THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 01:44

Nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong công cuộc khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh

07/06/2019 | 16:15
 
Bộ đội công binh đưa bom đi hủy nổ. Ảnh tư liệu
 
Hoàn thiện Ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh
 
Ngày 21/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (Chương trình 504), với mục tiêu huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn cho nhân dân, giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống, an sinh xã hội.
 
Để Chương trình được triển khai có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2338/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (Ban Chỉ đạo 504 nay là Ban Chỉ đạo 701- Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam) do Thủ tướng Chính phủ là Trưởng ban.
 
Ngày 4/3/2014, Thủ tướng ký quyết định thành lập Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC - Quyết định số 319/QĐ-TTg) đặt dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; giao Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý để thực hiện việc điều hành, phối hợp triển khai các nhiệm vụ của Chương trình 504. 
 
VNMAC có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất chính sách, xác định mục tiêu, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn; là đầu mối chính thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế, vận động tài trợ cấp quốc gia; triển khai công tác tuyên truyền, vận động tài trợ phòng tránh tai nạn bom mìn; tổ chức thực hiện nâng cao năng lực cho các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; quản lý thông tin khắc phục hậu quả bom mìn; tổ chức điều phối thực hiện các dự án, nhiệm vụ rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân, tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn và các nhiệm vụ khác được giao. 
 
Chương trình 504 và VNMAC đã giúp công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh dần đi vào nền nếp, tạo được sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước, các địa phương, các đơn vị trực tiếp thực hiện và tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. 
 
 
Hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân tai nạn bom mìn. Ảnh tư liệu
 
Trợ giúp nạn nhân bom mìn lồng ghép với chính sách trợ giúp người khuyết tật
 
Những năm qua, công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nạn nhân bom mìn có nhu cầu được phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội từ Nhà nước và cộng đồng để có thể tham gia vào các hoạt động học tập, lao động, kinh tế, xã hội. Công tác trợ giúp xã hội thiết yếu cho nạn nhân bom mìn: chỉnh hình, phục hồi chức năng; hỗ trợ sinh kế, vay vốn, học nghề, tìm kiếm việc làm; lao động, sản xuất, kinh doanh; tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý, vật lý trị liệu, điều trị qua lao động, công tác xã hội, ngôn ngữ trị liệu, đào tạo nghề, dịch vụ việc làm, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội.
 
Một số văn bản quy phạm pháp luật quy định khuôn khổ pháp lý trợ giúp nạn nhân bom mìn được lồng ghép với chính sách trợ giúp người khuyết tật, trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội được ban hành: Bộ luật Lao động, Luật Người khuyết tật, Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội; Quyết định số 1019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020; Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010-2020.
 
Các văn bản quy phạm pháp luật này đã đảm bảo cho nạn nhân bom mìn có quyền bình đẳng tham gia các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, hỗ trợ sinh kế, vay vốn, học nghề, tìm kiếm việc làm, học văn hóa, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin.
 
Đến nay, cả nước có 1.012.923 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng (bao gồm cả nạn nhân bom mìn) được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế. 100% các xã, phường, thị trấn trong cả nước đã hoàn thành việc xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và khuyết tật nhẹ. 
 
Phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn
 
Đến nay, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã được hình thành và phát triển trên phạm vi cả nước với 418 cơ sở trợ giúp xã hội; trong đó, có 73 cơ sở chăm sóc người khuyết tật (bao gồm nạn nhân bom mìn) và 45 trung tâm công tác xã hội chuyên biệt, mạng lưới này cung cấp các dịch vụ, phục hồi chức năng, hướng nghiệp dạy nghề và công tác xã hội đối với những người khuyết tật. 
 
Phát triển mạng lưới các bệnh viện và trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng: Hệ thống các cơ sở phục hồi chức năng cho người khuyết tật, nạn nhân bom mìn, gồm: 5 bệnh viện chỉnh hình và phục hồi chức năng thuộc Bộ LĐTBXH tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Định và Cần Thơ, 3 trung tâm phục hồi chức năng cho người khuyết tật, nạn nhân bom mìn tại TP. Hồ Chí Minh và 4 trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng thuộc Sở LĐTBXH tại các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thái Nguyên, Ninh Bình.
 
Về việc phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục chuyên biệt và hòa nhập: Cả nước hiện có 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt và 2.500 trường phổ thông tiến hành giáo dục hoà nhập, 4 trường đại học sư phạm mở mã ngành sư phạm giáo dục đặc biệt và 3 trường cao đẳng sư phạm thành lập khoa giáo dục đặc biệt. Hệ thống giáo dục này cùng các cơ sở trợ giúp xã hội đã đưa khoảng 1,1 triệu trẻ em khuyết tật (bao gồm cả nạn nhân bom mìn), trong đó có nạn nhân bom mìn ở độ tuổi đi học đến trường.
 
Phát triển mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội ở cộng đồng: Đến nay, nhiều tỉnh/thành phố trên cả nước đã hình thành và phát triển mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội ở cộng đồng, làm công tác quản lý trường hợp, trợ giúp nạn nhân khuyết tật và nạn nhân bom mìn. 

Phương Anh/TC GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.