THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 04:26

Nhớ câu vọng cổ ngày thơ ấu

01/02/2022 | 13:01
Với tôi, nghe câu vọng cổ có lẽ không ở đâu hay hơn ven các triền sông của vùng sông nước quê ngoại…
Ở tuổi “tri thiên mệnh, ra bờ sông gần nhà ở Sài Gòn ngồi ngắm lục bình trôi theo con nước và nghe vọng cổ từ điện thoại vẫn là thú vui tuyệt vời. Ảnh: Hồng Liên

Ở tuổi “tri thiên mệnh", ra bờ sông gần nhà ở Sài Gòn ngồi ngắm lục bình trôi theo con nước và nghe vọng cổ từ điện thoại vẫn là thú vui tuyệt vời. Ảnh: Hồng Liên

Tôi lớn lên ở vùng sông nước Nam Bộ, “sáu câu vọng cổ” có lẽ đã ngấm vào máu thịt khi còn nằm nôi. Với tôi thì chưa có làn điệu nào nghe “nhức nhối” bằng thứ nghệ thuật cổ truyền được hình thành từ vùng sông nước Cửu Long hồi đầu thế kỷ trước… Ðặc biệt là thuở nhỏ, chiều 30 Tết, sau khi nấu dọn, cúng kiếng xong, vừa mở “máy thâu băng” (tức cassette) vừa đi dọc theo những mương dừa, hồn như xuôi ngược về năm cũ, vừa hồi hộp chờ năm mới thì không gì tuyệt diệu bằng!

Có người chê bai cải lương là “quê mùa”, vốn chỉ dành cho dân bình dân ít học, nhưng có hề chi, tôi không hề bị “mặc cảm” vì những “tư tưởng” ấy, trái lại, rất hãnh diện vì vẻ đẹp tuyệt vời của câu vọng cổ đã ngấm vào máu mình từ ngày xửa xưa. Tôi có cô bạn, cùng dân miền Tây, đang làm luận án tiến sĩ về nghệ thuật học ở Hoa Kỳ. Từ lúc còn là sinh viên cho đến nay tóc hai đứa sắp phai màu, cứ rảnh là có thể nói chuyện thâu đêm suốt sáng về cải lương, mà chẳng phải nói về “học thuật” gì cao siêu đâu, chỉ phân tích những ca từ đẹp của soạn giả Thế Châu hay Viễn Châu, những điệu thức “trên cả tuyệt vời” khi diễn tả tâm trạng nhân vật của tác giả Hà Triều - Hoa Phượng, về những giọng ca như có “thánh nhập” đến nay chưa có người thay thế của thế hệ nghệ sĩ vàng như Út Trà Ôn, Thanh Nga, Mỹ Châu, Thanh Tuấn, Minh Phụng, Lệ Thủy, Tấn Tài, Phượng Liên… Rồi ngậm ngùi tiếc thương cho sự ra đi của thế hệ nghệ sĩ vàng, người đi đang độ xuân sắc như nghệ sĩ Thanh Nga, người khuất núi khi tuổi hạc đã cao như Minh Phụng, Thanh Sang, Thanh Kim Huệ… rồi bỗng lo sợ một mai không còn ai nhả tơ vàng cho đời nữa.

Danh ca - khôi nguyên vọng cổ Minh Vương có lần tâm sự “Xem cải lương phải ngồi xa xa nghệ sĩ một chút mới thấy những ông hoàng bà chúa lung linh hơn, ngồi gần kiểu sân khấu nhỏ hiện đại “thực” quá, cải lương không còn vẻ huyền ảo, thăng hoa bất tận!” ngẫm ra rất đúng. Riêng tôi, từ nhỏ đã nghe cải lương qua những chiếc máy thâu băng vọng ra từ kênh rạch trước khi được đến sân khấu xem. Lớn lên, có lẽ do thói quen đó nên tôi vẫn thích nghe hát vọng cổ hơn cả xem, dù vẫn khoái “đi coi hát”! Bởi khi nghe, người thưởng thức sẽ “vẽ” ra một Dương Quí Phi xinh đẹp, đài các, một Phàn Lê Huê dũng mãnh, một Quỳnh Nga đoan trang, chịu thương chịu khó, một Chúc Anh Ðài ngang trái chuyện tình duyên… cho riêng mình. Như vậy, nhân vật sẽ lãng mạn và toại nguyện với hình dung của người nghe thông qua tiếng hát hơn là “mặc định” với ngoại hình của diễn viên thủ vai.

Với tôi, nghe câu vọng cổ có lẽ không ở đâu hay hơn ven các triền sông của vùng sông nước quê ngoại. Ở đó, tiếng đờn kìm, đờn cò, đờn tranh, đờn gáo… hòa cùng tiếng ca của người nghệ sĩ trong máy thu thanh vọng ra, hoặc những đêm trăng đờn ca tài tử “cây nhà lá vườn” thì nó “nhập” vào dân “ghiền” như tôi một cảm giác lâng lâng, bay bổng thật khó tả lắm.

Thuở tôi lên chín lên mười, mỗi năm được về quê ngoại ăn Tết một lần, thường khởi hành đi vào sáng 30 Tết. Ngoại tôi ở xã Hưng Lễ (thuộc huyện Giồng Trôm) cách quê nội ở An Hiệp (thuộc Ba Tri, Bến Tre) chưa tới hai mươi cây số. Ngày nay, đường nhựa bon bon thì chỉ cần phóng xe máy vèo một cái là tới nơi, nhưng ngày ấy đường đi xấu kinh khủng, lầy lội, phải qua sông, qua rạch, canh theo lúc con nước ròng để lội qua thì đoạn đường chưa tới hai mươi cây số ấy là một hành trình xa dịu vợi. Ðôi chân bé bỏng của tôi phải đi từ sáng sớm cho đến tận xế chiều mới đến chốn. Qua khỏi lộ đất giồng còn thông thoáng là tới những con lộ (đúng ra là các mương dừa chạy dài tít tắp, bất tận của nhà này nối liền với nhà khác) tôi thấy người lâng lâng khi máy thâu băng nhà ai vang lên các vở tuồng kinh điển trước 75 như “Ðêm lạnh chùa hoang”, “Tâm sự loài chim biển”, “Tiếng hạc trong trăng”… Thế là “đoàn chúng tôi” gồm tôi và mấy anh chị em con dì con cậu sà vào gốc dừa nào đó ngồi nghe hoặc hái lá dừa xếp chim, xếp châu chấu đã đời mới chịu dời gót đi.

Trên đường về quê ngoại năm nào cũng vậy, vì là ngày 30 Tết rồi nên những nhà có “máy thâu băng” họ cứ mở hết công suất và hai tai tôi được… đãi, không gì sướng bằng. Cứ đến bên rặng dừa ven sông hay đám mù u nào đó mà có tuồng tích vang lên là mấy anh chị em cứ “đóng đô” nghe hết tuồng hoặc ít ra cũng hết bài vọng cổ lẻ rồi mới đi tiếp, mặc cho cô em gái tôi hối thúc vì trời sắp hết ngày. Tiếng hát trong “máy thâu băng” ở những nhà ven sông càng vang xa hòa cùng tiếng sóng xô nhè nhẹ khi có chiếc xuồng ba lá nào đó chèo qua càng làm cho không gian thêm mơ màng và không khí Tết càng thêm đậm đà hơn. Cũng đôi khi, đang nghe vô một câu vọng cổ hay người nghệ sĩ nào đó xuống xề nức nở, mùi mẫn, băng bị nhão, bị đứt, tôi đành cất bước trong niềm tiếc rẻ.

Bên những rặng dừa, cũng là những con lộ quê ngoại nghe cải lương là không gì bình an và hay bằng. Ảnh : Hồng Liên

Bên những rặng dừa, cũng là những con lộ quê ngoại nghe cải lương là không gì bình an và hay bằng. Ảnh : Hồng Liên

Ngày đó, nhà tôi cũng như nhiều gia đình khác nghèo xơ xác, cố gắng lắm cha mẹ tôi mới tậu được cái “ra-dô” chứ còn cái “máy thâu băng” chỉ là ước mơ hão huyền. Trong xóm, chỉ một hai nhà giàu mới có chiếc máy thuộc diện luxury đó! Tết được về ngoại cũng đồng nghĩa với việc được nghe cải lương “mút mùa lệ thủy” vì nhà ngoại có “máy thâu băng”. Dù Tết nhứt nhưng năm nào mắt cũng đỏ hoe vì nghe tuồng hay thường là buồn. Nhờ nghe hát lóm như thế (cộng với mấy ngày Tết ở nhà ngoại nghe tiếp “máy thâu băng” cải lương) nên tôi bị… nhập nhiều tuồng tích lẫn các bài ca lẻ nhiều vô số kể. Sau này, khi lên Sài Gòn học, rồi đi làm báo, thỉnh thoảng cũng có đi coi cải lương để viết bài, chỉ cần nghệ sĩ nào đó hát sai một từ trong những tuồng kinh điển hay rớt một nhịp là tôi phát hiện ra liền. Rồi thời mở cửa, băng đĩa của những giọng ca trẻ tràn ngập, nhưng tôi vẫn tìm mua những bài hát ngày xưa với những giọng hát vàng mà nay người còn người mất. Giờ ở tuổi “tri thiên mệnh”, sống ở đô thị nhưng may sao nhà tôi vẫn gần sông, yên tĩnh, thú vui của tôi là ra bờ sông ngồi ngắm lục bình trôi theo con nước và nghe vọng cổ từ điện thoại. Vẫn là giọng những Út Bạch Lan, Diệu Hiền, Tấn Tài… đó, nhưng âm vang câu vọng cổ nghe ven sông trong ngày 30 Tết năm nào vẫn văng vẳng bên tai.

Hồng Liên
Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.
Vì lợi ích tốt nhất của trẻ em

Vì lợi ích tốt nhất của trẻ em

2 năm trước

Việt Nam tự hào là quốc gia đầu tiên ở châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quyền trẻ em. Đến nay, với nỗ lực cao nhất, dành những gì tốt nhất cho trẻ em, Nhà nước Việt...
Mùa xuân cho em

Mùa xuân cho em

2 năm trước

Ẩn hiện trong sương mây, sắc xuân dệt màu áo mới khắp các làng bản, núi đồi Tây Bắc hùng vĩ. Xuân vào trong ánh mắt trẻ thơ vui vẻ, hồn nhiên cùng cỏ cây, hoa lá. Xuân thì thầm nói với...
Tết vẫn rộn ràng trên mọi nẻo đường quê

Tết vẫn rộn ràng trên mọi nẻo đường quê

2 năm trước

Còn ít ngày nữa là đến Tết Nhâm Dần - Tết cổ truyền dân tộc. Đó đây trên các nẻo đường quê đã thấy bừng nở nhiều sắc hoa xuân rực rỡ. Đây là năm thứ 2 chúng ta đón Tết trong...