THỨ TƯ, NGÀY 15 THÁNG 05 NĂM 2024 10:25

Ninh Thuận chăm lo toàn diện cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

31/08/2019 | 09:57
 
Lãnh đạo Uỷ ban MTTQ Việt Nam đến thăm và tặng quà cho trẻ mồ côi tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Mai Phương
 
Theo số liệu của Sở LĐTBXH tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có 176.155 trẻ em, chiếm 25,09% tổng dân số, riêng trẻ em dưới 6 tuổi khoảng 66.340 em; có trên 24.800 trẻ em trong hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trong đó có 1.481 trẻ em có hoàn ảnh đặc biệt và hơn 25.900 trẻ em có nguy cơ rơi vào HCĐB. Thêm vào đó, môi trường sống của trẻ em luôn tiềm ẩn những nguy cơ dẫn đến các vụ tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã có 67 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích, làm 10 em tử vong; 5 trường hợp trẻ em bị xâm hại, 25 em vi phạm pháp luật phải xử lý hành chính, kết hợp răn đe giáo dục.
 
Từ thực tế nêu trên, thời gian qua, ngành LĐTBXH phối hợp với các ngành, các cấp đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện tốt các chính sách và các hoạt động chăm lo cho trẻ em có HCĐB; chủ động phòng ngừa và hạn chế thấp nhất những rủi ro đến với trẻ em; tăng cường chương trình chăm sóc y tế, tư vấn sức khỏe, thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em. Chỉ trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 22 văn bản triển khai thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn, gồm 01 nghị quyết, 03 quyết định, 09 kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện. Mỗi năm, Ninh Thuận dành trên 7 tỉ đồng từ vốn ngân sách thực hiện chính sách trợ cấp đối với trẻ em có HCĐB, trong đó đã duy trì trợ cấp thường xuyên cho trẻ em có HCĐB theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP và Nghị định 28/2012/NĐ-CP. 
 
Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ cho trẻ em nghèo vượt khó, chăm sóc y tế, giáo dục cho trẻ đều được quan tâm. Trong hai năm 2018 – 2019, tỉnh đã cấp trên 76.600 thẻ bảo hiểm y tế trẻ em, đảm bảo 100% trẻ em dưới 6 tuổi đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 83,8%, tiêm chủng đầy đủ 8 bệnh cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt 97%; tỷ lệ trẻ em 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 99%; tỷ lệ học sinh tiểu học tốt nghiệp đạt 99%. Việc tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em có HCĐB nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 và Tết Trung thu đã trở thành các hoạt động thường xuyên. Năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã tặng 9.004 phần quà cho trẻ em, tổng kinh phí 462,280 triệu đồng. Riêng dịp Tết Trung thu năm 2018, toàn tỉnh đã tổ chức trên 144 điểm vui chơi, giải trí, thu hút gần 56.900 trẻ tham gia, kinh phí tổ chức và tặng quà trên 2,3 tỷ đồng (trong đó kinh phí vận động là 1,8 tỷ  đồng). 

 
Trẻ em có HCĐB ở Ninh Thuận luôn được các cấp, các ngành chăm lo chu đáo. Ảnh: Đức Tuấn
 
Tỉnh Ninh Thuận cũng đặc biệt quan tâm đến công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò và trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và thực hiện các quyền cơ bản đối với trẻ em, nhất là đối với trẻ em có HCĐB. Năm 2018, toàn tỉnh đã tổ chức 11 lớp tập huấn về tuyên truyền, phổ biến Luật trẻ em 2016 và chính sách pháp luật, các chương trình, dự án về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện, thành phố và cấp xã, phường, thị trấn. Tỉnh cũng tổ chức triển khai phần mềm theo dõi quản lý trẻ em trên hệ thống quản lý dữ liệu về trẻ em và tập huấn hướng dẫn điều tra, thu thập thông tin trẻ dưới 16 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh, đến nay đã nhập trên 80%. Sở LĐTBXH còn phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức các lớp hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em và các bậc phụ huynh, giáo viên, người trực tiếp làm việc với trẻ em cùng các chương trình, như: “Thắp sáng ước mơ”, “Điều em muốn nói”, “Xây dựng trường học an toàn”, tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh thu hút trẻ em và học sinh tham gia. Đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, nhân viên công tác xã hội, tình nguyện viên được tăng cường về số lượng và chất lượng, tổ chức kết nối dịch vụ bảo vệ, tư vấn và trợ giúp trẻ em dựa vào cộng đồng, các trường hợp trẻ em có HCĐB, trẻ em bị xâm hại, ngược đãi, đuối nước đều được trợ giúp và tiếp cận với các dịch vụ cần thiết.
 
Với các hoạt động nêu trên, đến nay 100% trẻ em có HCĐB trên địa bàn đã được chăm sóc dưới mọi hình thức, trong đó có 1.396 em đang hưởng chế độ theo Nghị định 67, Nghị định 13, Nghị định 136 của Chính phủ; có 20.375 trẻ em sống trong hộ gia đình nghèo, cận nghèo; 147 em sống trong gia đình có vấn đề xã hội; 25 em sống trong gia đình có người vi phạm pháp luật đều đã được hưởng hỗ trợ theo quy định hiện hành; 100% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa được nuôi dưỡng và hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng; được miễn, giảm học phí. Toàn tỉnh cũng có 56/65 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. 
 
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em có HCĐB, tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em, lấy gia đình làm gốc trong việc phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tố giác kịp thời các hành động xâm hại, bạo lực, ngược đãi trẻ em; hỗ trợ kịp thời; triển khai các hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích; tiếp tục vận động, kêu gọi, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi cho trẻ em, tổ chức các hoạt động giúp đỡ trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em có HCĐB ở vùng sâu, vùng xa nhằm tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em.

Minh Anh/TC GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

7 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.