THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 02:45

Những vấn đề về trẻ em trong chiến lược phát triển KT-XH 2021-2030 và kế hoạch phát triển KT-XH 2021-2025

07/08/2019 | 11:40

Ban chủ tọa Hội thảo.
 
Chiến lược phát triển KT-XH và kế hoạch phát triển KT-XH là những khung định hướng phát triển căn bản của Chính phủ Việt Nam. Chiến lược và kế hoạch đề ra các định hướng chiến lược, mục tiêu, chỉ tiêu và chỉ số về phát triển KT-XH trong giai đoạn 5 năm và 10 năm ở cả cấp trung ương và địa phương. Cấu trúc của các khung định hướng này tập trung vào ba nội dung then chốt: 1. Phát triển và tăng trưởng kinh tế; 2. Phát triển xã hội; 3. Bảo vệ môi trường. Do đó, cần đảm bảo lồng ghép tốt quyền trẻ em trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025 ở cả cấp trung ương và địa phương.
 
Những ưu tiên trong công tác vận động vì quyền trẻ em
 


Bà Nguyễn Thanh An – Chuyên gia của UNICEF trình bày tham vấn Các ưu tiên cho trẻ em cho Chiến lược và Kế hoạch phát triển KT-XH 2021-2030.
 
Trong chương trình Hội thảo tham vấn Những vấn đề về trẻ em trong chiến lược phát triển KT-XH 2021-2030 được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức ngày 6/8 vừa qua, các chuyên gia, đại biểu đến từ các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ban, ngành, tổ chức làm việc về trẻ em trong nước và quốc tế tham dự đều nhất trí xây dựng một bộ chỉ số về quyền trẻ em để tạo ra cơ sở giám sát các ưu tiên của trẻ em trong chiến lược, kế hoạch phát triển KT-XH và Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em sắp tới. Các chuyên gia bảo vệ và chăm sóc trẻ em kiên trì theo đuổi mục tiêu nâng độ tuổi của trẻ em lên 18 tuổi để phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em và thảo luận đề xuất bổ sung vào kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025 một số chỉ số quan trọng sau:
 
Tỉ lệ thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi (chiều cao/độ tuổi) phân theo giới tính, độ tuổi, dân tộc và địa bàn sinh sống.
 
Tỉ lệ hộ gia đình được tiếp cận với nhà tiêu hợp vệ sinh phân theo dân tộc và địa bàn sinh sống; tỉ lệ phần trăm các làng đạt danh hiệu Cộng đồng không phóng uế bừa bãi.
 
Các chỉ số về sự bình đẳng cho tất cả mọi người (giữa nữ/nam, nông thôn/đô thị, ngũ phân vị có thu nhập cao nhất/thấp nhất và giữa các nhóm khác nhau như khuyết tật, dân tộc thiểu số hay ảnh hưởng bởi thiên tai khi có dữ liệu).
 
Tỉ lệ trẻ em gái so với trẻ em trai nhập học lớp đầu tiên của bậc trung học cơ sở 
 
Tỉ lệ thanh thiếu niên nam và nữ theo học hệ đào tạo chính quy và không chính quy trong 12 tháng trở lại đây.
 
Tỉ lệ trẻ em trực tiếp nhận trợ cấp tiền mặt thường xuyên phân tổ theo giới tính, độ tuổi, dân tộc và địa bàn sinh sống (nông thôn hay đô thị). 
Số lượng cán bộ công tác xã hội đã qua đào tạo và đáp ứng đủ điều kiện trên 10.000 trẻ em.
 
Số lượng và/hoặc tỉ lệ phần trăm xã có ủy ban bảo vệ trẻ em hoạt động và cán bộ bảo vệ trẻ em chuyên trách đã qua đào tạo.
 
Số lượng và/hoặc tỉ lệ phần trăm tỉnh và huyện có Tòa gia đình và người chưa thành niên và thẩm phán chuyên biệt cho người chưa thành niên.
 
Tỉ lệ phần trăm trẻ em trong độ tuổi 2-15 có chứng nhận khuyết tật.
 
Tỉ lệ phần trăm người dân tin rằng trẻ khuyết tật không nên theo học tại các trường chính quy cùng những trẻ em khác…
 
Phải đưa các vấn đề trẻ em vào chiến lược và kế hoạch phát triển KT-XH 2021-2030 nhưng cần cân bằng giữa chăm sóc và bảo vệ trẻ em
 

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phát biểu.
 
Phát biểu tại Hội thảo tham vấn, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết: Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo UBND các cấp bố trí ngay người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, nhóm bảo vệ trẻ em. Trong năm 2019, cần đề xuất các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em đưa vào Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chiến lược phát triển KT-XH 2021-2030. Bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, thành lập nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã; Củng cố, phát triển cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em cấp tỉnh, bố trí người có trình độ chuyên môn cung cấp dịch vụ; Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em tại các Bộ/ngành và địa phương; Chuẩn bị báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về kết quả thực hiện quyền trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em. 
 

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH phát biểu.
 
Nói về tầm quan trọng của buổi Hội thảo tham vấn này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH cho biết: Luật Trẻ em 2016 có đưa ra 5 nguyên tắc để đảm bảo quyền trẻ em, trong đó, có 4 nguyên tắc theo Công ước quốc tế và quyền trẻ em, riêng nguyên tắc thứ 5 được ghi trong Khoản 5, Điều 5 là Đảm bảo lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH quốc gia, ngành và địa phương, vì thế chúng ta cần đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em vào các chiến lược và kế hoạch phát triển KT-XH.
 
Là cơ quan tham mưu cho Bộ LĐTBXH về công tác quản lý trẻ em, Cục Trẻ em đã đề xuất trong báo cáo chính trị, ưu tiên bảo đảm quyền trẻ em và thực hiện chiến lược phát triển trẻ em đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Điều quan trọng của đề xuất này là phát triển trẻ em và giải quyết các vấn đề trẻ em đang tồn tại và dự báo sẽ gia tăng trong thời gian sắp tới.
 

Ông Tạ Văn Hạ, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
 
Lắng nghe các ý kiến đóng góp của các chuyên gia tại Hội thảo tham vấn, ông Tạ Văn Hạ, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, phải đưa các vấn đề liên quan đến trẻ em vào chiến lược và kế hoạch phát triển KT-XH 2021-2030 nhưng cần cân bằng giữa chăm sóc và bảo vệ trẻ em, tập trung vào 25 nhóm quyền trẻ em (được quy định trong Luật Trẻ em 2016). Cụ thể: Tập trung vào đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; Vấn đề tai nạn, thương tích, xâm hại, bạo lực trẻ em; Vấn đề trẻ vi phạm pháp luật được tiếp cận tư pháp thân thiện; Tăng cường quyền tiếp cận của trẻ với các dịch vụ trẻ em; Vấn đề phát triển toàn diện của trẻ em, nhất là giai đoạn đầu đời như tiêm chủng, dinh dưỡng… Bên cạnh, đó, cần chú trọng vấn đề giáo dục trẻ em, phát triển kỹ năng công dân cho trẻ em trong kỷ nguyên số; Phát triển các khu vui chơi, văn hóa, giải trí cho trẻ em; Vấn đề vệ sinh trường học; Chỉ số phát triển nhà trẻ, mẫu giáo; Quyền tham gia của trẻ em...

Bài và ảnh: Thanh Huyền/GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.