THỨ BA, NGÀY 07 THÁNG 05 NĂM 2024 11:19

Những vấn đề nóng bỏng trong truyền thông trẻ em hiện nay

03/06/2019 | 16:29

 

Ông Phùng Quốc Việt – Tổng Biên tập Tạp chí Gia đình và Trẻ em 

Tham dự và giảng dạy tại lớp tập huấn có ông Phùng Quốc Việt – Tổng Biên tập Tạp chí Gia đình và Trẻ em; TS Hồ Bất Khuất – phụ trách nội dung tạp chí Gia đình và Trẻ em; PGS.TS Nguyễn Văn Dững – Viện trưởng Viện ứng dụng Công nghệ thông tin và Truyền thông; PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh – Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. 
 
 
TS Hồ Bất Khuất – phụ trách nội dung Tạp chí Gia đình và Trẻ em
 
Phát biểu khai mạc Tập huấn, ông Phùng Quốc Việt – Tổng Biên tập Tạp chí Gia đình và Trẻ em cho biết: Thời gian qua, các vấn đề liên quan tới trẻ em luôn là đề tài nóng bỏng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trước thực trạng trẻ em bị bóc lột, xâm hại tình dục ngày càng trở nên nghiêm trọng; Trẻ em bị Tai nạn thương tích, những vụ bạo hành trẻ em xảy ra trong gia đình và trường học đã được phát hiện ngày càng nhiều; Trẻ em bị đuối nước vẫn diễn ra phức tạp, nghiêm trọng... Tạp chí Gia đình và Trẻ em tổ chức lớp tập huấn “Những vấn đề nóng bỏng trong truyền thông trẻ em hiện nay” nhằm bồi dưỡng thêm các kiến thức, kỹ năng... giúp các cán bộ/ phóng viên đang công tác tại các cơ quan báo chí, truyền thông làm tốt hơn nữa công tác truyên truyền về trẻ em, phê phán mạnh mẽ những thói hư tật xấu làm hại đến trẻ em. Đồng thời, biểu dương những tấm gương tiêu biểu, điển hình trong công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em và định hướng dư luận, cũng như kêu gọi toàn xã hội hãy chung tay cùng bảo vệ chăm sóc trẻ em – những mầm non tương lai của đất nước. 
 
 
PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh – Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. 

TS. Hồ Bất Khuất vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu, vừa viết báo và có gần 30 năm gắn bó với công tác trẻ em cho rằng, vai trò của truyền thông trong bất cứ vấn đề gì đều quan trọng. Trong những năm vừa qua, báo chí, truyền thông của Việt Nam đã vào cuộc tích cực, chủ động trong việc tuyên truyền phòng chống bóc lột, xâm hại tình dục trẻ em, nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Theo TS Hồ Bất Khuất, để nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông trong lĩnh vực này, cần tập trung vào một số giải pháp quan trọng như: Cần xây dựng một số cơ quan báo chí có chức năng chuyên biệt về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; đồng thời kết nối những cơ quan báo chí ấy lại với nhau. Nhà nước nên có những hỗ trợ nhất định để các cơ quan báo chí chuyên về trẻ em được có thể tồn tại và phát triển. Ngoài ra, những nhà báo làm việc trong cơ quan báo chí trẻ em phải có những phẩm chất yêu nghề, yêu trẻ, chịu khó lăn lộn trong cuộc sống và sẵn sàng chịu thiệt thòi...  Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực, chuyên môn cho các phóng viên, BTV viết về trẻ em. 
 
 
Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó TBT Tạp chí Gia đình và Trẻ em

Trao đổi về nội dung phòng chống bạo lực trẻ em trong gia đình và nhà trường, PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh – Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền lí giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình. Trong đó, nhấn mạnh đến nhận thức về pháp luật nói chung và pháp luật về quyền trẻ em nói riêng, chưa được các cấp, các ngành quan tâm, đấu tranh loại bỏ, tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho các bậc cha mẹ về quyền trẻ em. Vai trò bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của gia đình, cộng đồng chưa được coi trọng và nhận thức về bảo vệ trẻ em còn hạn chế. Trong khi đó, bất bình đẳng giới, môi trường xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến bạo lực trẻ em... 

PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh lưu ý, khi viết về các vấn đề phòng chống bạo lực trẻ em, các PV, BTV trước hết cần hiểu về các thuật ngữ trong viết về trẻ em; Ông cũng đưa ra những nguyên tắc cho nhà báo trong phỏng vấn trẻ em. “Truyền thông nên tạo ra môi trường thân thiện, kỉ luật tích cực... Không có trẻ em hư, chỉ có trẻ em chưa ngoan”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh chia sẻ. 

Vấn đề phòng chống tai nạn thương tích trẻ em cũng được PGS.TS Nguyễn Văn Dững – Viện trưởng Viện ứng dụng Công nghệ thông tin và Truyền thông chia sẻ. PGS.TS Nguyễn Văn Dững cho rằng, vai trò của một tờ báo chuyên biệt về trẻ em như Tạp chí Gia đình và Trẻ em là vô cùng quan trọng, với các tuyến bài cung cấp kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống bạo lực trẻ em… đã góp phần nâng cao nhận thức cho cha mẹ, thầy cô giáo và cộng đồng. 

Tại Hội thảo, các phóng viên, biên tập viên cùng trao đổi về những giải pháp nâng cao nhận thức về quyền trẻ em; việc quản lý các mạng xã hội, và bàn về cách tuyên truyền về quyền trẻ em, phòng chống bạo lực trẻ em nói chung, và bạo lực tình dục trẻ em nói riêng một cách hiệu quả.  Có thể nói lớp, tập huấn đã góp phần bồi dưỡng thêm các kiến thức, kỹ năng... giúp các cán bộ/ phóng viên đang công tác tại các cơ quan báo chí, truyền thông làm tốt hơn nữa công tác truyền thông về trẻ em.

Châu Anh/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.