THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 05 NĂM 2024 02:47

PGS.TS Bùi Thị Nhung: Tăng cường sức đề kháng từ việc bổ sung thực phẩm kháng khuẩn

31/03/2020 | 09:59


PGS.TS Bùi Thị Nhung, Chủ nhiệm Khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia.
 
Thực phẩm kháng khuẩn giúp cơ thể phòng bệnh tốt hơn
 
Chào PGS.TS Bùi Thị Nhung. Hiện có nhiều người chia sẻ cần sử dụng nhiều thực phẩm có tính kháng khuẩn cao như hành, tỏi, gừng, sả, chanh… Việc bổ sung này như thế nào là hợp lý và nó có tác dụng gì với sức khỏe?
 
PGS.TS Bùi Thị Nhung: Các loại rau gia vị ngoài cung cấp vitamin và khoáng chất còn có kháng sinh tự nhiên giúp cơ thể phòng bệnh. Một bữa ăn khoa học và hợp lý thì cần phối hợp nhiều loại thực phẩm trong chế biến món ăn, giúp cho món ăn vừa ngon hấp dẫn và giúp cơ thể phòng bệnh. Ví dụ món rau muống xào tỏi, món thịt bò sốt vang, món canh cá đều cần sử dụng thêm các loại gia vị như gừng tỏi, hành, thì là, mùi… Các món rau xào hoặc canh phối hợp nhiều loại thực phẩm vừa ngon miệng, vừa sử dụng được thêm các loại rau gia vị.
 
Khi chế biến món ăn nên thường xuyên sử dụng lượng vừa phải một số thực phẩm/gia vị chứa các hoạt chất đặc biệt giúp tăng cường miễn dịch như: tỏi, hành, nghệ, sả, nấm, tảo biển… giúp kích thích hệ thống miễn dịch thông qua kích hoạt các cytokine, hoạt hóa đại thực bào để thực hiện chức năng miễn dịch.
 
Ngoài ra, nhóm thực phẩm chứa flavonoid cũng đóng vai trò quan trọng giúp tăng khả năng chống ô-xy hóa và tăng cường miễn dịch của cơ thể. Các thực phẩm giàu flavonoid như: các loại rau gia vị, súp lơ xanh, cải xanh, táo, trà xanh…
 
Như vậy, chúng ta có nhiều loại rau gia vị khác nhau đóng vai trò quan trọng tăng cường sức khỏe. Nền tảng là chúng ta phải có cơ thể tốt thì sẽ phòng bệnh tốt.


Trong các món ăn, cần sử dụng thêm các loại rau gia vị như tỏi vừa ngon miệng vừa tăng cường kháng khuẩn.

Bổ sung vitamin C đúng cách

Hiện nay, để phòng chống dịch, nhiều gia đình truyền tai nhau bổ sung ồ ạt vitamin C, uống nhiều nước cam để tăng sức đề kháng. Theo PGS, việc bổ sung nước cam và vitamin C như thế nào là hợp lý. Nếu bổ sung thừa có nguy cơ gì cho sức khỏe không?
 
Nhu cầu vitamin C khuyến cáo cho người trưởng thành là 100mg/ngày. Nếu tính cả sự hao hụt qua quá trình chế biến (tới 50%), cũng chỉ cần 200mg/ngày.
 
Vitamin C có rất nhiều trong các loại rau hàm lượng khoảng 50-100mg/100g rau. Ví dụ, rau cải ngọt: 78.4mg, rau súp- lơ: 88,1mg, rau dền đỏ: 89mg, rau đay: 77mg… và các loại quả chín nói chung, như bưởi (95mg), cam (40mg), đu đủ (54mg). Như vậy, nếu ăn đủ theo khuyến nghị của tháp dinh dưỡng là 3-4 đơn vị rau củ (tương đương 3-4 lưng bát rau), và 300g quả chín/ngày, sẽ cung cấp đủ nhu cầu vitamin C và các vitamin cùng khoáng chất khác. Do đó, chỉ cần ăn đủ thực phẩm khuyến cáo trên, có thể cung cấp vitamin C đủ cho cơ thể.
 
Vì thế, khi người dân lựa chọn bổ sung vitamin liều cao dạng viên sủi (1.000mg/ngày), chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn, sử dụng khi bị bệnh và theo chỉ định của bác sĩ. Nếu sử dụng nhiều hơn nhu cầu khuyến nghị, cơ thể cũng phải đào thải và lâu dài có nguy cơ sỏi thận.



Món thịt bò sốt vang.
 
Trong giai đoạn chống dịch, nhiều người dân đang tìm cách bổ sung bằng thực phẩm chức năng. PGS có khuyến cáo gì cho người dân về việc bổ sung thực phẩm chức năng hay không?
 
Để có cơ thể khỏe mạnh, chúng ta cần có chế độ ăn đủ năng lượng và chất đạm. Tốt nhất là ăn đa dạng thực phẩm với số lượng cụ thể trong tháp dinh dưỡng cho người Việt Nam. Các vitamin và khoáng chất giúp tăng cường miễn dịch không chỉ có vitamin C mà còn có vitamin A, D, E, các chất khoáng như sắt, kẽm, selen và các chất chống oxy hóa như flavonoid. Chế độ ăn nền tảng nhất của một người bình thường là phải đáp ứng đủ theo khuyến nghị đối với từng lứa tuổi. Chúng ta có 6 tầng dinh dưỡng cho 6 lứa tuổi khác nhau. Cần ăn các thực phẩm bổ sung đầy đủ vi chất dinh dưỡng theo Nghị định 09 năm 2016 của Chính phủ.
 
Cần cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết, như vitamin A; C; D; E; sắt; kẽm; selen. Đây là những chất quan trọng góp phần tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
 
Trong giai đoạn dịch, toàn xã hội cần chung tay, mỗi người khỏe mạnh thì cũng giảm nguy cơ mắc bệnh và nếu có bệnh thì sẽ bớt nghiêm trọng hơn. Nền tảng ở đây là nguồn dinh dưỡng hợp lý, hoạt động thể chất đầy đủ và các biện pháp cách ly, vệ sinh theo như hướng dẫn của Bộ Y tế. Như vậy chúng ta sẽ phòng bệnh hiệu quả hơn, từ đó giảm gánh nặng cho ngành y tế.
 
Xin cảm ơn PGS.TS Bùi Thị Nhung.
 

Việt Cường (thực hiện)/GĐTE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

6 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.