc học, khảo cổ học, thư tịch học, sử học, văn học dân gian của ngôi làng thuần Việt. 
 

Cường Việt/GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...