THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 03:15

Những giải pháp giảm tải bệnh viện

24/12/2019 | 18:39

Một số nguyên nhân dẫn tới quá tải bệnh viện

Quá tải bệnh viện là vấn đề lớn xảy ra trong nhiều năm gần đây không chỉ ở những nước đang phát triển, mà ở cả các nước phát triển. Điều này có liên quan đến ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Ở Việt Nam, tình trạng quá tải bệnh viện bắt đầu xuất hiện trong hơn chục năm trở lại đây; chủ yếu quá tải ở các bệnh viện đầu ngành, tuyến Trung ương, nghĩa là ở nơi có cơ sở vật chất tốt, bác sĩ giỏi.

Nguyên nhân đầu tiên có lẽ là do môi trường (nước, không khí, bụi, tiếng ồn) bị ô nhiễm, số người mắc bệnh tăng lên; trong khi đó  nhu cầu khám chữa bệnh và ý thức của người dân với sức khỏe tăng cao. Nguyên nhân thứ hai là số tiền chi cho y tế ở Việt Nam thua xa các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia; chưa nói tới Singapore. Nguồn lực đầu tư cho y tế chưa đáp ứng được đòi hỏi của nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân trong giai đoạn hiện nay. Nguyên nhân thứ ba là do diễn biến phức tạp của bệnh dịch, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng và sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm. Nguyên nhân thứ tư là do chính sách ưu việt về chăm sóc sức khỏe nhân dân như thẻ BHYT cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng ưu tiên chính sách, tỷ lệ tham gia BHYT tăng; nếu năm 2007 mới có 49% dân số có BHYT, nay con số đó đã trên 70%. Điều này đã khuyến khích người dân đi khám chữa bệnh nhiều hơn. Nguyên nhân thứ năm mới là giường bệnh thiếu, năng lực chuyên môn của y tế cơ sở vẫn còn hạn chế, trang thiết bị một số bệnh viện chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu của tuyến điều trị.

Ngoài ra, cơ chế tài chính đối với các bệnh viện công lập còn nhiều bất cập, phương thức hoạt động của hệ thống y tế còn chậm đổi mới, chưa phù hợp với quy luật cung cầu; chất lượng dịch vụ y tế dù đã được cải thiện nhưng chưa tương ứng với yêu cầu của xã hội. Gía viện dù đã được nâng cao nhưng dân ta vốn ưu tiên cho sức khỏe nên vẫn không ngại chí tiền… Tất cả những điều đó đã làm phá vỡ tuyến điều trị, dồn ép bệnh nhân về các tuyến trên, mà cụ thể là tuyến tỉnh và tuyến trung ương.

Từ năm 2013 tới nay, hầu như tối chủ nhật nào tôi cũng đi từ Vinh ra Hà Nội. Đến trên 70% hành khách trên các chuyến xe gường năm đều là khách từ các làng quê  Hà Tĩnh, Nghệ An ra Hà Nội khám chữa bệnh. Theo các chuyên gia y tế và quan niệm trong nhân dân thì ở Việt Nam hiện nay chỉ có 3 trung tâm khám chữa bệnh tốt là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Huế. Chính vì thế, ngoài những người giàu cỡ đại gia hay quan chức lớn có khả năng đi Mỹ, châu Âu, Nhật, Singapore chữa bệnh, còn lại giới trung lưu thường dồn về ba trung tâm nói trên. Vì thế, ở 3 thành phố này luôn luôn xẩy ra tình trạng quá tải là điều dễ thấy.



Bệnh nhân và người nhà xếp hàng chờ đến lượt khám tại các bệnh viện tuyến trên.

Những giải pháp giảm quá tải bệnh viện

Người ta nói rằng, để giải quyết bất cứ vấn đề gì nếu biết được nguyên nhân, nghĩa là đã giải quyết được 50% vấn đề. Tuy nhiên, trong lĩnh vực y tế, hình như không hẳn thế. Nhưng dẫu sao, việc biết được nguyên nhân cũng cho phép Chính phủ và ngành y tế có đường hướng giải quyết vấn đề này. Với mục đích từng bước giảm tình trạng quá tải bệnh viện, tiến tới người bệnh không phải nằm 2 người một giường bệnh, góp phần nâng cao chất lượng, đảm bảo công bằng, hợp lý trong khám, chữa bệnh cho nhân dân; ngành y tế đã và đang tìm ra những giải pháp giảm tình trạng quá tải ở bệnh viện.

Từ năm 2008, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1816/QĐ-BYT phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” (gọi tắt là Đề án 1816). Đây là một Đề án có cơ sở khoa học và thực tiễn cao, nên đã được các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành y tế hưởng ứng và thi đua thực hiện.

Mục tiêu của Đề án 1816 nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế; Giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trung ương; Chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới.

Trên thực tế, trong những năm vừa qua, trung ương và địa phương cũng đã tập trung giải quyết tình trạng quá tải tại các bệnh viện đa khoa Trung ương và các bệnh viện thuộc một số chuyên khoa như ung bướu, chấn thương chỉnh hình, tim mạch, nhi, phụ sản của 2 thành phố lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Huế. Phấn đấu giải quyết cơ bản tình trạng quá tải của Bệnh viện K, Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh. Theo dự kiến, đến cuối năm 2020, giải quyết được tình trạng quá tải trầm trọng ở các bệnh viện còn lại và đến năm 2025 sẽ giảm quá tải bền vững trong toàn hệ thống khám, chữa bệnh của chúng ta.

Mong muốn là thế nhưng để thực hiện được mục tiêu trên, giảm tải bệnh viện cần có những giải pháp đồng bộ, bền vững với sự tham gia của các bộ, ngành và sự ủng hộ của người dân. Đó là phải mở rộng và xây mới cơ sở hạ tầng bệnh viện để tăng tỷ lệ giường bệnh trên 1 vạn dân, cùng với việc đầu tư trang thiết bị và tuyển đủ nhân lực bảo đảm trình độ chuyên môn để làm việc. Tăng cường đầu tư xây dựng mở rộng và bổ sung các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt ưu tiên cho các chuyên khoa ung bướu, nhi, tim mạch, chấn thương chỉnh hình và các bệnh viện hiện đang có mức độ quá tải trầm trọng ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, việc xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách, thu hút nguồn lực cho tuyến dưới như xây dựng chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với công chức, viên chức ngành y tế và đề nghị nâng mức lương khởi điểm của bác sĩ tương xứng với thời gian đào tạo 6 năm ở các trường đại học y khoa. Việc đẩy mạnh xã hội hoá công tác khám, chữa bệnh, tăng số giường bệnh tư nhân và đa dạng hoá các loại hình khám, chữa bệnh cũng đã phát huy tác dụng. Bộ Y tế đã  phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố để có chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư xây dựng bệnh viện. Trên thực tế, ở nhiều tỉnh hiện nay đã ít xẩy ra tình trạng quá tải. Chỉ ở 3 trung tâm lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Huế vẫn còn tình trạng quá tải khá nặng nề.

Giải pháp có hiệu quả nhất: Phải có nhiều bác sĩ giỏi và tận tâm

Một điều dễ thấy là dân ta có tâm lý “bụt chùa nhà không thiêng”, nghĩa là họ ít tin vào trình độc huyên môn của các bác sĩ tuyến dưới, mà cụ thể ở đây là bệnh viện cấp huyện, cấp tỉnh.  Do đó, sông sóng với với đào tạo bác sĩ giỏi ngay từ khi tuyển sinh đầu vào ở các cơ sở đào tạo có danh tiếng, phải tăng cường các hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức, tạo lòng tin của người dân đối với các cơ sở y tế ở tuyến huyện, tuyến tỉnh. Trên thực tế, hiện nay nhiều bác sĩ ở tuyến dưới có trình độ chuyên môn khá nhưng chưa tạo được niền tin và cơ sở vật chất cũng còn hang hạn chế nên bệnh nhân vẫn ùn ùn kéo về trung ương. Do vậy, các bệnh viện phải thông tin cụ thể, rõ ràng về khả năng chuyên môn, kỹ thuật của bệnh viện để người dân địa phương biết.

Ngoài trình độ chuyên môn ra, vấn đề y đức cũng phải được quan tâm đúng mực. Sự tận tâm của các bác sĩ có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo cảm tình, niềm tin cho bệnh nhân và người nhà của họ. Rõ ràng, việc nâng cao y đức không phải là vấn đề quá khó, không đòi hỏi nhiều thời gian đối với các thầy thuốc. Lãnh đạo các địa phương nên quan âm tới điều này để các bác sĩ tạo được hình ảnh đẹp trong mắt nhân dân.

Nếu tất cả lãnh đạo, cán bộ ngành y ở các tuyến đều thực hiện tốt vai trò của mình, có trách nhiệm trong hoạt động khám chữa bệnh, trong những năm săp tới, chúng ta hi vọng giảm được việc quá tải ở các bệnh viện. Đương nhiên, điều này phải làm song song với việc bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng cường tập thể dục, thể thao trong nhân dân.

Nguyên Hồ/GĐ&TE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.