THỨ SÁU, NGÀY 17 THÁNG 05 NĂM 2024 03:53

Phát huy lợi thế, nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng

07/06/2019 | 16:10
 
Thay đổi tập quán chăn nuôi từ thả rông sang hình thức nuôi nhốt. 
               
Khởi sắc của vùng đất Si Ma Cai
 
Lên huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự phát triển của một huyện vùng cao biên giới, với cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, nhà công sở... được xây dựng khang trang, sạch đẹp.
 
Là huyện vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn, có xuất phát điểm thấp về nhiều mặt: địa hình chia cắt, độ dốc cao, đất canh tác nông nghiệp chủ yếu là đất nương đồi, đất ruộng ít, không chủ động được nguồn nước tưới tiêu, khó khăn trong thâm canh tăng vụ. Những năm qua, toàn huyện tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững thông qua chương trình 135, 30a, vốn vay ưu đãi của ngân hàng thế giới… Việc thực hiện Nghị quyết 22 của Tỉnh ủy Lào Cai về giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020, sau 4 năm triển khai đã có những chuyển biến rõ nét. Tỷ lệ giảm nghèo đạt và cao hơn mục tiêu Nghị quyết đề ra. Thu nhập bình quân đầu người có tính đột phá cao. Dự kiến đến năm 2020 sẽ có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
 
Những định hướng, các giải pháp phát triển kinh tế đang được địa phương triển khai mấy năm qua đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thậm chí đứng đầu tỉnh với tỷ lệ bình quân mỗi năm huyện giảm được từ 9 - 10% hộ nghèo. Nếu như năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới toàn huyện là 57% thì đến nay chỉ còn 24%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 từ 9 triệu đồng/người/năm, đến nay đã là 25 triệu.
 
Ông Trương Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, bằng nguồn lực đầu tư của Nhà nước, trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền Si Ma Cai đã thể hiện vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các giải pháp, mục tiêu phát triển kinh tế, khuyến khích, động viên người dân nỗ lực thoát nghèo… Việc thực hiện sáp nhập trung tâm dạy nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên được thực hiện theo đúng lộ trình. Về sản suất nông lâm nghiệp, bước đầu đã có chuyển đổi cơ cấu nội ngành từ trồng trọt cho giá trị thấp sang chăn nuôi hàng hóa cho giá trị kinh tế cao. Thay đổi tập quán chăn nuôi từ thả rông sang hình thức nuôi nhốt. Trong công tác giáo dục đào tạo, chất lượng giáo dục đào tạo từng bước được nâng lên, cơ sở vật chất, đầu tư trang thiêt bị được quan tâm. Toàn huyện có 19/45 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt 42%. Duy trì tốt công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, không để xảy ra dịch bệnh lớn trên địa bàn. Hàng năm, toàn huyện đã đào tạo từ 520 lao động/năm. Việc huy động vốn đầu tư vào xây dựng kết cấu hạ tầng được thực hiện tốt, các công trình được xây dựng đồng bộ từ trạm y tế, trường học, hệ thống thủy lợi, nước sinh hoạt. Đến nay, 100% các thôn,  bản đã có đường giao thông cứng hóa, tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho nhân dân. Đến nay, Nghị quyết 22 đã đem lại sự khởi sắc cho vùng đất Si Ma Cai với tỷ lệ giảm nghèo bình quân trên 12% mỗi năm.
 
Những năm gần đây, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện Si Ma Cai đã và đang được thực hiện theo đúng hướng. Việc tăng diện tích các cây rau màu, nhất là cây rau bắp cải còn mang ý nghĩa rất lớn đến việc tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị đất canh tác. Với khí hậu mát mẻ quanh năm, nơi đây rất phù hợp trồng các loại rau có nguồn gốc ôn đới như: bắp cải, su hào… Nhiều hộ dân còn trồng các loại rau trái vụ, cho thu nhập hàng trăm triệu/ha, mở ra hướng đi mới giúp bà con thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Ông Viên Đình Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai cho biết, nhiều năm qua, cây trồng chính của người dân vẫn là cây ngô, nhưng hiệu quả kinh tế rất thấp. Thời gian gần đây, huyện chủ trương đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài cây rau màu trái vụ, huyện đang đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc, chủ yếu là trâu và bò.
 
Thực hiện đề án đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc, huyện Si Ma Cai đã có nhiều giải pháp triển khai có hiệu quả, phù hợp với điều kiện từng địa bàn, tận dụng tối đa những thế mạnh về đất đai và nguồn lao động. Riêng Dự án Phát triển chăn nuôi đàn gia súc huyện Si Ma Cai giai đoạn 2015-2020, có tổng kinh phí đầu tư là 517 tỷ đồng. Nguồn vốn được cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội. Mức cho vay không thế chấp, thấp nhất 50 triệu đồng, cao nhất 500 triệu đồng/hộ, thời gian vay 36 tháng. Được tiếp cận với nguồn vốn vay nên đến nay, toàn huyện đã có thêm 1.500 con trâu, bò theo dự án chăn nuôi, nâng tổng đàn gia súc của huyện lên gần 4.000 con. Khi người dân đã chủ động nguồn thức ăn và kỹ thuật chăn nuôi, thì đây là mũi nhọn phát triển kinh tế, xóa nghèo cho người dân vùng cao.

 
Ngày hội thầy thuốc về bản ở huyện Si Ma Cai.
 
Nuôi ý chí làm giàu trên quê hương
 
Phong trào thi đua phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân được các cấp các ngành quan tâm, xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao, nhiều hộ thoát nghèo. Anh Lý Sín Phong, Bí thư Huyện đoàn Si Ma Cai cho biết: Huyện đoàn luôn khuyến khích, động viên tinh thần và tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo. Trên địa bàn huyện Si Ma Cai có 35 mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ có số lãi hằng năm từ 50 đến 100 triệu đồng. Trong huyện, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình về làm giàu như đoàn viên Hảng Seo Sình (xã Lùng Sui) với mô hình trồng lê tai nung, mận Tả Van có quy mô 300 gốc; Lừu Seo Châu (xã Quan Thần Sán) với mô hình cây thảo quả, đương quy có trị giá sản phẩm hàng trăm triệu đồng mỗi năm; mô hình nuôi 200 con vịt mỏ vàng của đoàn viên Sùng Văn Sưởng tại xã Sín Chéng; mô hình trồng cây sa nhân tím của đoàn viên Giàng Seo Quang tại xã Thào Chư Phìn... Trước đây, với diện tích hơn 1.000m2 đất nương, gia đình anh Lừu Seo Thống ở thôn Say Sáng Phìn, xã Mản Thẩn chủ yếu trồng cây ngô, quanh năm vất vả nhưng cũng chỉ đủ ăn, gặp thời tiết không thuận lợi, nguy cơ mất mùa rất cao, thiếu đói luôn thường trực. Hai năm trở về đây, anh Thống mạnh dạn đưa cây rau trái vụ vào trồng, chủ yếu là cây bắp cải, thu nhập đã tăng gấp 6-7 lần so với trồng cây ngô truyền thống. Nhờ trồng rau, nhất là rau trái vụ mà gia đình anh có điều kiện làm lại nhà mới, mua được xe máy, tivi… không còn lo cái đói, cái nghèo nữa.   
                                                                               
Người dân huyện Si Ma Cai đã và đang nỗ lực tận dụng những lợi thế sẵn có, phát huy hiệu quả những nguồn lực đầu tư, cùng nhau đoàn kết để phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn minh, quyết tâm vươn lên xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Sơn Thanh/TC GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

7 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.