THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 01:11

Nói với trẻ về ngày giỗ Đức Thánh Trần

22/10/2021 | 07:51
Những năm gần đây, báo chí – truyền thông nói nhiều tới Ngày giỗ Cha, nghĩa là lễ giỗ Đức Thánh Trần. Đây là một sự kiện mang tính tín ngưỡng thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, có thể những người trẻ tuổi, nhất là trẻ em chưa hiểu rõ ngày trọng lễ này.
Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn được phong Thánh là hiện tượng hợp vơi stama thức và ước nguyện của người Việt. Ảnh minh họa KT

Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn được phong Thánh là hiện tượng hợp vơi stama thức và ước nguyện của người Việt. Ảnh minh họa KT

“Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ”

“Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ” – là câu mà dân ta thường nhắc nhở, căn dặn nhau để nhớ một hoạt động tâm linh quan trọng. “Cha” đây là Đức Thánh Trần, giỗ ngày 20 tháng Tám Âm lịch, “Mẹ” đây là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, giỗ ngày6 tháng Ba Âm lịch – Hai nhân vật được xem là Thánh, được kính cẩn tôn thờ ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam.

Đức Thánh Trần tên là Trần Quốc Tuấn, sinh ngày 10 tháng Chạp năm 1228 (có nơi ghi là năm 1230 hoặc 1232) tại hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (ngày nay là phường Lộc Vượng, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định), mất ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (1300). Ông là con trai thứ của An Sinh vương Trần Liễu, anh trai vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh). Trần Quốc Tuấn được quan tâm giáo dục văn võ ngay từ bé. Vốn là người thông minh nên ông nhanh chóng trở thành một người văn võ song toàn, được người đương thời nể phục. Ông đã tỏ rõ tài năng của mình trong 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông – đội quân “làm mưa, làm gió” ở châu Á, châu Âu vào thế kỷ XIII, XIV. Với những chiến công đã lập được, ông được phong Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Gọi tắt là Trần Hưng Đạo. Những nhà nghiên cứu lịch sử quân sự trên thế giới xếp Trần Quốc Tuấn là 1 trong 10 danh tướng tài giỏi nhất mọi thời đại.

Về những nhân vật đã được phong Thánh, song song với chính sử, còn có dã sử, nghĩa là những câu chuyện truyền miệng đầy chất huyền thoại. Theo đó, Đức Thánh Trần do Thanh tiên đồng tử trên Thiên Đình phụng lệnh Ngọc Hoàng đầu thai xuống hạ giới, giáng sinh vào nhà Thân vương, mang theo kiếm phi thiên thần và tam bảo của Lão Tử, ngũ tài của Thái Công để làm một vị tướng đệ nhất Trung Hưng, đến khi tuổi già được hóa danh thần để coi việc nhân gian. Người ta còn kể, ngày Trần Quốc Tuấn ra đời, gió thoảng hương đưa, sinh hào quang khắp nhà, rạng sáng hôm sau có một vị đạo sĩ đến xin yết kiến. Đạo sĩ nói: Đêm qua, tôi thấy một ngôi sao sa tới đây… Người nhà An Sinh Vương đem công tử ra, đạo sĩ quỳ xuống chắp tay vái và nói: Tốt thay, công tử quý hóa này mai đây ắt có những tài kinh bang tế thế…

Ngày giỗ Đức Thánh Trần trở thành Quốc lễ do vào ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí sắc lệnh số 22C NV/CC, quy định những ngày Tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, trong đó có ngày kỷ niệm lịch sử Trần Hưng Đạo là ngày 20/8 Âm lịch. Từ đó đến nay, ngày 20/8 Âm lịch hàng năm là ngày Lễ quan trọng của nhân dân Việt Nam.

Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần đề cao tinh thần thượng võ của người Việt

Nghi lễ quan trọng nhất của lễ hội truyền thống Bạch Đằng là nghi thức rước tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo từ đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà về đình Yên Giang. Ảnh VOV

Nghi lễ quan trọng nhất của lễ hội truyền thống Bạch Đằng là nghi thức rước tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo từ đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà về đình Yên Giang. Ảnh VOV

Trần Hưng Đạo là con người tài ba lỗi lạc, đức độ, một nhân cách lớn, một thiên tài quân sự đã làm rạng danh lịch sử chống xâm lược của dân tộc ta với chiến công 3 lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông, đáng nhớ nhất là chiến thắng Bạch Đằng. Với những cống hiến to lớn cho dân tộc, ông đã được nhân dân phong Thánh với cách gọi đầy tôn kính: Đức Thánh Trần và được thờ phụng ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam.

Việc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được phong Thánh là hiện tượng hợp với tâm thức và ước nguyện của người Việt: Thần thánh hóa người có công với dân, với nước, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông bờ cõi, được muôn đời ngợi ca bởi tấm gương trung hiếu, khí phách kiên cường, tài năng quân sự và tấm lòng tín nghĩa. Vì kính trọng, nhân dân không gọi trực tiếp tên của Ngài mà gọi là Hưng Đạo Đại Vương, Đức Thánh Trần, Cha. Việc thờ phụng Đức Thánh Trần hiện nay đã trở thành một hình thức tín ngưỡng dân gian phổ biến của nước ta: Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần.

Cũng như các tín ngưỡng dân gian khác, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần là một hình thái biểu thị đức tin, niềm tôn kính của nhân dân. Nội dung nổi bật của Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Điều đáng chú ý là trong số các vị Thánh được nhân dân phong và thờ phụng, chỉ duy nhất Đức Thánh Trần – Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là nhân vật lịch sử có thật. Điều này càng khiến tín ngưỡng thờ Đức Thành Trần trở nên thân thiết, gần gũi, sinh động, thiêng liêng.

Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần không chỉ có các di sản văn hóa hiện hữu mà là cả một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, đa sắc màu, thấm đẫm giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian cổ truyền. Đó là kho tàng truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về các thần linh; các hình thức diễn xướng âm nhạc, ca hát; các hình thức trang trí, kiến trúc. Các cuộc tế lễ, dâng hương tưởng niệm Trần Hưng Đạo được tiến hành theo kịch bản xây dựng công phu và được cử hành nghiêm trang, trọng thể với các nghi lễ vừa linh thiêng, kính cẩn vừa huyền bí.

Phong Thánh và thờ phụng một con người tài đức vẹn toàn, có công lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, nhân dân ta đề cao tinh thần thượng võ, đề cao lòng yêu nước, yêu dân tộc. Đây cũng chính là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam – thứ “vũ khí” giúp chúng ta chiến thắng trong các cuộc chiến tranh giữ nước suốt thế kỷ XX. Chúng ta đang sống trong thời hội nhập nên tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần cần được tuyên truyền, giáo dục để thế hệ trẻ giữ được cốt cách của người Việt.

Hoàng My
Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

5 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...
Nâng cao hiệu quả tuyên truyền giáo dục an toàn giao thông cho học sinh tại huyện Mường La

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền giáo dục an toàn giao thông cho học sinh tại huyện Mường La

2 năm trước

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh trên địa bàn huyện Mường La đã được tiến hành đồng bộ, bằng...
Các nước trên thế giới đẩy mạnh tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em

Các nước trên thế giới đẩy mạnh tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em

2 năm trước

Để xây dựng và thực hiện lộ trình “sống chung với Covid-19” trong dài hạn, việc bảo vệ trẻ em trước các biến thể của virus SARS-CoV-2 bằng cách tiêm vaccine ngừa Covid-19 đang là một...
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tiếp nhận hơn 11 tỷ đồng hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19

Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tiếp nhận hơn 11 tỷ đồng hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19

2 năm trước

Sáng ngày 21/10, tại Hà Nội, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (Bộ LĐ-TB&XH) đã tổ chức lễ tiếp nhận tài trợ của các đơn vị là cơ quan, doanh nghiệp trong nước ủng hộ trẻ em bị ảnh...