THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 03:47

Nhớ những mùa ô môi tuổi thơ…

22/06/2020 | 15:37
 
Thấy ô môi là thấy lại một trời xa vắng, cái thời thơ ấu trong trẻo qua đi không bao giờ trở lại. Hồi ấy, phía sau nhà ngoại tôi có một cây ô môi cao mười mấy thước. Tôi chả biết cây có tự bao giờ, chỉ biết là khi tôi biết nhai ô môi như một món khoái khẩu thì nó đã hiện diện cùng với muôn trùng cây trái trong vườn nhà ngoại. Tới mùa ô môi chín, dì Sáu, dì Út và cậu Bảy của tôi thường hay nhìn lên cây ô môi với vô số trái đen treo lủng lẳng mà “phán”, trái này chín rồi, trái kia đang hườm thôi, đừng hái, “ăn chát ngắt đó”… Rồi các dì và cậu lấy móc hái xuống, róc ra, coi mắc nào có sâu không, cho đám cháu nhai bỏm bẻm như nhai trầu, nút lấy nước ngọt, xác nhả đầy phía hông nhà ngoại! Nhà ngoại tôi ở vùng “ngày Quốc gia, đêm Việt Cộng”, khói lửa triền miên, đạn nổ, bom rơi như cơm bữa. Trong tâm trí tuổi thơ của tôi vẫn còn ám ảnh hình ảnh “lính đi ruồng”, bởi những ngày ấy cả nhà phải đi giấu đồ đạc, cây trái vẫn có nguy cơ bị chặt ngang gốc. Thế nhưng, trong cơn binh lửa mấy mươi năm, cây ô môi vẫn vươn cao, hoa vẫn nở thắm sắc hồng khi xuân sang và trái sai oằn khi hè đến. 
 
 
Khi tôi đến tuổi cắp sách, gần đến hè cũng là mùa ăn trái ô môi chín. Trái ô môi cùng với nước đá xi rô đỏ thắm là món khoái khẩu của học trò quê. Trái ô môi dài chừng 5-6 tấc, được đựng trong những cái thúng, cái dừng, cái sàng nhỏ trước cổng trường. Trái được người bán róc ra, chừa 2 cái gân hai bên, chặt thành từng khúc khoảng 5 phân đến 1 tấc, 2 tấc, để tùy vào “khả năng tài chính” của từng cô cậu học trò mà chọn lựa. Bốn mấy, năm chục năm trôi qua rồi, tôi không còn nhớ giá tiền một khúc ô môi như vậy là bao nhiêu, chỉ biết đa số trẻ con miền quê chúng tôi ngày ấy, dù giàu - nghèo gì vẫn có thể “tậu” khúc ô môi một cách bình đẳng. Khi ăn, chỉ cần đẩy qua đẩy lại cho 2 cái gân mềm ra, bật bớt một gân, tách từng miếng ra ăn. Hột thì bỏ túi áo, cất giữ để còn “mần việc khác”! Các khoanh ô môi có cơm màu dầu hắc, trái nào chín nhiều thì tươm mật, nhìn rất hấp dẫn, nhai nghe ngòn ngọt và có một hương vị riêng, nó ngon ngon làm sao ấy, rất khó mô tả! Mùa ô môi năm nào chúng tôi cũng ăn đến độ… xơ cả lưỡi, môi miệng đen ngòm! Thường bọn con gái hay ăn nhiều ô môi hơn con trai, có lẽ, con trai ít thích ăn vặt kiểu “nhai trầu” này hơn chăng? Đứa nào ăn ô môi là không giấu được, bởi miệng và hàm răng đều… đen thui, đôi lúc áo trắng bị dính tèm lem hai bên tay và vạt áo. Có những lúc, để thay “khẩu vị”, lũ trò nhỏ chúng tôi lại thích ăn trái ô môi còn cả vỏ. Trái càng chín thì càng dễ có sâu, dù rằng khi mua đã cẩn thận cầm khúc ô môi ngắm nghía kỹ càng, xem có sâu đục lỗ hay không. Rồi cầm khúc ô môi lắc thật mạnh xem có kêu lục cục hay không. Nếu có tiếng kêu tức là trái ô môi có sâu, sâu ăn hết thịt, khô múi nên hột mới rơi ra khỏi múi ô môi. “Điêu luyện” là vậy nhưng hễ cứ ăn ô môi còn vỏ là bị sâu đớp mỏ. Sâu ô môi mập ú, trắng nõn, chỉ đen ngay chóp đầu, nhìn thấy là phát khiếp, tuy nó cắn môi người chỉ hơi ngứa và sưng nhô lên một tí. Hôm nào lỡ gặp trái ô môi sâu thì cái miệng bị ngứa, vêu ra, bị lũ bạn thường chọc… mỏ Trư, mõm Trư kìa! 
 
 
Hột ô môi thì lũ trẻ giữ trong túi áo để dành chơi bún (bắn), hột này bún trúng hột kia là thắng! Có khi chơi trò gắp hột ô môi: đổ một đống hột ô môi ra bàn, ra đất, lấy hai ngón tay gắp hột bỏ qua một bên mà không đụng hột kế bên thì ăn hết, lỡ rớt hay đụng thì làm người… chiến bại, thua hết! Con nít thời đó, đứa nào cũng có cái lon sữa bò nhỏ để giữ hột ô môi, hột me như giữ báu vật, vì có những lúc mấy hột này được qui thành tiền để chơi bài đếm nút, chơi cờ, cứ một ván cờ hay ván bài đặt vài hột. Chơi chán thì đem hột ô môi ra ngâm nước. Ngâm khá lâu, một hai ngày gì đó, hột mềm, lột bỏ lớp vỏ bên ngoài, lấy cái cùi bên trong nhai nghe sần sật, giòn giòn, tuy lạt nhách mà khoái chí!   
 
  
Khoảng đầu tháng ba, tháng tư là ô môi nở hoa dày đặc cây và trái đen đã len lỏi trong thân cây. Hoa ô môi đẹp rực rỡ như hoa anh đào xứ Nhật Bản, nên nhiều người ví von ô môi là “hoa anh đào miền Tây Nam bộ”. Cây có nguồn gốc từ Nam Mỹ và thích hợp với thổ nhưỡng vùng sông nước nhiệt đới này. Cây ô môi cao tới mười mấy hai mươi thước. Buồn một nỗi, loài cây nở hoa thật đẹp này lại mang cái tên nghe quá tầm thường so với nhan sắc của nó! Tôi cũng đã từng mang thắc mắc này hỏi nhiều người miền Tây thì được cho rằng: có lẽ người Nam mình không biết văn vẻ như người ta, mà cũng có thể khi ăn trái này môi bị chuyển sang màu đen thui (đen: ô) nên lấy tên ô môi chăng!?
 
 
 
Tôi lớn lên và xa quê. Ngoại tôi giờ thành người thiên cổ và cây ô môi năm xưa nhà ngoại giờ cũng không còn nữa. Về quê, muốn mua trái ô môi cũng không còn nhiều. Chỉ một ít nhà còn sót lại dăm cây, mang ra bán chỉ vài ngàn một trái ô môi. Có lẽ, giá trị kinh tế không cao nên cũng không ai định trồng nhiều. Dù hoa ô môi tuyệt đẹp, nhưng cuộc sống nông thôn còn nghèo khó, người ta lo miếng ăn trước khi lo ngắm cái đẹp. Vì thế, ô môi nhiều nơi gần như tuyệt chủng. Hiện nay, chỉ một số nơi ở “miệt dưới” như An Giang, Đồng Tháp thì còn có những con đường trải dài bông ô môi.
 
 
Dù đã xa cái thời gặm ô môi, nhưng mỗi khi hè về, lòng tôi vẫn còn đó màu hồng rực rỡ của bông ô môi và vị ngọt đặc trưng của ô môi ngày thơ bé!

 

Hồng Liên/GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...