THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 02:33

Những tháng ngày dịu ngọt

22/06/2020 | 15:27
 
Sau hai tuần nhận thông báo nghỉ học liên tiếp từ nhà trường, em gái tôi đã chán ngấy những ngày loanh quanh ở nhà với chị. Nó đòi bố mẹ cho về quê, tôi cũng thích… Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ về chơi hai tuần, nhưng tình hình dịch dã ngày càng phức tạp, Nhà nước yêu cầu cách ly, hạn chế đi lại giữa các địa phương nên ông bà không cho chúng tôi về Thủ đô. Những ngày tránh dịch trở thành những ngày không quên. 
 
Nếu như những năm trước, mỗi hè chúng tôi chỉ được về quê hai tuần, chơi chưa kịp “đã” thì phải về để học bơi, múa, kĩ năng sống. Hơn nữa, ông bà vẫn đi làm nên thời gian dành cho các cháu cũng ít. Năm nay, ông bà đều nghỉ hưu nên chúng tôi được dành trọn thời gian thỏa sức khám phá vườn, ao, đồi núi. 

 
Câu cá rất vui. 
 
Trèo cây, câu cá, hái quả, leo đồi… chúng tôi đều được trải nghiệm. Từ ngày về hưu, ông cải tạo một góc vườn thành cái ao nhỏ. Cậu mua mấy loại cá về thả cho chúng tôi tập câu. Thay vì dùng mồi bột mì, câu bằng cần máy như ở mấy ao câu trên thành phố, cậu lên đồi kiếm mấy cây trúc nhỏ, buộc dây cước làm cần, bé xíu, xinh xinh. Mồi câu là con giun đất. Lúc đầu nhìn lũ giun thấy ghê ghê, nhưng dần dần chúng tôi ko sợ nữa, song cũng chẳng dám cầm. Ngày hai lần, tôi lớn hơn làm nhiệm vụ đào giun. Bà bảo phải tìm nơi có đất ẩm, nhiều mùn thì mới có nhiều giun. Nhưng chúng tôi lúc nhớ lúc không, lúc thì đào ngay giữa luống rau của bà (vì nó sạch sẽ). Em gái tôi làm nhiệm vụ “phát hiện” khi thấy giun và thằng em con cậu là chuyên gia… nhặt giun. Mọi người bảo, vì em ấy sinh năm con rắn nên không biết sợ con gì. Từ nhỏ, em ấy đã thích ra vườn bắt châu chấu, cào cào, bắt sâu…, cả con rắn mối em ấy cũng không ngại. Chị em tôi đi câu đều phải nhờ em móc giun vào lưỡi, nếu câu được cá thì vẫn là em gỡ ra hộ. Thú thực, tôi không đủ kiên nhẫn để ngồi câu quá 30 phút, nhưng hai đứa em thì mê mẩn. Tụi nó vừa câu, vừa chơi, vừa ngó nghiêng và trêu những con chão chuộc bơi trên mặt nước, hay đập cho chuồn chuồn bay lên. Thằng em thi thoảng còn bắt được cua. Cứ vài ba hôm, bà lại “xin” nó mấy con cua để nấu canh. Cơ mà chúng vẫn câu được cá, cá rô phi, cá chép, cá cờ… Câu xong, chúng để ở chậu một lúc để ngắm nghía, rồi phân loại, cá cờ sẽ được mang về nuôi trong bể ở nhà, cá rô to thì để bà rán, còn cá nhỏ thì thả lại xuống ao. Có hôm em tôi “đỏ”, câu được hai con cá chép bụng to tướng, ông bảo thả lại ao cho nó đẻ ra thật nhiều con. Nó ngoan ngoãn nghe theo, thi thoảng vẫn nhắc là đàn cá chép bé “của em” chắc nhiều lắm rồi.  


Những cô cậu “nông dân” thực thụ.
 
Sau một tuần về quê, em gái tôi như biến thành một cô bé nông dân thực thụ. Bà sắm cho em một đôi ủng giống như cậu em, một đôi găng tay nho nhỏ để nhổ cỏ vườn, một cái nón be bé. Hai đứa em suốt ngày “bận bịu” ngoài vườn, ngoài ao, trong chuồng gà. Đến bữa ăn, cũng phải gọi mãi chúng mới chịu vào. 
 
Đàn gàn nhíp bà mới bắt về nuôi đã cứng cáp lên trông thấy, nhưng trong đàn có một vài con còi dí, có con còn bị ốm. Tụi em tôi thương lắm, chúng xin phép bà cho chăm sóc một bạn gà bé nhất, đặt tên là “bé chíp”. Hàng ngày, chúng vào bế ẵm “bé chíp”, bón nước, bón cơm rồi nựng nịu như một đứa trẻ. 
 
- “Bé chip” hôm nay không ăn, không uống bà ơi.
- Bà ơi, “bé chip” không mở mắt.


Hái dâu. 
 
Sau bao nhiêu công chăm sóc thì “bé chip” vẫn không qua khỏi, tụi trẻ khóc như mưa. Ông bảo mang ra vườn, chôn vào một gốc cây hồng, “bé chip” sẽ “hóa kiếp” biến thành một cái cây non. Thế là ba chị em hì hục đào hố, cho “bé chip” vào đó rồi lấy đất lấp cao lên. Hàng ngày, tụi trẻ đi qua đều nói chuyện với “bé chip”, và chờ mong một mầm cây mọc lên từ đó, song chỉ vài ngày sau là tụi nó quên luôn chuyện cái cây, bởi chúng tìm được thú vui khác, đó là cây dâu tằm đến ngày hái quả. 
 
Bà bảo, có tụi trẻ, bà không phải đi hái dâu. Mỗi đứa một cái túi nhỏ xinh quần thảo cây dâu, chọn những quả to nhất, chín nhất rồi đua xem ai hái được nhiều hơn. Năm nay, dâu sai trĩu trịt, bà ngâm được mấy lọ to tướng. Tôi được dịp trổ tài làm siro dâu, số quả còn lại để ông ngâm rượu. 


Đào hố chôn “bé chíp”. 
 
Nếu như ở Hà Nội, bố mẹ chỉ lo chị em tôi mập lên thì về quê, em tôi mỗi bữa chén ba bát cơm nhưng chẳng hề lên cân và đen trùi trũi. Chiều nào tụi nhỏ cũng leo đồi, khám phá những cái cây là lạ, nhặt những hòn đá thật đẹp mang về vẽ vẽ, tạo hình. Chúng tôi dường như mê mải với cuộc sống ở quê và không nhớ gì thành phố. Em tôi gọi điện bảo bố mẹ mang đồ lên đây ở luôn, chuyển trường lên quê học. Còn tôi, dù khá nhớ chúng bạn, nhưng nếu có cuộc sống bình an, trong không khí trong lành, trong tình yêu thương của ông bà, cậu mợ, của họ hàng như này cũng thích. 
 
Bố mẹ chỉ cười trước ước muốn của chúng tôi, nhưng tôi biết bố mẹ vui vì chúng tôi đã rất yêu quê hương, gắn bó với mọi người. Em tôi cũng trưởng thành hơn nhiều sau hai tháng xa bố mẹ. Em tự lập hơn, chững chạc hơn và ra dáng làm chị hơn (vì về quê được làm chị của mấy em họ). Covid đã làm cho nhà tôi bị xáo trộn cuộc sống, phải xa bố mẹ đến cả vài tháng nhưng chúng tôi lại được trải nghiệm nhiều trò chơi thú vị mà trẻ em ở thành phố không dễ có được. Tôi tin rằng, em cũng như tôi, sẽ mãi yêu quê hương và những kỉ niệm đẹp của tuổi thơ này sẽ theo chúng tôi suốt cuộc đời… 
 

Bài và ảnh: Châu Anh/GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...