THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 08:00

Những tấm gương người khuyết tật tỏa sáng giữa đời thường

30/10/2019 | 14:22

 

NKT đưa công nghệ đến với quê hương mình


Nắm bắt sự phát triển của kỷ nguyên kỹ thuật số, nhiều NKT đã lựa chọn lĩnh vực công nghệ thông tin để đầu tư kinh doanh, phát triển thương hiệu. Không một ngày đến trường, liệt toàn than, chỉ có hai ngón tay cử động, anh Nguyễn Quốc Toàn (Phú Thọ) đã thành lập Công ty TNHH NQT đưa công nghệ thông tin đến với quê hương mình. Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay, Công ty đã trở thành đối tác tin cậy của nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh, đã thi công nhiều công trình trọng điểm, doanh thu hàng năm đạt 6-8 tỷ đồng. Công ty tạo việc làm cho 6 lao động với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Cùng niềm đam mê công nghệ thông tin, anh Nguyễn Văn Đoàn (Lạng Sơn) tự nhủ phải tự lập, phải làm chủ cơ sở để phá tan sự kỳ thị, sự nghi ngờ “nhận nó học nghề nhỡ làm sao lại ảnh hưởng đến mình”. Sau thời gian học hỏi ở một công ty máy tính, tích lũy kinh nghiệm, anh Đoàn mạnh dạn thành lập Trung tâm máy tính và thiết bị văn phòng Bảo Việt. Doanh số bán hàng của Trung tâm năm 2017 đạt 4 tỷ đồng, tạo việc làm cho 4 người với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Tuy thành quả còn khiêm tốn nhưng đó là lựa chọn lập nghiệp đúng đắn của chàng trai khuyết tật với khát vọng mang công nghệ thông tin đến với người dân vùng cao biên giới.


Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng trò chuyện cùng người khuyết tật tại chương trình hội ngộ chủ cơ sở sản xuất là NKT.


Vượt qua mặc cảm để khẳng định mình


Như bao phụ nữ lành lặn khác, đã có nhiều nữ doanh nhân thành đạt là người khuyết tật. Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (Quảng Nam) với niềm đam mê kinh doanh đã cùng chồng thành lập Công ty TNHH Quang Toàn, chuyên mua bán, sửa chữa các loại mô tô, gia công cơ khí. Công ty có phân xưởng với máy móc công nghệ kỹ thuật số hiện đại, sản xuất được những phụ tùng linh kiện phục vụ ngành chế tạo lắp ráp ô tô, giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm hàng ngoại nhập. Hàng năm, Công ty nộp ngân sách trên 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho 50 lao động với thu nhập bình quân từ 5-10 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, chị Nguyễn Thị Tuyết Mai còn mở Thẩm mỹ viện Tuyết Mai để được cống hiến làm đẹp cho đời. Niềm vui của chị là khách hàng hài lòng với dịch vụ làm đẹp mà không bận tâm đến dáng đi nghiêng của bà chủ.


Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (Thanh Hóa) chỉ cao 0,8m nhưng với tấm bằng cao đẳng kế toán và ý chí và nghị lực vươn lên, năm 2010, chị thành lập Công ty TNHH sản xuất - dịch vụ và thương mại Suri, chuyên sản xuất các mặt hàng bê tông đúc sẵn, bàn ghế đá granite, kinh doanh vận tải, san lấp mặt bằng, cho thuê kho bãi. Chẳng ai có thể hình dung được rằng, lĩnh vực kinh doanh như thế lại do phụ nữ làm lành đạo, mà lại là phụ nữ khuyết tật. Còn chị Hiền thì thấy thú vị khi làm được những ngành nghề mà nhiều người cho rằng NKT không thể làm được. Công ty Suri ngày càng phát triển, tạo việc làm cho 16 người với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.


Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (Thanh Hóa), có chiều cao 0,8m, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - dịch vụ và Thương mại Suri.


Người khuyết tật vận động làm quản lý đã khó, người khiếm thị, khiếm thính vươn lên làm chủ còn khó khăn gấp nhiều lần. Xuất thân từ gia đình bần nông, lại bị khiếm thị nhưng anh Điêu Chính Quốc Tuấn (Bình Phước) luôn xác định phải làm gì đó để không bị phụ thuộc. Anh nảy ra ý tưởng làm dịch vụ nấu ăn khi thấy vợ nấu ăn ngon. Trải qua nhiều khó khăn, cùng với sự cố gắng của hai vợ chồng, năm 2008, anh thành lập Hoa Viên Thanh Yến chuyên kinh doanh dịch vụ ăn uống được nhiều người biết đến. Cơ sở đã tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động.


Bị khiếm thính bẩm sinh, anh Nguyễn Ngọc Tài (Đắk Lắk) cố gắng vừa học văn hóa vừa học nghề để ra trường có thể tự lập. Sau khi lấy vợ, hai vợ chồng tự mở xưởng mộc làm hàng điêu khắc mỹ nghệ. Khó khăn lớn nhất là ông bà chủ không có khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ nói nên khách hàng e ngại. Nhưng từng ngày nỗ lực, bằng chất lượng sản phẩm và sự chịu thương chịu khó của hai vợ chồng, dần dần, xưởng mỹ nghệ đông khách hơn, hàng bán ra thị trường nhiều hơn. Gia đình anh Tài đã thoát nghèo từ xưởng mộc, xây được ngôi nhà khang trang, ổn định cuộc sống. Xưởng mộc của anh chị còn tạo việc làm cho 2 người, mức lương bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.


Sẵn có sự ham học hỏi, có niềm khao khát vươn lên làm chủ, với kinh nghiệm đối đầu với khó khăn, khi đã thành công, các giám đốc NKT đều nhiệt tâm dạy nghề và truyền nghề cho người khác, đặc biệt là người đồng cảnh. Chị Hoàng Thị Khương (Hà Nội), Giám đốc Công ty TNHH thêu tranh ảnh cao cấp Hoàng Thị Khương năm 2014-2015 đã dạy nghề cho 50 NKT. Hiện cơ sở có 20 lao động khuyết tật đang làm việc với nhiều dạng tật khác nhau.


Điều đặc biệt là, các doanh nhân là NKT không hề chịu lạc hậu. Họ không chỉ có nghị lực vượt qua khó khăn, quyết vươn lên hòa nhập với xã hội, mà còn góp phần cùng phát triển xã hội, mang lại việc làm cho nhiều người, thậm chí tiến xa hơn nữa là vươn tới tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Mọi người rất vui khi ông Hoàng Xuân Hạnh - GĐ Công ty CP Tư vấn và hỗ trợ nghề nghiệp Việt Nam - Trung tâm Tẩm quất người mù Hoàng Kim (Hà Nội), từ năm 2017, đã tiếp nhận công nghệ massage mới và chuyển giao cho nhân viên, nâng thu nhập của người khiếm thị lên 10 triệu đồng/người/tháng. Còn với thạc sĩ Trần Kim Việt, sau khi học xong, anh quyết định về quê (Hương Sơn, Hà Tĩnh), vì muốn góp phần xây dựng quê hương. Quê anh 80-90% dân số là nông dân, đây là nguồn khách hàng lớn, đất quê lại rộng, anh có thể thỏa sức mà vùng vẫy. Anh đã đầu tư sản xuất giống cây Gió Bầu. Năm 2014, anh thành lập Công ty TNHH Vườn ươm Việt. Tới nay, Công ty đã cung cấp các giống cây ăn quả, cây bóng mát, cây cảnh... đạt chất lượng, có năng suất cao. Công ty còn là nơi cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước hơn 20 vạn cây giống Gió Bầu, là vườn ươm Gió Bầu lớn nhất Hà Tĩnh. Hiện công ty giải quyết việc làm cho 20 lao động thường xuyên, trong đó có 3 lao động khuyết tật, 2 kỹ sư chuyên ngành nông nghiệp.


Ông Lương Phan Cừ - Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho biết: “Hình ảnh của NKT cho thấy, họ là những người không chấp nhận số phận, có nghị lực vươn lên mãnh liệt, có tri thức, ham học hỏi, không ngừng nâng cao trình độ để đáp ứng tốt nhất yêu cầu công việc, cũng như quyết tâm theo đuổi đam mê. Họ không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu chính đáng, tạo được thương hiệu cho doanh nghiệp, xây dựng sự nghiệp cho bản than, tạo việc làm cho người đồng cảnh và nhiều người khác. Họ là những con người tài năng, không ngừng sáng tạo, đổi mới, chèo lái con thuyền doanh nghiệp phát triển đi lên. Dù mang trong mình khiếm khuyết nhưng tinh thần, nghị lực, tri thức của họ là tấm gương sáng, là những bài học cuộc sống sinh động khiến nhiều người phải soi rọi, noi theo”.

 

Nhật Minh

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.