CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 02:07

Nương tựa để vững tin

13/04/2020 | 15:47
 
1. Nhận được tin công ty phải nghỉ làm để thực hiện cách ly xã hội phòng chống dịch bệnh, tôi gọi điện cho chồng, anh báo lại, doanh nghiệp anh cũng vậy, và thở dài. Là những doanh nghiệp tư nhân nhỏ, nên nghỉ việc đồng thời với với giảm lương. Tôi đi từ bối rối đến lo lắng. Rồi bao cuộc điện hỏi thăm, loan báo tình hình công việc của bạn bè, người thân… Ai cũng âu lo, không chỉ là thu nhập, hơn thế, còn là khoảng thời gian ở nhà với gia đình, phần nhiều là những người quen sống, sinh hoạt ở nơi làm việc, không ít người không biết đến cả ngày nghỉ trong tuần.
 
Tôi mang nỗi lo ấy về nhà. Việc đầu tiên giục chồng cùng xông vào mở tủ bếp, tủ lạnh xem đồ ăn, nhanh tay để còn ra chợ. Mẹ chồng tôi ôn tồn bảo, bình tĩnh thôi các con, hàng ngày các gia đình vẫn được đi mua hàng hóa thiết yếu cho cuộc sống. Mẹ vẫn vậy, luôn ung dung trong mọi hoàn cảnh. Lần này, nghe mẹ nói, tôi càng thêm sốt ruột, nôn nóng, cộng thêm tiếng réo gọi của mấy đứa bạn thân hùa nhau đi siêu thị, ra chợ mua hàng dự trữ.
  
Mẹ nói vậy, nhưng mẹ biết vợ chồng chúng tôi đang lo lắng, những lo âu không tránh khỏi, để giữ hòa khí, mẹ bảo, mẹ có thể đi chợ giúp các con. Bữa cơm tối hôm đấy, vợ chồng tôi chung câu chuyện về dịch bệnh, về chuyện ở nhà cách ly, hạn chế ra ngoài đường. Mẹ góp chuyện ít nhiều, nhưng khuyên chúng tôi đừng biến nỗi lo thành hốt hoảng.


Ảnh minh họa
 
Xong bữa cơm, theo thói quen, hai con vào giường cùng bà nội nghe bà đọc sách. Thói quen này các con có từ lúc 3, 4 tuổi, các con nghe và thuộc nhiều chuyện bà đọc từ sách. Vợ chồng tôi tiếp tục sẻ chia nỗi âu lo cùng bạn bè trên điện thoại. Có người than thở, không gian ở nhà chật hẹp, vợ chồng cứ sống theo ý mình, nhân danh sự riêng tư, phải giáp mặt hàng ngày liên tục, tránh sao được những va chạm. Nhiều người đưa ra lời khuyên cũng là nhắn nhủ chính mình để phải biết tiết chế mình hơn, để không phải cãi nhau trước mặt con, rồi cách ứng xử ra sao với bố mẹ chồng khi cùng chung mái nhà…
 
Những ý nghĩ quanh quẩn bên tôi, về nền tảng gia đình là một điều mà ai khi lập gia đình cũng kỳ vọng, đưa lên làm tiêu chí đầu tiên cho cuộc hôn nhân của mình. Nhưng vì rất nhiều lý do, vợ chồng cứ sống như bị rượt đuổi. Đi làm, quan hệ xã hội và về nhà đôi khi chỉ để nói với nhau vài câu rồi ngủ.
 
Đêm dài hơn ra với những lo âu…


Ảnh minh họa
 
2. Bố chồng tôi mất sớm, khi chồng tôi 6 tuổi, mẹ một mình nuôi con, rồi xây nhà mới cho con trai xây dựng gia đình. Mẹ chồng tôi nghỉ việc ở công ty vài tháng trước khi tôi về làm dâu. Mọi người trong nhà đều thấy tôi là người tháo vát, quán xuyến mọi việc trong gia đình. Tôi nhận làm mọi việc nội trợ, nhiều lần mẹ có ý gánh đỡ cho tôi bớt vất vả, nhưng tôi từ chối, nghĩ mình làm được, thêm nữa, tôi sợ người khác làm không đúng ý mình. Tôi thấy hài lòng với việc một mình được lo toan, đảm đương công việc nội trợ, có “quyền quyết định” tối thượng. Không ít lần, chồng tôi nói: Mẹ nhường việc cho em đấy! Mẹ nấu ăn rất ngon. Tôi nghe vậy, nhưng nghĩ anh nói vui thôi.
 
Mẹ giữ thói quen đọc sách từ khi còn trẻ, phòng nghỉ của mẹ bốn bề là tủ sách. Mẹ đọc sách hào hứng say mê đến lạ. Có tôi về làm dâu, đỡ đần việc nhà, việc nội trợ nên mẹ càng có nhiều thời gian với sách. Nhiều cuốn sách mẹ đọc đi đọc lại nhiều lần.
 
Thu nhập vợ chồng giảm sút, tôi bắt đầu thắt chặt hơn việc chi tiêu. Ở nhà, tôi thêm việc giúp hai con học tập, việc nhà thêm bận rộn lên. Sáng sớm, vội đi chợ mua thức ăn đủ cho vài ngày, lên sẵn thực đơn. Sau đó, về nhà bắt tay vào chế biến, nấu nướng với sự đầu tư không ít thời gian.
 
Mẹ vào bếp cùng tôi với vai trò phụ bếp và không quên gọi con trai cùng làm khi rảnh rỗi. Lần đầu nhà tôi làm bữa cơm “giảm chi tiêu” mà lại bận rộn và vui vẻ đến vậy. Mẹ nhận nấu những món ăn mà mẹ thạo. Khi nấu ăn cùng mẹ, tôi thấy thật nhẹ nhàng. Bữa cơm có thêm món ăn của mẹ, món ăn mà mẹ gọi vui là “món ăn bao cấp” thật lạ miệng và nhớ lâu.
 
Những hôm sau, từ gợi ý của mẹ, chồng tôi xung phong đi chợ từ thực đơn mà cả nhà ưng ý. Anh cũng vui hơn khi được giúp vợ chút việc nội trợ. Nhiều món ăn tôi được học từ mẹ. 
 
Tôi bớt âu lo dần với những áp lực của thu nhập giảm, những bực bội không nói ra được, vì phải một mình một bếp. Tôi âm thầm nhận thấy đây là quãng thời gian quý giá để chăm lo cho gia đình mình, gìn giữ từng người thân của mình bằng bữa cơm cả nhà chung tay nấu, chia sẻ và quan tâm đến nhau. Có quá nhiều những mối lo lắng, bận rộn nhưng cũng là cơ hội làm mới hạnh phúc gia đình bằng những điều giản dị. 
Rồi mùa dịch sẽ đi qua để cuộc sống mọi người trở lại bình thường. Nhưng, mọi người cũng đừng quên hãy giữ lại những giây phút ấm áp dành cho gia đình mình, cố gắng dành thời gian ở bên gia đình mình cho dù là thời điểm nào, lo toan mưu sinh hay bận rộn đến bao nhiêu. 
 
 Tôi âm thầm nhận thấy đây là quãng thời gian quý giá để chăm lo cho gia đình mình, gìn giữ từng người thân của mình bằng bữa cơm cả nhà chung tay nấu, chia sẻ và quan tâm đến nhau. Có quá nhiều những mối lo lắng, bận rộn nhưng cũng là cơ hội làm mới hạnh phúc gia đình bằng những điều giản dị. 
 

Thành Sơn/GĐTE

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

2 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.