THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 05 NĂM 2024 10:15

Nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Nhà hát Tuồng Việt Nam

03/09/2019 | 10:01

Cụ thể, vào sáng ngày 4/9, tại Rạp Hồng Hà sẽ diễn ra Lễ khánh thành phòng trưng bày Nghệ thuật Tuồng.

Tối ngày 7/9, tại rạp Hồng Hà sẽ biểu diễn vở "Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư". Đây là vở Tuồng tập trung khắc họa chiến thắng Vân Đồn, trận đánh thể hiện tài trí của Phiêu kỵ tướng quân Trần Khánh Dư cũng như tấm lòng trung kiên của ông đối với nhà Trần.

Hình ảnh trong vở tuồng lịch sử Nhân Huệ Vương do Nhà hát Tuồng Việt Nam biểu diễn

Ngày 8/9, buổi sáng tại Nhà hát Tuồng Việt Nam (Mai Dịch, Hà Nội) sẽ diễn ra Hội thao chào mừng Lễ kỷ niệm 60 năm. Buổi tối sẽ là Hội thi tìm hiểu 60 năm hình thành và phát triển Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Lễ kỷ niệm 60 năm Nhà hát Tuồng Việt Nam sẽ chính thức diễn ra từ 8h ngày 9/9 tại rạp Hồng Hà (51 Đường Thành, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm sẽ có các hoạt động: Thắp hương tại ban thờ Tổ nghề tại rạp; tham quan khu trưng bày; trình chiếu phim tư liệu 60 năm Nhà hát Tuồng Việt Nam…


NSND Ánh Dương trong vai Trần Khánh Dư.

Ngày 10/9, buổi sáng sẽ diễn ra Lễ giỗ Tổ Tuồng tại Mai Dịch.

Gìn giữ những tinh hoa

Nhà hát Tuồng Việt Nam thành lập năm 1959, tiền thân là Đoàn Tuồng Bắc trung ương. Các nghệ sĩ từ thời đó đã biểu diễn khá rộng rãi chẳng những ở các vùng nông thôn mà ở các đô thị lớn ở phía Bắc như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nam Định,Vinh... và những rạp Tuồng có tên tuổi như: Quảng Lạc, Sán Nhiên Đài quanh năm diễn Tuồng.

Ngày đầu thành lập, Nhà hát chỉ có 19 nghệ sỹ, cán bộ; trải qua 60 năm hoạt động, đến nay, dù trải qua nhiều thăng trầm của Tuồng, Nhà hát không chỉ tăng gấp nhiều lần số nghệ sĩ mà họ còn tận tâm với nghề. Các nghệ sĩ không chỉ cống hiến to lớn cho nghệ thuật Tuồng nước nhà mà còn nhận được sự ngưỡng mộ và để lại ấn tượng sâu sắc của khán giả trong nước cũng như ngoài nước.

Một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của Nhà hát Tuồng Việt Nam là gìn giữ những tinh hoa của nghệ thuật Tuồng truyền thống để trên cơ sở có cách tân, cải tiến nghệ thuật Tuồng phục vụ nhu cầu thưởng thức của nhân dân.

Làm thế nào để công chúng yêu thích nghệ thuật tuồng? Nhà hát đã thường xuyên tổ chức các buổi giới thiệu những cái hay, cái độc đáo của nghệ thuật tuồng truyền thống với nhiều đối tượng khán giả khác nhau. Đặc biệt chú trọng đến phong trào Tuồng không chuyên ở các địa phương trên miền Bắc. Cử cán bộ, nghệ sĩ đến giảng dạy và giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần để cho các câu lạc bộ tuồng phát triển. Cho đến nay nhiều địa phương vẫn giữ gìn được truyền thống thưởng thức và biểu diễn nghệ thuật Tuồng.

Phát triển nghệ thuật Tuồng truyền thống.
Song song với việc khai thác, phục hồi các vở Tuồng truyền thống để gìn giữ và bảo lưu; 60 năm qua Nhà hát Tuồng Việt Nam đã dàn dựng hàng trăm vở Tuồng mới gồm đủ các đề tài, thể tài khác nhau. Bởi gìn giữ nghệ thuật Tuồng một cách thiết thực, hiệu quả nhất chính là phát triển nó, làm cho nó không chỉ mang ý nghĩa của một di sản văn hóa trong quá khứ mà còn là một sản phẩm văn hóa của thời đại, là tiếng nói về tư tưởng và tâm hồn của người dân hôm nay, để cho nghệ thuật Tuồng vẫn tiếp tục là bạn đường tri âm, tri kỷ của nhân dân Việt Nam trong cuộc hành trình xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế và trong suốt chiều dài xây dựng và phát triển các thế hệ nghệ sỹ Nhà hát Tuồng Việt Nam luôn tâm niệm và ghi nhớ lời Bác Hồ đã từng nói Tuồng hay đấy nhưng cần phải cải tiến nhưng “ Chớ gieo vừng ra ngô”.

Bằng chứng kết quả trong lĩnh vực phát triển và sáng tạo nghệ thuật và Hợp tác quốc tế đó là: hàng 100 vở diễn và chương trình nghệ thuật đoạt giải thưởng Huy chương Vàng, Bạc trong các Kỳ Hội diễn, Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế, Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ truyền thống, Liên hoan sân khấu nhỏ, Liên hoan sân khấu các nước Asean và Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Liên hoan sân khấu tại Avigon - Cộng hòa Pháp...và các chuyến lưu diễn tại các nước Châu Âu, Châu á, Châu Phi, Châu Mỹ....

Có thể nói kết quả trên đã khẳng định phong cách và tiếng nói nghệ thuật riêng của mình, khẳng định phương hướng phát triển nghệ thuật đúng hướng của Nhà hát. Các tác phẩm mới dàn dựng không chỉ bám sát nhiệm vụ chính trị mà còn được khán giả hồ hởi đón xem, chứa đựng những tìm tòi, trăn trở mang tính chất học thuật về con đường phát triển nghệ thuật của Nhà hát.

Mảng đề tài được coi là thành công nhất và có nhiều vở diễn được công chúng đón nhận đó là những vở Tuồng đề tài lịch sử và một số vở Tuồng dân gian, dã sử và nhiều vở Tuồng về đề tài hiện đại, đương đại được thể hiện thành công trong lĩnh vực cách tân, cải tiến nghệ thuật Tuồng.

P.V / TC GĐ&TE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...