THỨ HAI, NGÀY 29 THÁNG 04 NĂM 2024 08:59

Phát hiện sớm và phòng ngừa tái phát viêm dạ dày ở trẻ em

03/03/2023 | 16:40
Viêm dạ dày ở trẻ em là một trong những bệnh tiêu hóa đang có xu hướng gia tăng. Viêm dạ dày kéo dài có thể gây nhiều vấn đề sức khỏe, thậm chí xuất huyết dạ dày hay ung thư dạ dày. Cha mẹ cần phát hiện sớm dấu hiệu bệnh để kịp thời điều trị cho trẻ và có các biện pháp phòng ngừa tái phát.
Viêm dạ dày không được điều trị dễ dẫn đến loét dạ dày.

Viêm dạ dày không được điều trị dễ dẫn đến loét dạ dày.

Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh dạ dày là vi khuẩn Helicobacter pylori (HP), ngoài ra còn do mệt mỏi, strees; do thói quen ăn uống: bỏ bữa sáng, hay ăn đồ chua cay… Việc nhiễm vi khuẩn HP thường bắt đầu khi còn nhỏ, lây theo đường ăn uống, có khi 1-2 tuổi đã mắc, gặp nhiều nhất là khi trẻ 7-8 tuổi. Trẻ bị viêm dạ dày từ nhỏ có nguy cơ mắc bệnh suốt đời, bệnh dễ tái phát, cần phát hiện sớm để điều trị tích cực, kịp thời.

Những triệu chứng nhận biết viêm dạ dày ở trẻ em

Theo ThS. BSNT Trần Tiến Tùng, Bệnh viện đa khoa Medlatec, triệu chứng viêm dạ dày ở trẻ khác với người lớn, đôi khi dễ nhầm lẫn với các tình trạng rối loạn tiêu hóa, khó tiêu. Cần nhận biết sớm các triệu chứng để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng lành mạnh cũng như điều trị sớm, tránh biến chứng nặng ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ:

Chán ăn, biếng ăn: Viêm dạ dày khiến việc tiêu hóa thức ăn khó khăn hơn, trẻ chán ăn, lười ăn. Nếu phụ huynh cho rằng trẻ không muốn ăn, càng cố thúc ép trẻ ăn sẽ khiến bệnh viêm dạ dày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Hay bị đau bụng: Ðau bụng do viêm dạ dày thường bị nhầm lẫn với những cơn đau bụng khi ăn thức ăn lạ hoặc do giun sán. Cha mẹ cần lưu ý những cơn đau bụng thất thường, hay tái phát xuất hiện trước khi ăn (khi trẻ đói) hoặc ngay sau khi ăn thường do viêm dạ dày. Vị trí cơn đau của trẻ cũng khác so với người lớn, cơn đau tập trung ở vùng trên rốn hoặc quanh rốn, âm ỉ kéo dài hoặc dữ dội trong vài chục phút.

Ðầy hơi, khó tiêu, ợ hơi, ợ chua: Ðầy hơi và ợ chua là hai dấu hiệu phổ biến của  viêm dạ dày, nhất là trẻ dưới 2 tuổi. Nguyên nhân do viêm dạ dày khiến dịch tiết acid dạ dày nhiều hơn, trào ngược lên thực quản và họng gây ợ hơi, ợ chua. Không chỉ gây ảnh hưởng tới tiêu hóa, đầy hơi, ợ chua còn làm tổn thương niêm mạc thực quản và họng khiến trẻ ho, viêm họng.

Ði ngoài phân đen hoặc ra máu: Có đến 50% trẻ nhập viện do xuất huyết dạ dày có triệu chứng đi ngoài phân đen hoặc ra máu tươi.

Nôn ói, nôn ra máu: Nôn ói là triệu chứng viêm dạ dày thường gặp, nhất là trẻ dưới 2 tuổi. Khi bệnh nặng hơn, viêm dạ dày đi kèm với xuất huyết dẫn đến nôn ra máu rất nguy hiểm, cần đưa trẻ đến bác sĩ để điều trị.

Xanh xao: Do các triệu chứng của viêm dạ dày, nôn ói thường xuyên khiến trẻ hấp thu dinh dưỡng kém, biếng ăn, cơ thể xanh xao, thiếu dinh dưỡng và thiếu máu. Cha mẹ kiểm tra dấu hiệu này bằng cách: Lòng bàn tay và bàn chân của trẻ trắng nhợt, da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt, trẻ mệt mỏi, hay chóng mặt, kém tập trung...

Nếu thấy trẻ có nhiều hơn một dấu hiệu trên, hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời.

Vi khuẩn HP chủ yếu lây lan qua đường tiêu hóa.

Vi khuẩn HP chủ yếu lây lan qua đường tiêu hóa.

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị viêm dạ dày

Khi con bị viêm dạ dày, cha mẹ có thể tham khảo chế độ dinh dưỡng do TS.BS. Ðoàn Huy Cường - Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tư vấn như sau:

Vi khuẩn HP chủ yếu lây lan qua đường tiêu hóa nên việc ăn uống không đảm bảo vệ sinh (bát đũa rửa chưa sạch, không rửa tay trước khi ăn, gắp mớm thức ăn cho trẻ, cho trẻ ăn hàng, quán…) sẽ làm tăng khả năng trẻ bị lây nhiễm vi khuẩn HP. Do vậy, ăn uống đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là biện pháp đầu tiên và hiệu quả ngăn chặn trẻ nhiễm vi khuẩn HP. Chế độ dinh dưỡng hợp lý còn giúp dạ dày được nghỉ ngơi, giảm tiết dịch vị, trung hòa acid, tạo điều kiện cho niêm mạc dạ dày nhanh hồi phục, vết loét nhanh liền sẹo và tránh tái phát.

Nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm dạ dày là dùng thức ăn giảm tiết dịch vị. Ví dụ chất ngọt, chất béo ít gây tiết dịch vị, còn thịt nạc, cá nạc gây tiết nhiều dịch vị nên không ăn quá nhiều. Tránh dùng các loại kích thích dạ dày tiết nhiều dịch vị như: ớt, tiêu, giấm, cà ri, mù tạt, trái cây chua, sữa chua, dưa hành, dưa cà muối chua, nước dùng thịt, mắm, tương, chao, thịt nguội… Dùng thức ăn có tính chất bọc, hút, thấm niêm mạc dạ dày, giúp giảm kích thích tiết dịch vị, trung hòa acid. Sữa, trứng là nguồn đạm có khả năng trung hòa acid; chất béo trong sữa, trứng có tác dụng ức chế tiết dịch dạ dày đồng thời làm tăng thời gian lưu thức ăn trong dạ dày. Thức ăn giảm tiết acid dịch vị là mật ong, đường, bánh quy, dầu thực vật... Thức ăn phải mềm, nhừ; cần cho trẻ ăn chậm nhai kỹ để giảm bớt gánh nặng cho dạ dày. Nên chọn ăn rau lá non, mềm như rau đay, rau mồng tơi, rau dền; hạn chế các loại rau củ sinh hơi như súp lơ xanh, bắp cải, củ cải, hành, dưa leo… Tránh dùng thức ăn sống, thô, cứng, nhiều chất xơ (gạo lứt, đậu đỗ, một số rau trái…) trong thời gian đau cấp tính. Không nên để thức ăn nóng quá hay lạnh quá vì sẽ làm cho dạ dày co bóp mạnh. Tránh thức ăn chiên, rán có thể làm kích thích niêm mạc dạ dày.

Không ăn quá no và không để bụng quá đói. Cần ăn thành nhiều bữa nhỏ, khoảng cách giữa các bữa ăn ngắn giúp trong dạ dày luôn có thức ăn để trung hòa acid và giảm đau.

Nên dùng chất béo từ cá vì cung cấp nhiều acid béo thiết yếu và năng lượng cho cơ thể, thức ăn giàu kẽm (hàu, sò, thịt, cá…) sẽ giúp mau lành vết thương, vitamin A giúp sinh trưởng lớp tế bào biểu mô của niêm mạc dạ dày.

Sau khi ăn xong không nên chạy nhảy ngay mà cần có chế độ nghỉ ngơi.

Phòng ngừa tái phát bệnh bằng chế độ ăn

Khi viêm loét dạ dày đã ổn định vẫn nên duy trì cho trẻ 2-3 bữa ăn phụ giữa các bữa ăn chính. Không để trẻ ăn quá no hoặc quá đói. Cho trẻ thức ăn mềm, tránh những thức ăn kích thích niêm mạc dạ dày và gây tăng tiết dịch dạ dày. Ðảm bảo trẻ ăn được uống điều độ, đúng bữa, không nhịn đói, bỏ bữa. Vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống tránh nhiễm vi khuẩn HP.

Ngoài ra, cần tránh cho trẻ rời vào trạng thái stress, căng thẳng, đặc biệt là áp lực thi cử. Khi sử dụng thuốc, hãy nói với bác sĩ về tiền sử bệnh của trẻ để bác sĩ kê đơn thuốc phù hợp.

Theo nhiều nghiên cứu, tại Việt Nam có tới 70-80% dân số có vi khuẩn HP trong dạ dày. Vi khuẩn HP chủ yếu lây lan qua đường tiêu hóa nên những gia đình có trẻ nhỏ cần cảnh giác, bởi có thể chính thói quen mớm đồ ăn, ăn chung bát đũa sẽ vô tình lây HP cho trẻ.

Nhật Minh
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Phú Yên: Hai trẻ em tử vong do sốt xuất huyết và khuyến cáo

Phú Yên: Hai trẻ em tử vong do sốt xuất huyết và khuyến cáo

1 năm trước

Sáng 1/3, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Phú Yên cho biết, trong hai tháng đầu năm nay trên địa bàn tỉnh này đã ghi nhận 2 trường hợp trẻ em tử vong do sốt xuất huyết.
Gia Lai: Khởi tố nhóm thanh niên cho vay nặng lãi

Gia Lai: Khởi tố nhóm thanh niên cho vay nặng lãi

1 năm trước

Ba thanh niên từ Thanh Hóa vào Gia Lai thuê phòng trọ để thực hiện hành vi cho vay tín chấp lãi suất cao, từ 360 đến 455,7%/năm, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.
Ngất xỉu khi tập thể dục, bé gái phát hiện mắc viêm cơ tim tối cấp

Ngất xỉu khi tập thể dục, bé gái phát hiện mắc viêm cơ tim tối cấp

1 năm trước

Sau 3 ngày sốt kèm theo khó thở, đau bụng, nôn ói, nữ bệnh nhi 11 tuổi đột ngột ngất xỉu khi đang tập thể dục. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc viêm cơ tim tối cấp, sốc tim...