CHỦ NHẬT, NGÀY 05 THÁNG 05 NĂM 2024 03:37

Nỗ lực có cái nhìn sống động về Nguyễn Du

12/12/2020 | 08:47
Ngạc nhiên thú vị về người sản xuất phim
 
Người sản xuất phim, hay còn gọi là người bỏ tiền ra để làm phim. Ở đây là Tiến sĩ Phạm Xuân Mừng, một người sinh ra và lớn lên ở xứ Nghệ. TS. Phạm Xuân Mừng du học ở Liên Xô, về nhận công tác ở Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), sau đấy trở lại nước Nga học tập và làm việc. Chuyên ngành học và công việc của TS. Phạm Xuân Mừng không liên quan đến điện ảnh. Ấy thế mà anh dự kiến bỏ ra 15 tỷ đồng (nếu có nguồn nào thêm thì càng tốt vì phim có thể cần nhiều hơn 15 tỷ đồng) để làm phim “Đại thi hào Nguyễn Du”! Tôi ngạc nhiên thú vị và vui mừng về điều này.
 
Lý do để TS. Phạm Xuân Mừng bỏ tiền ra để làm phim “Đại thi hào Nguyễn Du”, tôi đoán chắc là có nhiều như: yêu quý, ngưỡng mộ Nguyễn Du; là người đồng hương của Nguyễn Du; muốn để lại một điều gì đấy trong sự nghiệp... Còn chính anh Mừng thì nói: “Làm sao để thế giới hiểu hơn về vĩ nhân Việt Nam, văn hóa Việt Nam, hiểu về một nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam, người đã đưa Truyện Kiều thành tác phẩm văn học bất hủ”. Như vậy, mục đích làm phim đã rõ: Phải làm cho tất cả mọi người hiểu rõ về Nguyễn Du - một nhà văn hóa tầm vóc vô cùng to lớn.
 
Với mong muốn ấy, TS. Phạm Xuân Mừng đã cùng với các nhà biên kịch, đạo diễn tên tuổi Trần Đình Tuấn, Nguyễn Văn Đức cùng ban cố vấn, dàn diễn viên nỗ lực thực hiện bộ phim tài liệu nghệ thuật “Đại thi hào Nguyễn Du”. Phim dự kiến có 3 phần, mỗi phần 2 tập, vị chi tất cả có 6 tập. Hiện nay, đoàn làm phim đã hoàn thành được 4 tập, chiếu thử khá rộng rãi 2 tập đầu.


Diễn viên Hoàng Phượng đóng vai Trần Thị Tần (mẹ Nguyễn Du).
 
Phim “Đại thi hào Nguyễn Du” đang gây chú ý 
 
Dù mới chiếu thử 2 tập đầu ở vài ba nơi, nhưng phim “Đại thi hào Nguyễn Du” đang gây sự chú ý của giới chuyên môn và khán giả bình thường. Đại bộ phận đều phản ứng tích cực khi xem phim; họ thú vị theo dõi những cảnh, những nhân vật trong phim và làm giàu cảm xúc cũng như những khám phá của mình về những con người, quanh cảnh, thời cuộc mà Nguyễn Du đã sống. Nhiều người không tiếc lời khen là đoàn làm phim đã làm việc rất sáng tạo nên đã tái hiện được cảnh sinh hoạt của làng quê, phố phường của Việt Nam cách đây gần 3 thế kỷ.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến trái chiều và những góp ý xây dựng với dụng ý tốt. Ví dụ, nhiều người cho rằng cần phải làm đậm “tính cách Nghệ” trong bộ phim này. Có người cho rằng, cần chuẩn xác và tinh tế hơn trong việc sử dụng lời thoại của các nhân vật. 
 
Nhưng điều gây bàn cãi nhiều nhất là thể loại của phim: Phim tài liệu nghệ thuật. Đúng là với nhiều người Việt Nam (kể cả giới chuyên môn) thì tên gọi “phim tài liệu nghệ thuật” có vẻ mới lạ. Người Việt Nam đã quen với phim truyện và phim tài liệu; mở rộng ra thì có phim tài liệu khoa học chứ chưa quen với “phim tài liệu nghệ thuật”. Vì mới lạ, vì chưa quen nên việc tranh cãi, việc có ý kiến trái chiều là chuyện bình thường, thậm chí là chuyện cần thiết. 
 
Căn cứ vào những gì đã thể hiện qua 2 tập phim đã chiếu thì có thể thấy tên gọi “phim tài liệu nghệ thuật” phản ánh đúng bản chất của bộ phim. Bộ phim được xây dựng dựa theo tài liệu đã có trong sử sách của chúng ta, trong gia phả một số dòng họ. Đây chính là phần tài liệu. Còn phần nghệ thuật là phần các diễn viên thể hiện các nhân vật - họ hóa thân thành những người sống cách đây gần 3 thế kỷ với sự hiểu biết và sáng tạo của mình. Loại phim như thế này, trên thế giới đã làm nhiều. Ở Việt Nam, trước đây chưa làm thì nay làm, có sao đâu!? Vấn đề là phim phải hấp dẫn và có giá trị tư tưởng, thẩm mỹ.


Diễn viên nhí Doãn Đức Huy đóng vai Nguyễn Du năm lên 6 tuổi.
 

 Mong muốn phim “Đại thi hào Nguyễn Du” hoàn thiện hơn nữa, hấp dẫn hơn nữa!

Phim đang trong quá trình hoàn thiện, những người làm phim rất cầu thị, muốn nhận được nhiều góp ý để làm cho phim hay hơn. Thật ra, những người trong cuộc luôn luôn tỉnh táo và có các phương án để hoàn thiện bộ phim nhưng các ý kiến đóng góp cũng không thừa.
 
Nhiều người thấy một số chuyên gia, nhà văn hóa, chính khách... xuất hiện trong phim và phát biểu ý kiến. Theo các nhà làm phim, đây là phần cần phải có vì chúng làm sáng tỏ thêm tài liệu. Nếu cần phải có thì không thể bỏ được, nhưng nên tìm cách đưa lên phim một cách nhuần nhị hơn, tinh tế hơn.
 
Có nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao đoàn làm phim không làm hẳn phim truyện? Nếu là phim truyện thì chắc phim sẽ hấp dẫn hơn? Đúng là tôi cũng có cảm giác tiếc khi thấy dàn diễn viên tài năng, xinh đẹp chưa có đủ đất để thể hiện hết khả năng của mình; vì là phim tài liệu nghệ thuật nên có cảm giác họ chỉ đóng vai trò minh họa. Trên thực tế, phần do các diễn viên thể hiện mới là phần hấp dẫn, phần chính của bộ phim. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu là nếu làm phim truyện thì đòi hỏi về phục dựng cảnh khắt khe hơn nhiều, đồng nghĩa với việc kinh phí bộ phim tăng lên nhiều. Điều này hiện nay đang là quá sức đối với nhà sản xuất phim.
 
Tuy nhiên, cơ hội để có một bộ phim truyện thuần khiết về Đại thi hào Nguyễn Du vẫn còn đó. Với tài năng kiệt suất của mình, Nguyễn Du vẫn còn sức thu hút sự chú ý của người đời sau. Khi chúng ta giàu lên, hoặc khi các đại gia bất động sản, đại gia ngân hàng “nhảy” sang điện ảnh thì chúng ta sẽ có tiền để “chơi sang”. Còn hiện tại, chúng ta tạm hài lòng với phim tài liệu nghệ thuật về Nguyễn Du và không quên nói lời cảm ơn nhà sản xuất và đoàn làm phim.
 

Nguyên Hồ /GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...